Năm dài nhất trong lịch sử

05/01/2025 - 09:55

PNO - Năm 46 trước Công nguyên (TCN) là năm dài nhất trong lịch sử khi có tới 445 ngày, dài hơn 80 ngày so với những năm thông thường.

Năm được xác định bởi thời gian trái đất hoàn thành một vòng quay quanh mặt trời và trở lại điểm mà chúng ta đã đặt làm mốc bắt đầu năm mới. Lịch của chúng ta là một cách chia nhỏ năm thành các phần (tháng, tuần, ngày) để tiện lợi cho con người.

Mặc dù chúng ta đã cải tiến để năm quỹ đạo của trái đất khớp với năm lịch, thậm chí còn thêm "giây nhuận" để đồng bộ chính xác hơn, nhưng các lịch trước đây không hiệu quả như vậy.

 năm 46 TCN trở thành năm dài nhất trong lịch sử đã được ghi nhận với 445 ngày
Năm 46 TCN trở thành năm dài nhất trong lịch sử đã được ghi nhận với 445 ngày - Ảnh: Pixabay

Trước khi Julius Caesar giới thiệu lịch Julius, năm của người La Mã chỉ có 4 tháng (tháng Ba, tháng Bảy, tháng Mười và tháng Năm) với 31 ngày mỗi tháng. Các tháng còn lại ngắn hơn khi chỉ có 29 ngày, trừ tháng Hai có 28 ngày.

Kết quả, lịch bị lệch khá nhanh so với sự di chuyển của trái đất quanh Mặt trời, và vào khoảng năm 200 TCN, lịch đã lệch đến mức gần như hoàn toàn, một nhật thực gần như toàn phần xảy ra vào ngày 14/3 theo cách tính hiện nay lại được ghi nhận vào ngày 11/7.

Một "tháng nhuận", gọi là Mercedonius, phải được thêm vào mỗi vài năm để điều chỉnh lại lịch.

Đây không phải là cách tốt để vận hành một lịch. Mặc dù Mercedonius có thể được sử dụng để điều chỉnh lại lịch với năm, nhưng nó có thể bị lạm dụng về mặt chính trị.

Julius Caesar sau đó đã cố gắng khắc phục tình trạng lộn xộn bằng cách giới thiệu lịch Julius vào năm 45 TCN, thêm 1 hoặc 2 ngày vào cuối các tháng ngắn (trừ tháng Hai) để tổng số ngày trong năm trở nên quen thuộc hơn, với 365 ngày.

Nhà sử học La Mã Suetonius viết trong Life of Julius Caesar: "Ông đã cải cách lịch, vốn đã rối loạn từ lâu, đến nỗi các lễ hội thu hoạch không rơi vào mùa hè và lễ hội thu mùa không rơi vào mùa thu. Ông đã điều chỉnh năm sao cho phù hợp với quỹ đạo của mặt trời bằng cách làm cho nó có 365 ngày, xóa bỏ tháng bổ sung và thêm 1 ngày mỗi 4 năm".

Tuy nhiên, trước khi dùng lịch mới, vẫn còn một vấn đề là năm vẫn chưa khớp với các mùa. Để khắc phục điều này, Caesar đã thêm vài tháng vào năm 46 TCN.

Để việc tính toán mùa màng có thể bắt đầu vào ngày đầu tiên của tháng Một theo lịch mới, ông đã thêm 2 tháng khác giữa tháng Mười một và tháng Mười hai. Do đó, năm này kéo dài 15 tháng, bao gồm cả tháng nhuận.

Kết quả là, năm 46 TCN trở thành năm dài nhất trong lịch sử đã được ghi nhận với 445 ngày, và đôi khi được gọi là annus confusionis, hay "năm của sự rối loạn".

Bạch Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI