“2 vai” đổi mới
Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp bậc THPT lần đầu tiên được gọi tên trong Chương trình GDPT 2018, trở thành một hoạt động giáo dục bắt buộc, chính khoá trong trường THPT với thời lượng 105 tiết/năm. Vai trò của Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong chương trình mới được xếp ngang hàng với các bộ môn khác như toán, văn, ngoại ngữ… được kỳ vọng là “cánh tay phải” hỗ trợ trường THPT thực hiện tốt mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
|
Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp bậc THPT vẫn cần được "gỡ khó" |
Từ năm học 2022 - 2023, môn học này chính thức được triển khai ở khối lớp 10. Thực tế suốt 1 năm đổi mới, có thể thấy các trường THPT tại TPHCM đã rất nỗ lực song vẫn chưa thể “tròn vai” trong thực hiện hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, do là môn học mới, không có giáo viên chuyên trách. Hiện, đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm đang phải thực hiện “2 vai” đổi mới, gây khó khăn cho chính giáo viên.
Tại Trường THPT Ten lơ man (quận 1), hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp lớp 10 năm học trước được trường phân công cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên ít tiết đảm nhiệm. Năm nay, phương án này tiếp tục đươc duy trì với cả 2 khối 10, 11. Trong đó nhiều giáo viên như toán, lý, hoá cũng lần đầu tiên đứng lớp dạy trải nghiệm hướng nghiệp.
Suốt một năm triển khai với khối 10, cô Trần Thị Thơm - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, để giáo viên “tay ngang” có thể choàng gánh được nội dung hướng nghiệp cho học sinh, trong các buổi tập huấn của Sở tổ chức, nhà trường đều cử đội ngũ giáo viên này đi để nâng cao năng lực chuyên môn. Thế nhưng, do phải choàng gánh, kiêm nhiệm nhiều nội dung khi đổi mới nên việc giảng dạy hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường vẫn còn nhiều “cái khó”.
“Thực tế, dù hướng nghiệp đã trở thành một hoạt động bắt buộc, chính khoá và ngang hàng với nhiều môn học khác trong trường THPT, song việc tổ chức giảng dạy hoạt động này vẫn chưa thể bài bản vì trường phổ thông không có giáo viên chuyên trách hướng nghiệp. Hiện nay, các trường vẫn phải lệ thuộc nhiều vào bên thức 3 là các trường đại học, các đơn vị tổ chức hướng nghiệp, vừa dạy vừa rút kinh nghiệm…”, cô Trần Thị Thơm nêu thực trạng.
Năm học 2022 - 2023, cô Lương Thị Nga - giáo viên môn sinh, Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) được giao thêm vai trò mới là giảng dạy Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở 6 lớp 10. Thời điểm đó, khi đứng lớp, cô Nga thừa nhận “rối bời”, hầu như chỉ giảng dạy học sinh bằng kinh nghiệm.
Năm nay, cô Nga tiếp tục được giao giảng dạy môn học này ở khối 11 song chỉ còn phụ trách 1 lớp và được đứng lớp trọn vẹn 3 tiết/tuần. Với cô, thuận lợi khi giảng dạy môn học ở khối 11 là đã có sự kế thừa từ khối 10, các chủ đề có sự tiếp nối ở khối 10 nhưng được khai thác sâu hơn. Vì có kinh nghiệm nên giáo viên cũng bớt lo lắng.
“Khó khăn vẫn là giáo viên phải đảm nhiệm “2 vai” trong đổi mới, vừa phụ trách môn học chuyên trách, vừa đảm nhiệm Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, đòi hỏi nhiều hơn thời gian để nghiên cứu, đầu tư cho môn học… Bởi, để có thể giúp học sinh hứng thú, qua từng hoạt động trải nghiệm hiểu được bản thân, qua đó dần tự hướng nghiệp cho chính các em thì trong từng hoạt động trải nghiệm giáo viên phải tự suy nghĩ tìm tòi, không bó buộc trong sách giáo khoa mà phải liên hệ, mở rộng…”- cô Nga bày tỏ.
Theo cô Nga, giáo viên cần hơn nữa sự hỗ trợ trong môn học này để cởi bỏ thêm các khó khăn hiện có, nhẹ nhàng hơn khi đổi mới.
Cần thiết phải có đội ngũ chuyên trách
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó giám đốc ĐHQG TPHCM - khẳng định, Chương trình GDPT 2018 đặt ra yêu cầu cao cho công tác hướng nghiệp bậc THPT khi trở thành một môn học bắt buộc, hoạt động giáo dục chính khoá trong chương trình. Đặc biệt, chương trình xác định rõ bậc THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, thông qua việc học sinh được lựa chọn các môn học tự chọn. Do đó, công tác hướng nghiệp trong trường THPT là cực kỳ quan trọng, hỗ trợ thực hiện hiệu quả mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.
Thế nhưng, theo ông, đến nay công tác này vẫn chưa được thể hiện “tròn vai” trong các trường THPT. Chúng ta chưa có giáo viên hướng nghiệp để đứng lớp giảng dạy hoạt động này một cách bài bản, các trường THPT vẫn sử dụng giáo viên kiêm nhiệm…
|
Học sinh THPT tìm hiểu về trường đại học qua chương trình tư vấn từ các trường đại học |
Ông Nguyễn Đức Nghĩa đặt vấn đề, khi giáo dục hướng nghiệp trở thành môn học bắt buộc thì việc giảng dạy, tổ chức cần phải bài bản hơn, nội dung hướng nghiệp cần phải được cập nhật, bổ sung liên tục bởi các ngành nghề, yêu cầu nghề nghiệp, đề án tuyển sinh luôn thay đổi gần như hàng năm.
“Năm 2017, Bộ GD-ĐT ban hành danh mục các ngành nghề đào tạo ở bậc đại học, đến năm 2022 danh mục này được bổ sung thêm nhiều ngành nghề mới. Vì thế, nếu thầy cô đảm nhiệm hướng nghiệp ở trường THPT mà không nắm thì sẽ là thiếu sót khi hướng nghiệp cho học sinh, ảnh hưởng đến quá trình định hướng, lựa chọn nghề nghiệp của các em. Điều này đặt ra vai trò lớn với trường THPT và giáo viên làm công tác hướng nghiệp. Như vậy, về lâu dài cần thiết phải có đội ngũ thầy cô chuyên trách đáp ứng yêu cầu chuyên sâu của công tác hướng nghiệp. Hơn nữa, cần thiết phải có chế độ cho đội ngũ làm công tác hướng nghiệp ngang với các giáo viên khác, phải được chú trọng tập huấn hơn nữa…”, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nhận định.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM - nhấn mạnh, yêu cầu trọng điểm của công tác hướng nghiệp bậc THPT phải giúp học sinh nắm bắt được sự phát triển của các ngành nghề hiện hữu, nhu cầu nhân lực của các ngành nghề, biết được năng lực tố chất bản thân phù hợp với ngành nghề nào để lựa chọn. “Điều này không hề đơn giản, trở thành thách thức lớn đối với công tác hướng nghiệp ở các trường THPT, trước sự thay đổi của các ngành nghề ngày càng lớn hiện nay”, ông nói.
Quốc Trung