Con trai tôi năm nay học lớp 10, được đánh giá là học giỏi, vợ chồng tôi vô cùng tự hào về điều đó. Chúng tôi còn cảm thấy rất an tâm vì con tự giác, chưa bao giờ để bố mẹ phải nhắc chuyện học hành. Thế nhưng một ngày tôi nhận ra rằng, học giỏi thật khổ và tôi xót xa nhìn thằng bé bị xoắn vào vòng xoáy đó.
Nếu nói một cách tích cực thì thằng bé đã tự định hướng được đích đến để cố gắng và luôn chọn cho mình cái đích khó nhất chứ chẳng chịu đi con đường bằng phẳng. Ai nghe cũng tán thưởng, cảm thấy điều đó rất đúng, không có tham vọng, có áp lực thì làm sao đạt được những thành công lớn.
Chuyển từ trường quốc tế về trường công lập, kết thúc năm học, thằng bé đứng hạng nhất của lớp. Tất cả mọi người đều vỗ tay khen con giỏi quá, nhưng ngoài lời khen ngợi động viên, chồng tôi không quên dặn dò: “Cố nha con, ráng giữ kết quả này”.
Lúc đó thằng bé đã phản ứng lại ba bằng một câu trả lời khiến tôi băn khoăn mãi: “Con đã cố hết sức rồi đấy, lúc nào con chẳng cố”.
|
Đại đa số chúng ta đều đang tạo áp lực học hành cho con bằng nhiều hình thức chưa nhận ra? (Ảnh minh họa) |
Con xìu xuống trước lời khen của ba. Tôi biết lời khen của ông xã mình chỉ thuận miệng, mà lại như tảng đá vô hình đặt lên vai thằng bé. Đã đứng hạng nhất lớp rồi vẫn còn yêu cầu “cố nha con” và thêm cụm từ hàm ý ra lệnh “ráng giữ kết quả này”.
Câu trả lời của con cho thấy con đã cố hết sức rồi và không thể làm tốt hơn được nữa, đừng đòi hỏi thêm ở con nữa. Tình huống này cho thấy rằng, đâu phải ta cứ mở miệng bắt con học mới là tạo áp lực học hành cho con cái. Đại đa số cha mẹ chúng ta đều đang tạo áp lực cho con bằng nhiều cách mà chưa nhận ra đó thôi.
Ban đầu thằng bé đặt mục tiêu năm học lớp 10 sẽ thi đậu vào một trường chuyên tại thành phố. Thế rồi nhiều biến cố xảy ra vì dịch bệnh COVID-19, hình thức thi xét tuyển cũng do đó thay đổi. Khi ấy tôi thấy con lo lắng, nó sợ sẽ không được như ý. Thằng bé lòng vòng gần xa, tìm cách bày tỏ với cha mẹ là có thể con sẽ trượt nguyện vọng trường chuyên.
Con rào trước đón sau: “Trường này khó lắm, các bạn muốn vào phải ôn từ lâu rồi, con mới vừa chuyển về trường công một năm nên chắc thi cho biết thôi”.
Rồi khi trường bỏ hình thức thi tuyển bằng xét tuyển, con lại nói: "Xét tuyển thế này ảo lắm mẹ ạ, chưa phản ánh đúng năng lực thật của thí sinh đâu. Nếu không đỗ, chắc con vẫn vào được trường top 1 của nguyện vọng thường". Sau những câu nói đó là ánh mắt đợi chờ phản ứng của cha mẹ.
Ông xã tôi nghe thằng bé nói thế liền cuống quýt. Anh mất bình tĩnh, bối rối, đặt ra hàng loạt các câu hỏi với con: “Sao vậy, con học có chỗ nào chưa hiểu à? Con cần ba mẹ cho đi học thêm môn nào?”.
Chưa dừng lại ở đó, anh nói với tôi: “Em tìm hiểu xem năm nay thay đổi hình thức xét tuyển vào trường chuyên thế nào để kịp thời kiếm thầy cô giỏi ôn luyện cho con. Nếu chẳng may xét tuyển lần đầu trượt thì hết học kỳ một trường chuyên còn có khóa thi nào để xét tuyển bổ sung hay không”.
Thằng bé thấy ba như vậy, con hét lên: “Không ôn luyện gì hết, có ôn cũng không kịp, thi cũng không được. Giờ đã xong hết rồi ba không hiểu à?”. Nói rồi con vào phòng đóng sập cửa lại.
Chồng tôi đặt quá nhiều kỳ vọng vào con trai, anh mong muốn con học thật giỏi để sau này có công việc và sự nghiệp tốt. Thế nhưng có lẽ đàn ông thiếu đi sự nhạy cảm, tinh tế, nên anh chỉ nghe mà chưa nhìn, quan sát để cảm nhận sâu hơn nữa cảm xúc của con qua giọng nói, ánh mắt và sắc mặt.
Khi con nói như vậy là con đang hoang mang. Dù chưa có kết quả xét tuyển nhưng hơn ai hết, tự con biết mình sẽ không đậu vào nguyện vọng trường chuyên, bởi tự lượng được sức. Con sợ hơn nữa là phụ sự kỳ vọng của cha mẹ, chính vì thế thằng bé mới rào trước đón sau như vậy. Con tôi đang cầu cứu, vậy mà thay vì đưa tay nắm lấy, kéo con lên, thì người lớn lại đạp con ra giữa dòng nước xoáy và yêu cầu: “Bơi nữa đi, bơi nhanh vào”.
Hôm đó vợ chồng tôi đã cãi nhau to. Tôi không thể im lặng khi thấy thằng bé đau khổ như thế. Tôi hét lên với chồng rằng: “Em không muốn con học trường chuyên. Em thấy con học thế đủ rồi, không cần cố gắng gì nữa”.
Tôi khẳng định lại lần nữa quan điểm của mình: “Từ giờ con thích học thế nào kệ nó, nếu nó vui thì học; còn khi đi học mà nó không cảm thấy vui nữa thì thôi”.
Ông xã tôi phản kháng lại, cho rằng vợ đang phá bĩnh, nói càn nói bừa: “Vui thì học, không thì thôi, làm gì có cái lý ấy!”.
Tại sao lại không? Nếu không vui thì sao phải cố làm. Ngay cả bản thân người lớn chúng ta có phải cũng đang quá sai lầm vì cứ tự ép mình làm những điều dù không hề thấy vui vẻ, để rồi duy trì nó thành một ý thức hệ áp đặt lên con cái?
Tuy không thay đổi được quan điểm của chồng, nhưng tôi chọn đứng về phía con trong chuyện học hành.
Từ đó trở đi hễ thằng bé va vấp, bị điểm kém hay chưa đạt được kết quả mong muốn trong việc học tập, lúc con chia sẻ thì tôi đều bình thản trả lời: “Chẳng sao đâu con ạ, xưa mẹ cũng học dốt đầy môn mà giờ vẫn ổn đây thôi. Chỉ đáng trách nếu con chưa cố gắng hết sức, còn con nỗ lực lắm rồi thì có gì mà phải lăn tăn nữa”.
Cũng có lúc tôi đáp lại con bằng những câu trêu đùa tếu táo: “Điểm 7 à, 7 đâu phải là điểm kém. Ngày xưa môn ấy mẹ còn 3 điểm cơ”.
Tôi cảm thấy nét mặt thằng bé giãn ra, con cười rõ tươi. Từ lâu lắm tôi mới thấy con trai mình cười. Là một người mẹ, bằng cả trái tim tôi mong con mình luôn hạnh phúc, khỏe mạnh. Con thành đạt cũng được, không thành đạt cũng được, chỉ cần con vui vẻ mà thôi!
Thanh Anh