Khi đàn ông vào bếp
Với bộ đồ nâu, khăn rằn quấn cổ, 3 thầy giáo Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh hết sức tập trung vào công việc của mình. Trên bếp, nồi mắm kho đang dậy mùi. Bên cạnh là mẹt rau dân dã với rau đắng, kèo nèo, bông súng, bông điên điển… được bày biện tươi ngon. Rồi một thầy đi nhóm lửa, đốt than để làm món ba rọi xào ngũ sắc.
Trong lúc đôi tay vẫn không ngừng xào nấu, thầy Danh Thanh Vũ chia sẻ: “Đến với cuộc thi, mình rất hào hứng bởi không chỉ “trổ tài” nấu nướng mà còn phải cân đo đong đếm trong việc đi chợ sao cho đủ tiền để hiểu và chia sẻ công việc hằng ngày với chị em. Cũng từ bữa cơm này, mình muốn lan tỏa tình yêu thương đến với mọi người xung quanh, đến với tất cả chị em phụ nữ”.
|
3 nam giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh tham gia cuộc thi “Khi đàn ông vào bếp” |
Tham dự cuộc thi “Khi đàn ông vào bếp” (do Hội LHPN quận 5 tổ chức vào cuối tháng Ba vừa qua) mỗi đội được hỗ trợ 300.000 đồng để mua nguyên vật liệu nấu 1 bữa ăn gia đình cho 4 người, tự chuẩn bị đồ dùng để nấu, bày biện và hoàn thành trong 60 phút. Có 100 đội với 300 nam giới đến từ các ban ngành, đoàn hội, hội quán, trường học… tham gia.
Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Cẩm Tú - Chủ tịch Hội LHPN phường 10 - đang hướng dẫn con trai 14 tuổi rửa rau, sắp xếp bánh mì ra đĩa. Cha và chồng chị cũng đang trao đổi về món vịt nấu măng tươi. Gia đình 3 thế hệ này đang thực hiện bữa ăn mang tên “Giữ lửa yêu thương”. Ông Nguyễn Thanh Hưởng (66 tuổi) - cha chị Cẩm Tú - nói: “Tôi rất vui và hạnh phúc khi cả nhà quây quần, cổ vũ nhau. Hoạt động này còn giúp chúng tôi giao lưu học hỏi nhiều kinh nghiệm nấu nướng và biết thêm nhiều món mới”.
Năm nay là năm thứ hai gia đình ông Hưởng tham gia cuộc thi. Cả gia đình ông gần chục người chia 2 đội thi. Trong khi ông Hưởng và con rể nấu món vịt nấu măng tươi thì gia đình người cháu làm món bánh xèo, bánh khọt.
Theo ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ - Phó chủ tịch UBND quận 5 - cuộc thi như lời khẳng định vai trò của nam giới trong việc chung tay gánh vác công việc cùng chị em phụ nữ để xây dựng gia đình ngày càng hạnh phúc hơn, góp phần thực hiện bình đẳng giới với sự thấu hiểu và sẻ chia trong cuộc sống hằng ngày bằng những việc nhỏ nhất nhằm vun đắp giá trị gia đình.
Hành trình dài cần sự đồng hành bền bỉ
Tại buổi tọa đàm “Vai trò của nam giới trong thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc” do Hội LHPN và UBND quận Bình Tân tổ chức ngày 26/3 vừa qua, bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên - Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Tân - thông tin, địa bàn hiện có 16/25 báo cáo viên pháp luật là nam giới và 116/162 tuyên truyền viên pháp luật tại 10 phường là nam. Các anh là lực lượng nòng cốt đưa quy định pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân - gia đình, phòng chống bạo lực gia đình… đến với bà con.
Cùng với các báo cáo viên, tuyên truyền viên này, gần đây số lượng nam giới xuất hiện trong các hoạt động, phong trào của Hội Phụ nữ cũng tăng đáng kể. Họ tích cực tuyên truyền, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái bằng hành động cụ thể, như tham gia xây dựng và biểu diễn tiểu phẩm về đời sống gia đình; dùng kiến thức và kỹ năng mềm góp sức hòa giải mâu thuẫn gia đình, làng xóm; lên án mạnh mẽ các hành vi bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em. “Tuy có nhiều chuyển biến tích cực, song để có bình đẳng giới thực chất thì vẫn còn rất lâu” - bà Hà Tuyên nhận định.
Báo cáo của Hội LHPN quận Bình Tân cũng chỉ ra, trong năm 2023 và quý I/2024, Hội LHPN quận và 10 phường đã tiếp nhận 49 vụ việc cần được tư vấn, hỗ trợ liên quan đến hôn nhân gia đình, trong đó có 25 vụ là do chồng không chia sẻ, không tạo điều kiện để vợ tham gia các hoạt động xã hội, không cho vợ quyền quyết định dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã.
|
Quận Bình Tân ra mắt Câu lạc bộ Nam giới đồng hành thúc đẩy bình đẳng giới phường An Lạc vào tháng 9/2023 |
Từ thực tế đó, bà Hà Tuyên nhấn mạnh, phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng giới ngay trong gia đình. Chị em chịu nhiều áp lực khi vừa phải bươn chải kiếm tiền, vừa chịu trách nhiệm chăm sóc con cái, chu toàn việc nhà, sinh con trai nối dõi. Trong khi đó, tiếng nói của họ đôi khi không được lắng nghe, hoặc bị quy chụp là than vãn, yếu đuối.
Bên cạnh các nguyên nhân như hạn chế hiểu biết pháp luật, không biết cách tự bảo vệ, cam chịu nơi chị em thì vẫn còn nhiều nguyên nhân khác như tư tưởng trọng nam khinh nữ, ai làm ra nhiều tiền người đó có quyền, chưa có sự tham gia tích cực của nam giới vào các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.
Tại tọa đàm, họa sĩ Nhữ Đình Ngoạn - hội viên danh dự của hội - cho rằng, bình đẳng giới không phải là nam và nữ làm mọi thứ như nhau theo kiểu “tôi làm được thì anh ấy/cô ấy cũng phải làm được, và ngược lại”. “Mỗi người là một cá thể độc lập, không ai giống nhau, từ kiến thức, năng lực đến sức khỏe.
Bình đẳng giới phải bắt nguồn từ sự trân trọng nhau và tôn trọng sự khác biệt, từ đó đồng hành, khích lệ và tiếp sức đối phương phát huy năng lực, sở trường. Để thúc đẩy bình đẳng giới, vai trò tiên phong, chủ động của nam giới là rất quan trọng. Không phải cứ tặng hoa, tặng quà mỗi dịp 8/3, 20/10 là yêu thương và tôn trọng phụ nữ mà cần hỗ trợ đồng nghiệp nữ phát triển trong công việc, tự giác san sẻ việc nhà với những người phụ nữ trong gia đình một cách thường xuyên” - họa sĩ Nhữ Đình Ngoạn đúc kết.
Ông Quán Quang Diệu - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp quận Bình Tân - chia sẻ, thường thì đàn ông làm ra tiền sẽ yêu cầu người phụ nữ của mình chăm sóc tốt gia đình. Điều này là không sai, nhưng khi các yêu cầu trở thành áp đặt tâm lý thì vô tình cản trở phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, khiến cuộc sống chị em bị gò bó, mất cơ hội theo đuổi đam mê và thăng tiến trong sự nghiệp.
Ông Diệu chia sẻ, Câu lạc bộ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thành lập vào tháng 5/2022 với chủ trương khuyến khích chị em phát huy năng lực trong kinh doanh, học nghề, được trợ vốn làm ăn và quảng bá sản phẩm đến đông đảo khách hàng. “Đây là cách anh em chúng tôi đóng góp vào quá trình thúc đẩy bình đẳng giới, bởi tin rằng, sự tự chủ về mặt tài chính sẽ giúp phụ nữ tự tin hơn, và chính người đàn ông trong nhà cũng sẽ bớt áp lực phải làm trụ cột kinh tế” - ông Diệu nói.
Ông Nguyễn Văn Ca (phường Tân Tạo A) nhận định, thời gian qua, nhiều nam giới tự nguyện trở thành hội viên danh dự của Hội Phụ nữ là minh chứng cho thấy anh em đang nỗ lực đóng góp vào tiến trình đi đến bình đẳng giới. Riêng ông, từ lâu đã tham gia nhiều chương trình, trực tiếp tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, giúp đỡ chị em tái hòa nhập.
“Bình đẳng phải xuất phát từ nhận thức về giá trị bản thân và những điều làm nên hạnh phúc gia đình, chủ động nhận lấy những việc mình có thể làm tốt, chứ không phải phân công rạch ròi, tôi nấu cơm thì anh rửa chén. Nhiều khi chồng chẳng nghĩ gì đâu, con nào cũng là con, nhưng các chị lại tự gây áp lực cho mình về việc phải sinh được con trai, dẫn đến vợ chồng nặng nhẹ. Truyền thông đã thông tin rất nhiều trường hợp phụ nữ bạo hành trẻ em là con ruột hoặc con riêng của chồng/bạn trai, nhưng hễ nghe bạo hành gia đình là lôi đàn ông ra phê phán cũng oan cho anh em. Tất nhiên, để có gia đình hạnh phúc dựa trên sự bình đẳng thì vai trò của nam giới là quan trọng, chính họ cần thay đổi, không định kiến giới, bỏ tính gia trưởng và cởi mở hơn khi chia sẻ khó khăn của bản thân; còn chị em cũng cần mềm mỏng trong ứng xử, bớt khắt khe, cầu toàn” - ông Ca chia sẻ.
Nguyệt Minh - Mẫn Nhi