“Nằm lì trên giường” ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần

16/12/2024 - 06:20

PNO - Thoạt nhìn, những người nằm lì trên giường có thể cảm thấy tốt từ việc nạp lại năng lượng, làm mới mình. Tuy nhiên, sự cân bằng rất quan trọng đối với sức khỏe

Việc nằm lì trên giường cả ngày có thể làm rối loạn tâm trạng  và làm tăng căng thẳng - Nguồn ảnh: Getty Images
Việc nằm lì trên giường cả ngày có thể làm rối loạn tâm trạng và làm tăng căng thẳng - Nguồn ảnh: Getty Images

Sau khi làm thêm ca cuối tuần, tiến sĩ Jessica Gold - Trường Y khoa, Đại học Washington, Mỹ - trở về nhà với cảm giác kiệt sức đến mức không thể làm gì. Cô chọn không xem ti vi theo thói quen và lăn ra ngủ gần như cả ngày.

Jessica Gold cũng thử tham gia trào lưu làm nội dung “tự chăm sóc bản thân” trên TikTok. Trong đó người dùng đăng video quay cảnh họ nằm lì trên giường dưới nhiều lớp chăn, với cầm điện thoại hoặc đồ ăn nhẹ trên tay.

Theo cô, “tự chăm sóc bản thân” là cụm từ mô tả việc nằm lì trên giường cả ngày theo ý muốn. “Tôi nghĩ điều đó là bình thường nếu bạn cần và tôi đã cho phép mình làm điều đó, miễn là bạn hiểu lý do tại sao bạn làm điều đó và cũng áp dụng các kỹ năng đối phó khác” - cô nói.

Jessica Gold cho biết, tình trạng nằm lì như đang “mục nát” trên giường khá giống sự lười biếng, nhưng nó giống một thuật ngữ chỉ sự bất động hơn. Cô cho biết, trong một ngày rảnh rỗi, bạn có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn.

Bạn có thể tham gia các hoạt động xã hội khi thấy vui vẻ hay thư giãn hoặc dành thời gian cho bạn bè và gia đình; còn không thì có thể nằm lì trên giường, miễn cảm thấy vui. Dù vậy, cô lưu ý rằng việc lệ thuộc quá nhiều vào loại hành vi này có thể dẫn đến các triệu chứng của bệnh trầm cảm và lo âu, cùng nhiều bệnh về sức khỏe tâm thần khác.

Nhà tâm lý học Simon A. Rego - Trường cao đẳng y khoa Albert Einstein, Mỹ - cho biết: thoạt nhìn, những người nằm lì trên giường có thể cảm thấy tốt từ việc nạp lại năng lượng, làm mới mình. Tuy nhiên, sự cân bằng rất quan trọng đối với sức khỏe. Theo ông, việc dành quá nhiều thời gian nằm trên giường có thể làm rối loạn tâm trạng và tăng căng thẳng. “Hãy chú ý và tránh làm quá, bất kể lúc đó bạn có cảm thấy thích thú thế nào đi nữa” - ông nói.

Kelly Glazer Baron - phó giáo sư về y học gia đình và phòng ngừa tại Đại học Utah ở Salt Lake City, Mỹ - cho rằng, theo quan điểm khoa học về giấc ngủ, tình trạng “mục nát trên giường” hoàn toàn trái ngược với những gì các chuyên gia sức khỏe muốn mọi người làm. “Theo nguyên tắc chung, nếu bạn không ngủ được trong vòng 30 phút sau khi lên giường hoặc thức giấc hơn 20 phút trong đêm, bạn nên ra khỏi giường và thư giãn ở một nơi thoải mái” - Baron nói.

Bà cho biết: “Cảm thấy mệt mỏi sau một ngày dài là điều bình thường, nhưng nếu cảm thấy nó ảnh hưởng đến công việc, đời sống xã hội hoặc các hoạt động quan trọng khác thì bạn nên thảo luận về các triệu chứng của mình với bác sĩ”.

Jessica Gold nói thêm, việc trải nghiệm cảm giác nằm lì trên giường của cô cho thấy tình trạng này có thể khiến bạn tự cô lập mình, phớt lờ cảm xúc, ngăn cản bạn tham gia các hoạt động tự chăm sóc có thể giúp ích cho bản thân. Theo nhiều nghiên cứu, các hoạt động sẽ giúp nạp lại năng lượng, giúp chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những căng thẳng không thể tránh khỏi phải đối mặt hằng ngày.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên mọi người nên học các kỹ năng ứng phó. Theo họ, một số lựa chọn bao gồm: đi chơi với bạn bè, tập thể dục hoặc thực hành chánh niệm. Còn nếu không muốn ra khỏi nhà, hãy thử đọc sách, uống cà phê, nấu một món ăn ngon hoặc viết nhật ký thay vì cứ nằm lì trên giường xem ti vi, ăn thức ăn nhanh.

Lệ Chi (theo CNA, NY Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI