Tùy theo màu sắc lông, con mèo được đặt nhiều tên: mèo mướp (lông xám tro, đôi khi có vằn đen như câu mèo vằn chó vện), mèo mun (lông đen tuyền), mèo vá (lông trắng đen xen kẽ như miếng vá, có câu: “Con mèo không rách sao kêu mèo vá?”), mèo nhị thể (lông hai màu), mèo tam thể (lông ba màu), mèo trắng, mèo vàng, mèo xám, mèo xiêm (lông trắng, chót chân và chót đuôi hơi sạm đen, có người bảo loài mèo nước Xiêm ở Thái Lan nhập sang)… Mèo không nuôi trong nhà là mèo hoang, thuộc loại "mèo mả gà đồng"...
Mèo đàng, mèo mả là những con mèo bỏ nhà chủ đi hoang sống ở bãi tha ma. Người ta dùng những lối nói này để ám chỉ hạng người không có nơi cư trú nhất định, sống lang thang nay đây mai đó.
Nhưng loại mèo này đã được người đời mượn hình ảnh gán cho những kẻ không được giáo dục, những kẻ lưu manh, bịp bợm, lẳng lơ như trong Truyện Kiều tác giả Nguyễn Du đã miêu tả:
Con này chẳng phải thiện nhân
Chẳng phường trốn chúa cũng quân lộn chồng
Ra tuồng mèo mả gà đồng
Đó là chưa kể mèo hoang lại gặp chó hoang thì... kết bè tựu đảng với nhau, xảy ra lắm chuyện nữa! Loại mèo nói trên khác với loại mèo lành. “Mèo lành ai nỡ cắt tai”. Mèo lành đây là mèo nhà, được chủ chăm sóc, không phải đi hoang.
Có người cho rằng mèo lành chẳng ở mả, và ví von với người đàn bà, con gái như trong câu: “Gái lành chẳng ở hàng cơm” là có ý phê phán con gái, người đàn bà ngày hai bữa cứ mải ăn cơm hàng cháo chợ, không lo mua bán, cơm nước cho gia đình. Người xưa cho đó là tính xấu, tính hư, đàn bà, con gái nên tránh.
Mèo mà bị cắt tai thì tiu nghỉu như mèo cụt tai, coi như thất vọng, buồn rầu, không muốn gì cả. Còn có loại mèo cụt đuôi. Loại mèo này được loại mèo dài đuôi khen. Dân gian có câu: “Mèo dài đuôi khen mèo cụt đuôi”, thật sự cũng cùng là loài mèo khen nhau cả!
Dân gian đặt ra câu này là có ý gán cho những người thường luôn tự đề cao mình, rằng cái gì mình có, mình làm ra là khéo, là hay, là nhất… nhưng chẳng ai khen cả, nên tự khen lấy mình vậy! Loại mèo cụt đuôi đôi khi cũng có... giá, vì đã được đem ra làm lễ vật thách cưới trong hôn nhân xưa:
Còn duyên anh cưới ba heo
Hết duyên anh cưới... con mèo cụt đuôi
Nhưng con mèo cụt đuôi đây không phải là… con mèo đâu nhé! Mèo cụt đuôi cũng rất thú vị khi nó nằm trong câu nói lái: “Mèo đuôi cụt nằm mục đuôi kèo”, hay: “Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo”. Từ đó, dân gian có bài ca dao đầy cảnh giác:
Con mèo đuôi cụt nằm ở nhà bên
Biết mẹ đi mua cá, nó leo lên… mút đuôi kèo
Mẹ xách con cá đối, nó nhìn theo
Thấy để trên cối đá nó khều liền tay
Lần sau nhớ lấy lần này
Thấy mẹ mua cá đem ngay cất liền.
Theo quá trình tiến hóa, mèo con lớn lên sống lâu thành mèo già. Ai cũng cho mèo già sống lâu, như con người. Người già có thể đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu truyền cho con cháu đời sau. Tuy nhiên, mèo càng già càng trở nên tinh ma, ranh mãnh, gian giảo như loài chồn cáo mà dân gian đã từng nhận xét: Mèo già hóa cáo.
Ví dụ như khi “Mèo già ăn vụng thì mèo con phải đòn”, hay “Mèo con phải vạ”. Và khi thấy “Mèo già khóc chuột” thì thật là giả dối rồi! Nhưng khi mèo già sức tàn lực kiệt, không còn gan góc như xưa, thì thế nào cũng thua gan chuột nhắt, và mèo già không bắt gà hàng xóm, vì không còn sức đâu mà bắt!
Trong lời ăn tiếng nói dân gian, từ mèo còn được dùng để biểu tỏ những ý niệm, những con vật, cây cỏ, những hành động khác nhau. Như để gọi một loài chim, chim cú mèo; trèo leo chúm chân như mèo, gọi là trèo mèo; trói cả tay chân khoanh như mèo, gọi là trói mèo; nhảy lộn như mèo, gọi là lộn mèo. Lộn mèo cũng còn để chỉ những việc rối rắm cả lên, lộn tùng phèo. Còn mèo nằm xó bếp là nằm queo ở nhà, chẳng đi đâu, chẳng xông pha, như mèo suốt ngày đêm nằm bếp chẳng siêng đi bắt chuột gì cả.
Từ mèo còn sử dụng để gọi tên một số cây cỏ, trong đó có tên cây thuốc dân gian như cây râu mèo, điệp mắt mèo, cây nhớt mèo (cây bời lời), cây lưỡi mèo, nấm tai mèo, cây ruột mèo, cây đậu mèo, cây nghệ mèo, cây lúa miêu, cây gai mèo, cây táo mèo,… Ngoài ra còn có trái mắt mèo đụng vào rất ngứa.
Đặc biệt, từ mèo còn chỉ việc trai gái nhân tình nên có việc o mèo, có mèo, liếc mèo, mèo chuột, mèo mỡ... Sách Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ có giải thích từ o mèo: Gò mèo, tán tỉnh đàn bà con gái để bắt làm tình nhân: Diện cho bảnh đặng đi o mèo. Trong sách Phương ngữ Nam Bộ, Ghi chép và Chú giải, tác giả Nam Chi Bùi Thanh Kiên cũng đã có chú giải từ o mèo: cố tỏ ra vẻ nâng niu, chiều chuộng để tán tỉnh một cô gái. Ca dao Nam Bộ:
Ai mà bày đặt dị kì
Áo bà ba may hai túi đựng giống gì hở anh?
Ba má bày đặt cho anh
Áo bà ba may hai túi đựng dầu chanh (để anh đi) o mèo.
Ca dao còn có câu:
Anh muốn thương em, anh mần giấy giao kèo
Ngày nay mới chắc em là CON MÈO của anh.
Có cô gái hỏi chàng trai:
Con thú bốn chân anh gọi CON MÈO thì phải
Còn anh với em tình ngãi, sao anh cũng gọi CON MÈO?
Thế là chàng trai chẳng biết trả lời sao, chỉ biết khục khặc kiểu như “Mèo hóc xương cá”. Trong việc hôn nhân có trắc trở, vì như lời cô gái than thở:
Thương anh đâu quản hiểm nghèo
Ngặt vì một nỗi, anh có CON MÈO theo sau
Như vậy, CON MÈO đây chính là NGƯỜI TÌNH của chàng rồi!
Có những anh chồng mải mê theo con mèo nhân tình, lại còn nhắn với vợ ở nhà:
Hiền thê ơi! Em ở lại nhà
Anh về chốn cũ kẻo con mèo nhớ thương!
Việc này, dân gian luôn có phê phán, chê trách:
Anh đi đâu giục ngựa, buông cương?
Mải mê con mèo mới mà quên vợ thương ở nhà !.
Theo học giả An Chi, sở dĩ không gọi việc nam giới đi ve gái là o chó, o heo, o gà hay o thỏ, v.v..., thì chỉ đơn giản vì mèo trong o mèo ở đây không phải vốn là một danh từ chỉ thú vật như chó, heo, gà, thỏ, v.v... , mà bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 媌, âm Hán-Việt hiện đại là mao/mão, có nghĩa gốc là kỹ nữ.
Sự chuyển dịch từ “kỹ nữ” sang “mèo” là chuyện thực sự dễ hiểu và bình thường về ngữ nghĩa học. Về vần (-ao ~ -eo) thì ta có nhiều thí dụ để chứng minh, mà thí dụ quen thuộc nhất là chi thứ tư của thập nhị chi, chi Mão, cũng có âm xưa là Mẹo.
“Kỹ nữ”, theo Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh chú giải 2 nghĩa: một là con gái làm nghề bán phấn buôn son, hai là ả đào, con hát. Như vậy, người xưa có người bỏ vợ theo con hát, theo các đào nương, hay những cô bán phấn buôn son nào đó, tức là theo con mèo như dân gian vẫn gọi.
Vậy người đi o mèo cũng là người đi o gái theo như Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín đã chú giải: “O gái: Theo đuổi tán tỉnh, chăm sóc chiều chuộng bạn gái để lấy lòng, kết tình”. Trong Từ điển, ngoài từ o mèo theo nghĩa trên, còn có từ o nghệ: o gái, o mèo, quan tâm, chăm sóc, chiều chuộng tình nhân”.
Lê Minh Quốc