Nam giới và trẻ em trai tại TPHCM tham gia truyền thông về phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em

19/11/2024 - 14:51

PNO - Ngày 19/11, hơn 400 đại biểu đã tham dự chuỗi sự kiện truyền thông “Bữa sáng Ruy băng trắng” và “Diễn đàn Cha và con trai trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” tại huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Sự kiện là dịp để thảo luận và nâng cao nhận thức về vai trò của nam giới và cộng đồng trong việc phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Chương trình do Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM phối hợp với Hội LHPN TPHCM, UBND huyện Nhà Bè, UBND huyện Cần Giờ, Cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức nhằm hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” (15/11-15/12).

Bữa sáng ruy băng trắng tại huyện Nhà Bè
Bữa sáng ruy băng trắng tại huyện Nhà Bè

Tại sự kiện, thông qua các các trò chơi kết nối, các cặp cha và con trai đã cùng nhau tìm hiểu các hình thức khác nhau của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Nam giới tham gia sự kiện cùng các cặp cha và con trai cũng chia sẻ về các không gian có thể xảy ra bạo lực như tại gia đình, trong trường học, nơi công cộng, nơi làm việc, không gian trên mạng và các không gian khác. Đồng thời cùng lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với bạo lực giới từ đại diện của các bên liên quan.

Bà Lê Thị Lan Phương - Quản lý chương trình Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái của UN Women Việt Nam chia sẻ, một trong những yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái chính là sự tham gia tích cực của nam giới và trẻ em trai. Sự tham gia, vào cuộc của nam giới và trẻ em trai vào các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới là vô cùng quan trọng, vì lợi ích của chính bản thân họ cũng như của phụ nữ và trẻ em.

Sự kiện thu hút nhiều nam giới tham gia với sắc áo cam nổi bật
Sự kiện thu hút nhiều nam giới tham gia với sắc áo cam nổi bật

“Bằng cách thúc đẩy sự thấu hiểu và trách nhiệm, chúng ta xây dựng những cộng đồng, nơi tôn trọng và an toàn được đặt lên hàng đầu. Mỗi cá nhân đều có quyền được sống cuộc sống không có bạo lực. Sự tham gia của nam giới và trẻ em trai giúp phá vỡ những định kiến và khuôn mẫu giới hạn, tạo ra một môi trường mà mọi người đều có thể phát triển và thể hiện bản thân một cách tự do và bình đẳng. Họ trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời cũng học được cách tôn trọng và đánh giá cao sự đa dạng và bình đẳng”, bà Lan Phương nói.

Bà Lan Phương cũng chỉ ra, cần hỗ trợ và tạo điều kiện, môi trường khuyến khích sự tham gia tích cực của nam giới và trẻ em trai thông qua các buổi tư vấn và hỗ trợ tâm lý, tạo ra các nhóm hỗ trợ và kết nối, cũng như cung cấp các tài liệu và nguồn lực cần thiết để họ có thể tự tin tham gia vào các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.

Các đại biểu cùng tham gia truyền thông điệp về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực
Các đại biểu cùng tham gia truyền thông điệp về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực

Vai trò của các bên liên quan trong việc hỗ trợ nam giới và trẻ em trai tham gia vào các hoạt động này là vô cùng quan trọng. Các cơ quan, tổ chức có thể đóng vai trò tiên phong trong việc tổ chức các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn, cũng như tạo ra các diễn đàn để nam giới và trẻ em trai có thể chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Chính quyền thành phố nói riêng và chính phủ cần ban hành và thực thi các chính sách hỗ trợ, cung cấp nguồn lực và tài trợ cho các chương trình và hoạt động liên quan đến bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; đồng thời, tạo ra môi trường pháp lý và xã hội thuận lợi để thúc đẩy sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào các hoạt động này.

Các cặp cha con ở huyện Cần Giờ tham gia diễn đàn Cha và con trai  trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Các cặp cha con ở huyện Cần Giờ tham gia diễn đàn "Cha và con trai trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái"

Thông qua các hoạt động truyền thông, giúp nam giới và cộng đồng nâng cao hiểu biết và giảm thiểu các hành vi bạo lực giới, góp phần kiến tạo môi trường sống an toàn, thân thiện cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Chương trình đồng thời giúp kết nối các bên liên quan trong việc đồng hành cùng các ngành, các cấp của TPHCM triển khai có hiệu quả “Chương trình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2022 - 2026”

Mô hình 1 cửa TPHCM hỗ trợ 133 trường hợp bị bạo hành, xâm hại sau 1 năm vận hành

Trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người đã từng bị bạo lực thể xác và tình dục gây ra bởi người thân. Ước tính có khoảng 10 triệu trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục.

Tại Việt Nam, bạo lực với phụ nữ và trẻ em đã và đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội. 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 - 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực. Trong đó có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, 47% bị xâm hại thể chất, 20% bị xâm hại tình dục và 29% bị bỏ bê. Gần 63% phụ nữ ở Việt Nam trong đời đã từng chịu một hoặc nhiều hơn các hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tình cảm và kinh tế cũng như hành vi kiểm soát do chồng hoặc bạn tình gây ra trong cuộc đời.

Mô hình Một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực xâm hại trên địa bàn TPHCM đặt tại Bệnh viện Hùng Vương (đầu vào Mô hình) và Đầu ra đặt tại Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Thành phố. Sau hơn một năm vận hành thí điểm đã hỗ trợ cho 133 trường hợp bị bạo lực, xâm hại (trong đó, nạn nhân tập trung vào nhóm độ tuổi từ 11 đến 16 tuổi 95 trường hợp; 17 tuổi là 33 trường hợp). Các dịch vụ cung cấp cho người bị bạo lực, xâm hại bao gồm: 2 trường hợp tạm lánh, 8 trường hợp điều trị khám, 80 trường hợp sanh thường, 28 trường hợp mổ lấy thai, 7 trường hợp phá thai, 6 trường hợp dưỡng thai và 2 trường hợp triệt sản.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI