Năm COVID-19 - Năm để trở về nhà

09/02/2021 - 05:25

PNO - 2020 là một năm kỳ lạ khi dịch bệnh COVID-19 tấn công tất cả các quốc gia trên thế giới. Đến thời điểm này, dịch bệnh không chỉ cướp đi hơn 2,1 triệu sinh mạng mà còn làm xáo trộn cuộc sống của mọi người. Hàng tỷ người phải ở nhà, hàng triệu người ở nước ngoài phải hồi hương trong bối cảnh nhiều quốc gia đóng cửa biên giới để phòng dịch.

Người người khao khát trở về nhà

Mọi năm, có khoảng một triệu người Úc sống và làm việc ở nước ngoài. Trong năm 2019, thống kê ghi nhận 11,3 triệu cư dân Úc đã xin visa du lịch ngắn hạn. Dù vậy, đến năm 2020, số lượng người Úc quay trở về nhà cũng cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều người Úc bị mắc kẹt ở nước ngoài do các hãng hủy toàn bộ chuyến bay đến Úc sau các lệnh phong tỏa vì đại dịch. Việc trở về nhà giờ đây không còn đơn giản là mua vé rồi bước lên máy bay như trước đây.

Đại dịch COVID-19  đã thay đổi cuộc sống của mọi người  Ảnh: PATA
Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cuộc sống của mọi người - Ảnh: PATA

Ông Michael John Mapley (46 tuổi, sống ở TP. Perth) rời Úc ngay trước khi lệnh cấm du lịch được ban hành vào ngày 15/3. Mapley chuyển đến Abu Dhabi, UAE trong một năm để nhận một dự án mà công ty giao cho. Sau lời kêu gọi người Úc về nước, ông Mapley đặt chuyến bay trở về nhà vào ngày 15/5. Tuy nhiên, trước khi lên máy bay, Mapley bị nhiễm COVID-19. Quá trình cách ly, điều trị và phục hồi khiến ông không thể trở về nhà do các chuyến bay giữa UAE và Úc bị hủy bỏ.

Nina Hobson (38 tuổi, một công dân Anh từng sống ở 13 quốc gia) có kế hoạch trở về nhà trước bối cảnh “hỗn loạn" của đại dịch COVID-19. “Chúng tôi đã phải vật lộn để tìm chỗ ở, các trường học của con tôi đóng cửa cho đến năm 2021 và chúng tôi đang phải cách ly. Tôi thích sống ở nước ngoài nhưng bây giờ tôi chỉ muốn về nhà của mình ở Anh mà thôi", Hobson nói.

Tương tự, đường về nhà của Abby Lehman cũng vời vợi xa. Trong hai tháng, Abby Lehman cố gắng về New Zealand nhưng không thành công. Cô chi hơn 3.000 USD để đặt nhiều chuyến bay của các hãng hàng không khác nhau từ London về New Zealand nhưng tất cả đều bị hủy bỏ. Cô gái 20 tuổi cho biết nếu gia đình chủ nhà không đồng ý gia hạn cho cô ở lại, cô sẽ không còn nơi nào khác để đi.

Nina Hobson, 38 tuổi, một công dân Anh từng sống ở 13 quốc gia, hiện đã trở về nhà trước bối cảnh “hỗn loạn” do đại dịch COVID-19 - Ảnh: FINAnCIAL TIMES
Nina Hobson, 38 tuổi, một công dân Anh từng sống ở 13 quốc gia, hiện đã trở về nhà trước bối cảnh “hỗn loạn” do đại dịch COVID-19 - Ảnh: Financial Times

“Tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ có một công việc ổn định ở đây, có nhà và tiền ăn ở… nhưng giờ thì tất cả là quá khứ. Nếu giờ về nhà, tôi cũng sẽ thất nghiệp. Tôi thực sự không muốn tạo thêm áp lực cho chính phủ và áp lực cho dịch vụ y tế nước nhà nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác”, Lehman giải thích.

Tầm quan trọng của gia đình

Theo khảo sát của công ty tư vấn bất động sản uy tín nhất thế giới Knight Frank, bốn động lực chính khiến nhiều người sống nước ngoài muốn trở về quê hương là: gần gia đình, cơ hội việc làm mới, một hệ thống chăm sóc sức khỏe và nền giáo dục tốt hơn.

Đại dịch cũng đã kết thúc cuộc sống xa xứ của Chara Richterberg đến từ Lafayette, bang Louisiana (Mỹ), người đã di chuyển khắp bốn lục địa suốt nhiều năm qua. Chồng cô làm việc trong lĩnh vực dầu khí nên phải liên tục thay đổi nơi công tác. Họ đang sống ở Aberdeen, Scotland nhưng họ chuẩn bị quay về Mỹ. “Càng lớn tuổi, việc gần nhà càng trở nên quan trọng. Chúng tôi không muốn bị mắc kẹt ở một nơi cách nhà nửa vòng trái đất. Hiện giờ, mong ước lớn nhất của tôi là được trở về với bố mẹ già”, cô Richterberg nói.

Bà Victoria Garrett, người phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương của Công ty Knight Frank, nói rằng thời gian bị “giam cầm” tại nhà đã khiến nhiều người nhận thấy được tầm quan trọng của gia đình và phong cách sống mà họ muốn hướng tới. “Đại dịch đã khiến nhiều người suy nghĩ lại về mục đích sống và kế hoạch tương lai” - bà Garrett cho biết.

Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Đức là yếu tố then chốt khiến ông bà Sabine và Patrick phải thay đổi kế hoạch trong đại dịch. Bà Sabine là một cựu kỹ sư sống ở TP.Hamburg, Đức. 31 năm trước, bà và chồng đã đến Pháp để điều hành các cơ sở kinh doanh nhà nghỉ ở Avignon, miền đông nam nước Pháp. Hiện họ đang bán hết tài sản để chuyển về Đức.

“Mười tám tháng trước, chúng tôi lên kế hoạch chuyển đến Úc cùng với một trong ba cô con gái nhưng điều đó quá rủi ro vì hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ không như kỳ vọng của chúng tôi, chưa kể việc di chuyển bằng đường hàng không còn nhiều vấn đề phức tạp”, bà Sabine cho biết.

Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, người trẻ có cơ hội sống bên gia đình nhiều hơn. Trong ảnh Garrett Collins (ảnh trái) và Leah Gay trở về nhà sống cùng bố mẹ - Ảnh: NBC NEWS
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, người trẻ có cơ hội sống bên gia đình nhiều hơn. Trong ảnh Garrett Collins (ảnh trái) và Leah Gay trở về nhà sống cùng bố mẹ - Ảnh: NBC News

Công dân Ireland cũng quay trở về nhà khá nhiều trong năm nay. Số liệu từ Văn phòng Thống kê Trung ương Ireland cho thấy 28.900 người Ireland đã quay trở lại sinh sống và làm việc ở quê nhà. Con số này cao kỷ lục trong 13 năm trở lại đây. 

Cơ hội để người trẻ quay về 

Khi dịch COVID-19 khiến ngành khách sạn đóng cửa, Garrett Collins hiện đang làm pha chế rượu ở Chicago, buộc phải chuyển về nhà ở TP.Edmond, bang Oklahoma, nơi anh đang sống với cha mẹ và bà ngoại.

"Lần đầu tiên chuyển về nhà, tôi cảm thấy ngượng ngùng vì những người trẻ đều rời gia đình để sống tự lập. Tuy nhiên, giờ đây, dịch bệnh đã giúp tôi có cơ hội được sống gần bố mẹ” - Collins nói. Hiện Collins tham gia các lớp học điều dưỡng trực tuyến để tìm cơ hội công việc tốt hơn sau khi đại dịch qua đi. “Ở bên gia đình 24/7 là một sự thay đổi lớn mà trước kia tôi không nghĩ rằng mình có cơ hội thực hiện được” - Collins nói thêm.

Một báo cáo Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) vừa công bố vào tháng 9/2020 cho thấy Mỹ có hơn 2,5 triệu thanh niên quay trở lại phòng ngủ thời thơ ấu. Trong đó, có 52% là thanh niên ở độ tuổi 18-29. Đại dịch khiến họ chọn trở về sống với bố mẹ và điều này thực sự đã làm thay đổi quỹ đạo cuộc sống của họ. Đó là một sự thay đổi về kinh tế và xã hội học đáng kể. 

Theo cuộc khảo sát và điều tra dân số hằng năm, tỷ lệ thanh niên sống cùng cha mẹ năm 2020 cao hơn so với bất kỳ số liệu nào trước đây. Bill Rodgers, một nhà kinh tế học tại Đại học Rutgers (Mỹ), cho biết người trẻ tuổi ưu tiên chọn giải pháp chuyển về nhà để giảm thiểu chi phí sau khi mất việc hoặc bị cắt giảm lương. 

Vào tháng 3/2020, khi dịch COVID -19 khiến TP.New York đóng cửa, Leah Gay, 28 tuổi cảm thấy mình bị cô lập hoàn toàn. Do đó, cô rời căn hộ thuê ở quận Manhattan và trở về nhà ở TP.Blacksburg, bang Virginia. Đây là lần đầu tiên cô thực sự quay về sống cùng cha mẹ sau 10 năm xa nhà.

"Tôi chỉ về nhà 2-3 lần mỗi năm trong những kỳ nghỉ dài. Vì vậy, tôi thấy đây là một sự may mắn khi có thể ở bên bố mẹ lâu như lần này”,  Leah Gay cho biết. Tháng trước, cô đã chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở Manhattan, trở về nhà và làm việc từ xa. Điều này giúp cô tiết kiệm được khoản tiền thuê nhà hơn 1.400 USD/tháng trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn đồng thời có thêm thời gian ở bên bố mẹ và chăm sóc họ nhiều hơn. 

Tú Quyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI