"Nằm mơ" rồi tố nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện: Cơ quan điều tra vào cuộc được không?

11/09/2021 - 17:35

PNO - Bà Nguyễn Phương Hằng (Công ty Đại Nam) nói mình "nằm mơ" thấy nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện, nhưng nhiều nghệ sĩ đến nay chưa sao kê. Vậy Cơ quan điều tra có thể vào cuộc xử lý mà không cần đơn, thư tố cáo?

Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với luật sư Phùng Thanh Sơn (Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp) liên quan vấn đề này. 

 

Luật sư Phùng Thanh Sơn

 

* Vừa qua, bà Nguyễn Phương Hằng nói mình "nằm mơ" thấy một số nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện, đánh cược họ sao kê tài khoản, liệu hành động này có “đi quá xa”?

- Theo quy định, việc công bố sao kê tài khoản là nghĩa vụ của người kêu gọi từ thiện.

Theo Điều 565 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân kêu gọi đóng góp có nghĩa vụ thực hiện công việc hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai và phải báo lại cho người đóng góp. Nhưng trong trường hợp các nghệ sĩ, số người quyên góp lớn, việc thông báo cho từng người không khả thi. Để thông báo chính xác, đầy đủ, người kêu gọi từ thiện phải công khai chứng từ thu, chi, có thể là sao kê tài khoản ngân hàng.

* Khi đã nhận tiền, hàng cho mục đích từ thiện nhưng không làm hết nhiệm vụ của mình thì đâu là “ranh giới” của hành vi vi phạm pháp luật?

- Người nhận tiền từ thiện nhưng không đi cứu trợ hoặc cứu trợ không hết, lại không thông báo cho người đóng góp biết số tiền đã quyên góp là vi phạm. Theo quy định, việc không công khai ở mức tối thiểu 4 triệu đồng là có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015.

Tuy nhiên, hiện tại, luật không quy định về thời hạn cho cá nhân phải phân phối tiền, hàng cứu trợ mà chỉ quy định thời hạn với tổ chức. Theo tôi, có thể áp dụng thời hạn phân phối tiền, hàng cứu trợ của tổ chức cho cá nhân.

Theo Điều 7 Nghị định 64/2008/NĐ-CP việc phân phối tiền, hàng cứu trợ phải thực hiện ngay sau khi vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày kể từ ngày vận động xong.

Do đó, nếu trong thời hạn này mà các nghệ sĩ không triển khai cứu trợ hoặc cứu trợ không hết, không thông báo cho người đóng góp biết là có dấu hiệu tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Việc cá nhân phân phối sau khi bị người khác phát hiện chỉ là hành vi khắc phục hậu quả, tình tiết giảm nhẹ.

* Trường hợp không có đơn thư tố cáo thì cơ quan điều tra có được phép vào cuộc? 

- Theo quy định, cơ quan điều tra thực hiện các hoạt động tố tụng khi có tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố. Theo khoản 2 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, “Tin báo tội phạm là thông tin vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng”.

Trường hợp các phương tiện truyền thông đại chúng nêu vấn đề về cá nhân công bố tiền từ thiện nhận được có dấu hiệu ít hơn con số thật, cơ quan điều tra có thể căn cứ vào thông tin này thực hiện các quy trình kiểm tra, xác minh, làm rõ dấu hiệu tội phạm, làm căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can (nếu có).

Theo Điều 155 BLTTHS 2015, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải là các tội khởi tố theo yêu cầu của bị hại. 

* Ngược lại, người tố cáo chỉ "nằm mơ" thấy vụ việc, không đưa ra được bằng chứng có thể xử lý tội vu khống không, thưa ông? 

- Theo Luật các tổ chức tín dụng 2010, các tổ chức tín dụng có nghĩa vụ bảo mật thông tin liên quan đến tài khoản, giao dịch… của khách hàng. Ngân hàng không được cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Cho nên, ngay cả khi bà Hằng có được sao kê trong tay cũng không thể “trưng” ra cho công chúng. Thậm chí khi bà bị kiện, tố cáo cũng không thể cung cấp bằng chứng đó cho cơ quan tố tụng, nhưng bà Hằng có thể yêu cầu người tiến hành tố tụng thu thập sao kê tại ngân hàng. 

Theo Điều 156 BLHS 2015 về tội vu khống, để có thể xử lý bà Hằng tội vu khống trong hành động nói “nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện” phải thỏa mãn hai điều kiện. Một, bà Hằng bịa đặt hoặc ai đó chứng minh bà biết rõ những thông tin mình nói là sai sự thật nhưng vẫn loan truyền.

Hai là mục đích bịa đặt, loan truyền đó là để nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. 

* Xin cảm ơn ông!.

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI