Cha và con trai rất quan trọng và là đối tượng giúp thay đổi định kiến trong xã hội, góp phần tăng vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Chính vì thế mà buổi truyền thông “Cha và con trai trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM phối hợp với Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức ngày 3/11 vừa qua có ý nghĩa đặc biệt.
Hơn 150 cặp cha và con trai có mặt tại sự kiện này.
Học võ để bảo vệ mẹ, chị và bạn gái
Một video ngắn được UN Women trình chiếu với những khung cảnh, nhân vật hoạt hình, nhưng miêu tả rõ nét những cử chỉ, hành động bạo lực tinh thần lẫn thể xác với các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. Vấn nạn này đã và đang hiện diện hằng ngày trong từng gia đình và ở mọi nơi, thậm chí cả trong trường học. Gần 500 khách mời, chiếm số đông là nam giới, đã xót xa và ám ảnh. Đây là dịp để họ nhìn nhận lại những ứng xử của mình với phụ nữ, với vợ, con gái, chị em gái và ý thức hơn nữa về trách nhiệm của mình trước vấn nạn.
Cầm trên tay quyển sổ tay Quyền trẻ em - “bí kíp” cho chúng mình do ban tổ chức sự kiện trao tặng, bé trai ngồi cạnh ông bố trẻ, lật từng trang, đọc từng dòng. Quyển sổ tay do Hội Bảo vệ quyền trẻ em biên soạn với nhiều hình ảnh, nội dung phù hợp với độ tuổi thanh thiếu niên nhi đồng như tìm hiểu về quyền trẻ em, quyền về thân thể, quyền riêng tư, các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ. “Con nhớ cất giữ quyển sách này cẩn thận, mang vào lớp để cho các bạn khác cùng đọc” - anh Lê Hoàng Minh, 47 tuổi, ngụ ở P.10, Q.10, nói với con trai.
|
Nói không với hành vi bạo hành phụ nữ và trẻ em gái của các ông bố và trẻ em trai |
Anh Minh là viên chức, vợ làm kinh doanh, có hai con, con gái học lớp Mười, con trai lớp Bảy. Biết vợ làm kinh doanh vất vả, giờ giấc thất thường, nên việc chăm sóc dạy dỗ con anh đều giúp vợ. “Phụ nữ mà, họ cực khổ sinh con cho mình, chung lưng đấu cật với mình lo cho gia đình, to tiếng với họ đã không đúng rồi, nói chi đến đánh đập, bạo lực” - anh Minh suy nghĩ.
Con trai anh Minh là cháu Lê Nguyễn Minh Huy khoe đã học đến đai đen nhất đẳng karatedo và đang theo học môn quyền Anh. “Con học võ để khỏe mạnh, chứ không đánh ai hết, nhưng nếu bạn nam nào ăn hiếp bạn nữ là con can thiệp ngay. Còn chị con ở nhà thì đương nhiên con không để ai ăn hiếp” - Huy nói.
Dù bận rộn với công việc quản lý xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất của gia đình, nhưng khi được ban tổ chức phát thư mời, anh Nguyễn Hùng Phương, ngụ P.1, Q.10, đã dắt con trai năm tuổi đến tham dự. Anh Phương chia sẻ, được tham gia cùng các ông bố và con trai khoác lên mình chiếc áo và khăn quàng cổ màu cam để chia sẻ thông điệp “nói không với bạo lực phụ nữ và trẻ em gái”, đối với cha con anh thật ý nghĩa.
Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là như thế nào hả mấy ông? |
|
Gặp gỡ, yêu nhau, kết hôn và gắn bó với nhau được bảy năm, gia đình anh Phương luôn tràn ngập hạnh phúc. Ngoài cậu con trai năm tuổi, anh Phương còn có cô “công chúa” ba tuổi và nền tảng kinh tế gia đình khá vững chắc. Hằng ngày, sau khi đưa hai con đến trường mầm non, vợ anh ra cửa hàng buôn bán ở phố nội thất Ngô Gia Tự, còn anh đến xưởng gỗ.
"Để ứng phó có hiệu quả đối với nạn bạo lực phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta cần gắn kết nam giới và trẻ em trai, đặc biệt là lãnh đạo nam trong vận động chính sách, bởi hiện nay hầu hết những người đưa ra quyết định trong xã hội và gia đình là nam giới. Nam giới và trẻ em trai không nên trở thành người gây ra bạo lực mà phải là những đối tác, nhân tố quan trọng thúc đẩy sự thay đổi xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái". Bà Nguyễn Thị Thúy - cán bộ chương trình Phòng chống bạo lực giới của UN Women. |
“Dạo gần đây, khi xem các clip quay lại cảnh chồng đánh vợ, đánh con dã man, tôi thật sự xấu hổ và bức xúc. Con cái người ta sinh ra, nuôi cho khôn lớn, có yêu thương mình mới cùng mình gầy dựng gia thất. Nếu không còn yêu thương thì cũng còn cái nghĩa vợ chồng. Nếu không ở được nữa thì giải thoát cho nhau chứ cớ gì lại cho mình cái quyền xúc phạm thân thể, chà đạp nhân phẩm người ta như vậy. Tôi cực lực lên án những hành vi đó” - anh Phương bày tỏ.
Nam giới và trẻ em trai - đối tác và nhân tố quan trọng
Tại Việt Nam, bạo lực với phụ nữ và trẻ em đã và đang là một vấn nạn nhức nhối. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2010, có 58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực ít nhất một lần trong đời. Một nghiên cứu khác của ActionAid Việt Nam năm 2014, có 87% phụ nữ và trẻ em gái tham gia khảo sát tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Còn theo UNESCO, 51.9% học sinh đã trải qua ít nhất một dạng bạo lực. Do vậy, “Cha và con trai trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” là sự kiện để truyền thông, lôi kéo, huy động nam giới cùng đồng hành để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, vì một gia đình bình đẳng và xã hội văn minh không có bạo lực.
Bạo bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là như thế nào? |
|
Tại buổi truyền thông, qua các trò chơi, các cặp cha - con đã cùng nhau tìm hiểu các hình thức khác nhau của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, bao gồm: bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế. Cũng tại đây, họ đã cùng nhau chia sẻ về những nơi có thể xảy ra bạo lực như tại gia đình, trong trường học, nơi công cộng, nơi làm việc, không gian mạng… và những kinh nghiệm trong việc ứng phó với bạo lực giới.
Ông Bùi Thế Hải - Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới Q.10, Phó chủ tịch UBND Q.10 - chia sẻ: “Vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái cả ở nơi riêng tư lẫn không gian công cộng là một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng có những thay đổi không thể thực hiện dựa vào pháp luật mà quan trọng và khó khăn nhất là ở chính mình cùng với sự cam kết chung tay hành động vì bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến về giới, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em…”.
Trân trọng, yêu thương, hiểu được những thiên chức, vai trò của phụ nữ ngoài xã hội, trong gia đình là cách chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái hiệu quả nhất. Đó cũng là thông điệp mạnh mẽ mà những người tổ chức sự kiện muốn truyền tải đến toàn xã hội.
Cha và con trai rất quan trọng và là đối tượng giúp thay đổi định kiến trong xã hội, góp phần tăng vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. |
|
Bà Nguyễn Thị Thúy - cán bộ chương trình Phòng chống bạo lực giới của UN Women - cho biết, để ứng phó có hiệu quả đối với nạn bạo lực phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta cần gắn kết nam giới và trẻ em trai, đặc biệt là lãnh đạo nam trong vận động chính sách, bởi hiện nay hầu hết những người đưa ra quyết định trong xã hội và gia đình là nam giới. Nam giới và trẻ em trai không nên trở thành người gây ra bạo lực mà phải là những đối tác, nhân tố quan trọng thúc đẩy sự thay đổi xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
“Cha và con trai rất quan trọng, là đối tượng giúp thay đổi định kiến trong xã hội và góp phần tăng vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, tất cả thành viên trong xã hội đều đóng vai trò quan trọng trong phòng chống và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” - bà Nguyễn Thị Thúy, khẳng định.
Thương con hay bạo hành con? Nhiều bậc cha mẹ hiện nay thường có thói quen “ấp trứng”, lúc nào cũng coi con cái còn bé bỏng phải kè kè chăm sóc, giám sát mà quên mất con trẻ cũng cần có không gian, môi trường riêng tư. Nhiều bạn bè của tôi khi đi cà phê, gặp nhau hay bảo “tôi vẫn tắm cho con”. Nhưng hỏi ra thì các cô, các cậu đều đã 9-10 tuổi. Nhiều khi con đang tắm mà cha mẹ vẫn cứ xông vào kỳ cọ gội đầu, khiến con khó chịu. Nhiều cha mẹ còn giám sát, đọc trộm cả nhật ký của con, hoặc la mắng con ở nơi công cộng... Điều này là không tốt cho phát triển tâm sinh lý của con. Tưởng là thương con, nhưng thật ra là không tôn trọng con, là bạo hành con trẻ về tinh thần, nhất là với các cháu gái đang bước vào độ tuổi dậy thì. Anh Lê Trường Giang (P.8, Q.10) |
Hoài An