|
Các đại biểu tham dự sự kiện cùng nhau truyền thông điệp về một thế giới bình đẳng, không có bạo lực |
Chủ thể các vụ bạo lực phần lớn là nam giới
Chương trình do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM phối hợp Hội LHPN TPHCM, UBND huyện Nhà Bè, UBND huyện Cần Giờ, Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức nhằm hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” (15/11 - 15/12).
Chia sẻ tại chương trình, bác sĩ Phạm Quốc Hùng - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Hùng Vương - kể, trong quá trình vận hành mô hình một cửa tại bệnh viện, ông rất ấn tượng với 1 trường hợp xảy ra cách đây gần 1 năm. Có một phụ nữ mang thai 6 tháng đến bệnh viện cùng đứa con gái 9 tuổi. Bé gái khóc rất nhiều khiến các nữ hộ sinh cảm thấy lạ. Khi nhân viên công tác xã hội đến hỏi thăm thì bé mếu máo cầu xin đừng để ba biết mẹ cháu đang ở bệnh viện.
Tìm hiểu sự việc, nhân viên công tác xã hội bệnh viện mới biết người mẹ bị bạo hành do mâu thuẫn kinh tế gia đình. Không biết chạy đi đâu, 2 mẹ con dắt díu nhau vào bệnh viện để vừa khám thai, vừa xem đó là nơi an toàn tránh những đòn bạo hành từ chồng.
Bác sĩ Phạm Quốc Hùng nói thêm, câu chuyện của nhiều trường hợp phụ nữ bị bạo hành đến với mô hình một cửa đã tác động nhiều đến suy nghĩ của ông về câu chuyện phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới. “Chúng tôi thấy rằng việc phòng ngừa bạo lực trong gia đình mặc dù là sự chung tay của cả cộng đồng nhưng thực sự vai trò của người đàn ông trong gia đình rất quan trọng, bởi họ là chủ thể chính gây ra hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Do đó, muốn phòng chống và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, nhất thiết phải có sự tham gia của nam giới” - bác sĩ Phạm Quốc Hùng nói.
Anh Vương Hữu Dũng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới quận Bình Tân - chia sẻ, cách đây vài tháng, khi đi ngang đường Quang Trung (quận Gò Vấp), thấy một phụ nữ khoảng 30 tuổi có ý định nhảy cầu tự tử, anh và một người giao hàng liền dừng xe, chạy lại giữ lấy người phụ nữ. Trong cơn hoảng loạn, chị đã khóc rất nhiều. Sau khi bình tĩnh, người phụ nữ cho biết, ba chị mới mất cộng với việc bị chồng bạo hành nên mất kiểm soát hành vi. Chúng tôi đã đưa người phụ nữ về phòng trọ của chị và trao đổi với người chồng nhằm hàn gắn cả hai.
Anh Vương Hữu Dũng kể: “Kể từ ngày đó, thỉnh thoảng chúng tôi gọi điện thoại hỏi thăm và được biết hiện tại cả 2 vợ chồng rất ổn. Tôi nghĩ rằng, không phải chỉ “động tay động chân” mới gọi là bạo hành. Có những tác động tâm lý cũng gây ra hệ lụy không kém”.
Tham gia CLB Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới hơn 1 năm nay, anh Vương Hữu Dũng nhận thấy có những khó khăn, thách thức khi thu hút nam giới tham gia vào câu chuyện phòng chống bạo lực, bởi đối tượng này dành nhiều thời gian hơn cho sự nghiệp, ít tiếp cận thông tin và hoạt động liên quan đến bình đẳng giới. Bên cạnh đó, khi tham gia hỗ trợ, giải quyết các vụ bạo hành, CLB cũng gặp khó khăn vì có những việc cần xử lý ngay nhưng phải mất thời gian xin ý kiến người này người kia, qua rất nhiều khâu mới giải quyết được.
Thúc đẩy nam giới tham gia các hoạt động bình đẳng giới
Bà Lê Thị Lan Phương - Quản lý chương trình Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái của UN Women Việt Nam - chia sẻ, sự tham gia tích cực của nam giới và trẻ em trai không chỉ là một trong những yếu tố then chốt để phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới, mà còn vì lợi ích của chính bản thân họ. “Sự tham gia của nam giới và trẻ em trai sẽ giúp phá vỡ những định kiến và khuôn mẫu giới hạn, tạo ra môi trường mà mọi người đều có thể phát triển và thể hiện bản thân một cách tự do và bình đẳng. Họ trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời cũng học được cách tôn trọng và đánh giá cao sự đa dạng và bình đẳng” - bà nói.
Theo bà Lê Thị Lan Phương, mỗi cá nhân đều có quyền được sống cuộc sống không có bạo lực bằng cách thúc đẩy sự thấu hiểu và trách nhiệm để cùng xây dựng những cộng đồng, nơi sự tôn trọng và an toàn được đặt lên hàng đầu. Để làm được điều đó, cần tạo môi trường khuyến khích sự tham gia tích cực của nam giới và trẻ em trai thông qua các buổi tư vấn và hỗ trợ tâm lý, tạo ra các nhóm hỗ trợ và kết nối, cũng như cung cấp các tài liệu và nguồn lực cần thiết để họ có thể tự tin tham gia vào các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.
Các cơ quan, tổ chức có thể đóng vai trò tiên phong trong việc tổ chức các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn, cũng như tạo ra các diễn đàn để nam giới và trẻ em trai có thể chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Về phía chính quyền, cần ban hành và thực thi các chính sách hỗ trợ, cung cấp nguồn lực, tài trợ cho các chương trình và hoạt động liên quan đến bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; đồng thời, tạo ra môi trường pháp lý và xã hội thuận lợi để thúc đẩy sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào các hoạt động này.
Ông Vũ Văn Hiệu - giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng - đề xuất nên dựa trên một số đặc điểm của nam giới để thiết kế và thúc đẩy các hoạt động bình đẳng giới gắn với thói quen của họ. Chẳng hạn, tổ chức những bữa sáng ruy băng trắng, hoặc những cuộc gặp gỡ tại quán cà phê, các hoạt động giao lưu thể dục thể thao, từ đó lồng ghép những chủ đề nho nhỏ để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cũng như phòng ngừa bạo lực gia đình.
Theo ông, công tác truyền thông thông qua các ứng dụng từ nền tảng mạng xã hội hiện nay là một phương thức hữu hiệu để lan tỏa, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới một cách nhanh và toàn diện. Do đó, Hội LHPN các cấp, các tổ chức, ban ngành cần tận dụng những ưu điểm này để thiết kế và lan truyền những sản phẩm sáng tạo, có chất lượng trên các nền tảng mạng xã hội liên quan đến chủ đề bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực gia đình.
Bình đẳng giới phải xuất phát từ 2 phía Cùng cả nước, trong những năm qua, các cấp Hội LHPN TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động, đợt cao điểm truyền thông nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội. Qua 8 năm triển khai “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”, đã có hàng triệu lượt người được truyền thông và tiếp cận các thông điệp, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân đối với công tác bình đẳng giới. Bình đẳng giới phải xuất phát từ cả 2 phía, cùng nhìn nhận các vấn đề của nhau để tìm cách giải quyết. Việc nam giới hỗ trợ phụ nữ tiến bộ hơn cũng chính là giúp nam giới có trách nhiệm hơn, trở nên văn minh hơn. Và việc người phụ nữ ủng hộ nam giới trong cuộc sống bằng cách giúp họ vượt qua các vấn đề thường gặp cũng là điều cần làm. Bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM |
Thu Lê