Phải đến 5 năm anh vắng bóng trên sân khấu (SK) theo kiểu ấy, rồi một ngày, anh dừng lại việc giảng dạy để theo đuổi mục tiêu lớn hơn: du học về nhạc kịch, thanh nhạc. Không một lời chào, không một câu hứa hẹn, anh lên đường cùng gia đình nhỏ của mình.
Một ngày đầu thu 2016, vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương được công bố và gây chú ý với nhiều điều: lần đầu tiên có vở nhạc kịch được xây dựng từ chuyện cổ tích Việt Nam, đầu tư đến 10 tỷ đồng, phụ trách âm nhạc là Nguyễn Công Phương Nam - thành viên ban nhạc danh giá Bigband của quân đội Đức… Nam Khánh xuất hiện cùng sự kiện này, gây ngạc nhiên cho nhiều người.
* Đã đến lúc anh trở về hay vì Chuyện tình nàng Giáng Hương quyến rũ anh?
- Có thể nói là cả hai. Những gì tôi học hỏi được trong hai năm qua có cơ hội thực hiện là điều quá tuyệt vời, nên tất nhiên tôi phải tham gia. Hơn nữa, tôi thấy để đưa nhạc kịch đến gần và đi vào lòng khán giả Việt Nam thì nên bắt nguồn từ những câu chuyện dân gian, chuyện tình Từ Thức - Giáng Hương nằm trong hướng đi đó.
* Nhạc kịch ở Việt Nam rất kén khán giả. Sao anh chọn con đường đi khó, đồng nghĩa với việc khó kiếm tiền?
- Từ lúc bắt đầu nghiệp ca hát, tôi đã chọn đường khó để đi rồi. Acapella là thể loại khó và chưa phổ biến ở Việt Nam lúc bấy giờ, nhưng AC&M vẫn quyết tâm đi đến cùng và đã thành công. Bây giờ cũng vậy, khó không có nghĩa là không làm được.
Nhạc kịch là một trong những thể loại mà tôi muốn vươn tới. Tôi tin rằng trình độ thưởng thức của khán giả Việt đang được nâng tầm, nhạc kịch dần trở nên phổ biến, trở thành một trào lưu thưởng thức âm nhạc mới. Đây là hướng đầu tư lâu dài, lợi nhuận không đến tức thì.
* Hiện có hai luồng ý kiến về vở nhạc kịch này, một kỳ vọng, một hoài nghi…
- Cái gì mới mẻ cũng hứa hẹn nhiều điều thú vị, có thể kỳ vọng cũng có thể hoài nghi. Nhưng như thế mới khiến vở nhạc kịch gây tò mò, lôi cuốn hơn. Sẽ còn thiếu sót vì SK Việt Nam lần đầu có vở nhạc kịch đầu tư tiền tỷ như vậy. Để làm được vở này, tôi và đồng nghiệp đã bỏ ra rất nhiều công sức, hy vọng sẽ tạo hiệu ứng tốt.
* Anh xuất hiện trên giảng đường nhiều hơn là biểu diễn. Anh lựa chọn hay anh bị động?
- Tôi tự thấy mình đã già rồi, không còn thích hợp để chạy sô tụ điểm, SK như các bạn ca sĩ trẻ hiện nay. Mỗi nghệ sĩ có một chỗ đứng trong lòng khán giả. Tôi vốn là thầy giáo của nhiều bạn ca sĩ nên lựa chọn con đường hỗ trợ các bạn và chỉ hát trong những chương trình phù hợp.
Ở những SK của mình, dù chỉ còn một khán giả muốn nghe mình hát thì tôi vẫn hát hết mình. Mỗi khi làm giám khảo chấm các bạn thí sinh thi hát trên SK, tôi lại nhớ về quãng thời gian đầy gian nan mà mình đã trải qua, lắm vui buồn, khó khăn và thành công... Tất cả đã tạo nên Nam Khánh bây giờ, vừa có thể đứng trên SK biểu diễn, vừa có thể đào tạo ra những thế hệ ca sĩ mới bằng trình độ và kinh nghiệm của mình.
* Hai năm sống xứ người, anh có khi nào thấy tiếc nuối?
- Cuộc sống ở Mỹ không sung sướng như ở Việt Nam, có đôi lúc tôi tiếc nuối và muốn quay về thật nhanh. Nhưng tôi vẫn hạnh phúc và mãn nguyện vì đã làm được điều mình mong muốn, sống thật với bản thân và chọn con đường thích hợp cho cả gia đình sau này.
Hai năm sống ở Mỹ là trải nghiệm thú vị của gia đình tôi. Vợ nấu ăn giỏi hơn, có thể làm nhiều việc khác ngoài giảng dạy, chồng biết làm việc nhà, quan tâm đến vợ con nhiều hơn, con tự lập hơn, biết tiết kiệm hơn và tiếng Anh thành ngôn ngữ chính. Cả nhà chào đón thêm một thành viên nữa, điều tuyệt vời và hạnh phúc ngoài dự tính của vợ chồng tôi.
* Anh từng nói khán giả đặc biệt mà anh quan tâm là con trai mình, bây giờ số khán giả đặc biệt đã là hai…
- Trước đây chưa lập gia đình, chưa có con cái, tôi thích hát nội lực, hơi khô cứng, khoe chất giọng tenor cao đầy kỹ thuật thì giờ đây tôi thích hát bằng cảm xúc của người đàn ông trưởng thành bên vợ và các con.
Với kỹ thuật học hỏi được, cùng tuổi đời không còn trẻ và những cảm xúc, kinh nghiệm có được sau gần 20 năm theo đuổi sự nghiệp ca hát, tư duy và thẩm mỹ âm nhạc của tôi đã thay đổi rất nhiều.
Bây giờ điều tôi quan tâm nhất là làm sao khi mình cất tiếng hát, ba vị khán giả trung thành của mình phải bị lôi cuốn, im lặng lắng nghe, đặc biệt vị khán giả nhí phải uống hết sữa và ăn hết bột (cười).
Chuyện tình nàng Giáng Hương dựng theo phong cách nhạc kịch Broadway trên nền truyện dân gian Việt Nam. Khoảng 20 ca khúc được đưa vào nhạc kịch, gồm tác phẩm của Văn Cao, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn... và một số bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam.
Đạo diễn của vở là Sylvain Merille (đạo diễn sân khấu của Disney). Vở được công diễn vào các đêm 14- 15-16 và 21-22-23/10/2016 tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM.
|
Võ Hà (thực hiện)