Nam giới thờ ơ với vắc xin, tại sao?

09/07/2024 - 06:13

PNO - Tại các cơ sở tiêm chủng, hình ảnh quen thuộc là những bà mẹ đưa con nhỏ đi tiêm hoặc phụ nữ đến tiêm theo lịch trình. Nam giới - đối tượng có nguy cơ mắc một số bệnh cao hơn nữ giới do lối sống đặc thù - thì lại thờ ơ với việc tiêm chủng một cách đáng báo động.

Tâm lý chủ quan và đối phó

Ở khu vực khám sàng lọc trước khi tiêm ngừa của Viện Pasteur TPHCM, cũng như ở các cơ sở tiêm ngừa khác, hình ảnh thường thấy là chủ yếu phụ nữ và trẻ em. Chỉ có lác đác vài nam giới nhưng hầu hết cũng là đưa vợ, con đi tiêm ngừa chứ không có ý định tiêm ngừa cho mình.

Một người đàn ông ngụ quận Phú Nhuận đưa vợ là chị T.H.D. và con gái 12 tuổi đến tiêm vắc xin phế cầu. Lúc khám sàng lọc, chị D. nhờ bác sĩ thuyết phục chồng mình cũng tiêm vắc xin này bởi anh hút thuốc lá lâu năm, nguy cơ dễ mắc bệnh về phổi do phế cầu gây ra. Nghe vợ khuyên nên tiêm vắc xin, người chồng phản đối gay gắt, không muốn nghe bác sĩ tư vấn. Anh cho rằng vắc xin chỉ dành cho phái yếu như phụ nữ và trẻ em, còn mình là đàn ông, sức đề kháng tốt, không cần thiết tiêm chủng cho tốn kém. Sau đó, anh vùng vằng bỏ ra ngoài.

Hầu hết người đi tiêm ngừa phòng bệnh là phụ nữ hoặc trẻ em (chụp tại Viện Pasteur TPHCM)
Hầu hết người đi tiêm ngừa phòng bệnh là phụ nữ hoặc trẻ em (chụp tại Viện Pasteur TPHCM)

Anh P.V.K. - 40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh - đang ngồi chờ vợ con khám sàng lọc để tiêm ngừa vắc xin HPV và vắc xin cúm. Khi chúng tôi hỏi sao anh không vào tiêm vắc xin cúm cùng gia đình, anh K. nói: “Vợ tôi kèo nài quá nên tôi đưa đi, còn tôi nghĩ miễn dịch tự nhiên của cơ thể vẫn tốt hơn. Tiêm vắc xin ít nhiều cũng có tác dụng phụ. Tôi khỏe mạnh bình thường thì tiêm vắc xin làm gì”. Anh K. còn kể rằng, mình chưa từng tiêm vắc xin nào cả nhưng vẫn khỏe mạnh. Lần duy nhất anh tiêm ngừa là vắc xin COVID-19, do đối diện sống chết thì mới phải vậy.

Khác với 2 người đàn ông trên, nam sinh Đ.V.T. - 18 tuổi, ngụ quận Tân Bình - là trường hợp hiếm hoi chủ động đi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, T. lại chia sẻ rằng mình sắp du học nên phải tiêm các vắc xin ngừa bệnh theo yêu cầu của quốc gia đến học. T. cần tiêm vắc xin cúm, viêm gan B, sởi - quai bị - rubella, bạch hầu - ho gà - uốn ván… Lúc được hỏi nếu không du học thì có chủ động đi tiêm vắc xin không, T. cười đáp: “Dạ không”.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc - Điều hành Phòng khám đa khoa Viện Pasteur TPHCM - nơi đây ghi nhận tỉ lệ nam giới trưởng thành đi tiêm ngừa vắc xin so với nữ giới có khác nhau ở một số bệnh. Với vắc xin ngừa viêm gan B, tỉ lệ nam nữ đi tiêm gần giống nhau. Tuy nhiên với tiêm ngừa HPV, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, cúm, bạch hầu, uốn ván, ho gà thì tỉ lệ nữ giới đi tiêm nhiều hơn hẳn. Điều đáng nói, nam giới thường chỉ đi tiêm ngừa khi có dịch bệnh nào đó đang bùng phát, hoặc đi tiêm vì lý do du học, định cư để đối phó về mặt thủ tục của quốc gia sắp đến. Trong khi đó, tác nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm thường không phân biệt giới tính. Nam hay nữ đều có nguy cơ mắc bệnh nếu tiếp xúc với nguồn bệnh và cơ thể chưa có đủ miễn dịch để chống lại.

Ngừa được nhiều bệnh nam giới hay mắc

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh - Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết mỗi ngày, đơn vị mình tiêm vắc xin ngừa bệnh cho khoảng 100 người trưởng thành. Trong đó, 70% số trường hợp tới tiêm chủng là nữ giới. 30% còn lại là nam giới nhưng không phải chủ định đi tiêm mà do khi khám bệnh lý khác, bác sĩ phát hiện chưa tiêm ngừa nên chỉ định tiêm bổ sung.

Mới đây, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh tư vấn tiêm chủng vắc xin HPV cho một cặp đôi. Bạn nam chỉ muốn ưu tiên cho bạn nữ trước, còn mình “để tính sau”. Ngoài ra, có rất nhiều nam giới đưa vợ đang mang thai đi tiêm ngừa đã được bác sĩ khuyên người chồng nên tiêm vắc xin cúm và một số vắc xin khác như sởi - quai bị - rubella (nếu chưa từng tiêm). Thế nhưng, phản ứng chung của họ là thoái thác. Điều này rất dễ dẫn tới nguy cơ lây bệnh cho em bé sau khi chào đời. Bởi có những vắc xin trẻ phải từ 6 hoặc 9 tháng tuổi trở lên mới đủ tuổi tiêm ngừa.

Sau khi tìm hiểu, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh nhận thấy có 2 nguyên nhân dẫn đến đàn ông “lười” tiêm vắc xin. Thứ nhất, đàn ông cho rằng mình là phái mạnh nên sức đề kháng tốt, không dễ nhiễm bệnh. Tiếp đó, về vấn đề tài chính. Đàn ông nghĩ mình sức dài vai rộng nên cần ưu tiên phụ nữ, trẻ em và cha mẹ già trước do tiêm vắc xin tốn kém. Dù vậy, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh nhắn nhủ: “Vắc xin cần thiết cho mọi người. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, nên nếu có điều kiện thì nam giới hãy quan tâm tới sức khỏe của mình để luôn khỏe mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình”.

Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc cho biết thêm, các bệnh có vắc xin phòng ngừa hầu hết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nếu không được tiêm ngừa, khi mắc có thể gây nhiều hệ lụy khác nhau. Tiêm ngừa cho nam giới cũng giống như phụ nữ trưởng thành, cần một số loại vắc xin ngừa các bệnh sau: viêm gan A, B; bạch hầu, uốn ván, ho gà, cúm, viêm phổi phế cầu, viêm não mô cầu, viêm não Nhật Bản B, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, thương hàn, các bệnh do vi rút HPV…

Tùy theo độ tuổi, nguy cơ mắc bệnh, vùng nguy cơ mắc bệnh, tình trạng miễn dịch của cơ thể, mức duy trì của kháng thể bảo vệ mà các khuyến cáo loại và lịch vắc xin cần tiêm có thể thay đổi… Có loại vắc xin cần tiêm mũi nhắc, có loại cần tiêm đầy đủ lịch cơ bản nên người dân cần đến cơ sở y tế để được tư vấn đầy đủ.

Hơn thế nữa, nam giới do đặc điểm hành vi, lối sống nên có thể nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ ở một số bệnh như ung thư gan, ung thư phổi và một số bệnh mạn tính. Vì vậy, nam giới nên chú ý đến tiêm chủng để phòng ngừa viêm gan B, viêm phổi do phế cầu, cúm, HPV… Tiêm chủng cần thiết cho mọi lứa tuổi, mọi giới và là biện pháp an toàn, hiệu quả nhất để dự phòng mắc bệnh, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI