Nam giới bỗng nhiên tiểu són

08/11/2022 - 06:04

PNO - Đa số nam giới bị đường tiểu dưới thường liên quan đến phì đại tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong các nguyên nhân sinh ra hội chứng này.

* Hơn ba tuần nay, tôi thường bị đau bụng dưới, tiểu són nên tôi rất ngại, cứ xong công việc là vội vã về nhà chứ không dám đi ăn uống với bạn bè, đồng nghiệp. Gần đây, tần suất tiểu són ngày càng nhiều, khó kiểm soát kể cả ngày đêm. Xin hỏi bác sĩ tôi phải làm sao để điều trị triệt để bệnh này?

Phan Văn Mạnh (45 tuổi, tỉnh Đồng Nai)

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Ân, Trưởng khoa Niệu học chức năng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trả lời: Hệ thống bài tiết nước tiểu ở người trưởng thành bao gồm đường tiểu trên (thận và niệu quản) và đường tiểu dưới (bàng quang và niệu đạo). Đa số nam giới bị đường tiểu dưới thường liên quan đến phì đại tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong các nguyên nhân sinh ra hội chứng này.

Theo đó, nam giới trên 40 tuổi thường bắt đầu có nguy cơ phì đại tuyến tiền liệt. Càng lớn tuổi, tỷ lệ nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt càng cao. Thống kê cho thấy khoảng 25% nam giới từ 50-60 tuổi mắc bệnh này, nhưng chỉ 4% trong số đó xuất hiện triệu chứng. 

Tùy vào nhóm bệnh, khi đi vệ sinh, người bệnh sẽ thấy biểu hiện dòng tiểu yếu, tiểu khó, tiểu ngắt quãng, nhỏ giọt cuối dòng tiểu, hoặc tiểu gấp, đi nhiều lần, són tiểu, tiểu đêm, hay buồn tiểu ngay sau khi vừa tiểu xong, nhỏ giọt sau khi tiểu… Ngoài ra, một số ít người bệnh mắc u bàng quang, hẹp niệu đạo, nhiễm khuẩn niệu, thậm chí ung thư cũng gây ra các triệu chứng đường tiểu dưới. 

Nếu người bệnh bị hội chứng đường tiểu dưới ở mức độ nhẹ thì chỉ cần theo dõi, điều chỉnh chế độ sinh hoạt để kiểm soát tiểu. Trường hợp nặng hơn sẽ cần phải dùng thuốc, can thiệp ngoại khoa để điều trị. 

Qua các triệu chứng mô tả, có thể anh đang gặp vấn đề về đường tiểu dưới do phì đại tuyến tiền liệt, anh nên đến bệnh viện khám sớm nhằm phát hiện kịp thời các nguyên nhân gây bệnh, để có các phương án điều trị phù hợp, tránh để lâu khi bệnh nặng hơn sẽ khó khăn trong điều trị.

An Khuê (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI