Nam bác sĩ tử vong khi đang đá bóng giữa trời nắng

23/04/2019 - 20:26

PNO - Khi đang chơi bóng đá trong thời tiết nắng nóng, một bác sĩ trẻ tại Hà Nội đột ngột ngã ra sân cỏ và hôn mê. Dù được cấp cứu nhưng bệnh nhân tử vong do căn bệnh phình mạch máu não.

Chiều 23/4, PGS.TS. Nguyễn Văn Chi - Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết, trong ngày nắng nóng đầu tiên của mùa hè vừa qua, đơn vị này đã tiếp nhận mỗi ngày đến vài chục bệnh nhân đột quỵ, trong đó có một bác sĩ tử vong.

Cụ thể vào ngày 22/4, nam bác sĩ trẻ đang làm việc tại một bệnh viện lớn của Hà Nội đã tử vong do phình mạch máu não khi chơi đá bóng dưới trời nắng nóng. Dù được cấp cứu ngay lập tức nhưng bệnh nhân tử vong.

Phân tích về trường hợp này, PGS.TS Chi cho hay: “Trận bóng và thời tiết không phải là nguyên nhân chính nhưng là yếu tố tạo thuận lợi trên nền bệnh có bất thường về mạch máu não”.

Nam bac si tu vong khi dang da bong giua troi nang
Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai

Theo các chuyên gia, quan niệm mùa đông thường có nguy cơ cao xảy ra các bệnh huyết áp, tim mạch, đột quỵ cao hơn mùa hè là một sai lầm. Việc vận động với cường độ mạnh trong thời tiết nặng nóng có nguy cơ nguy hiểm. Bởi khi môi trường có nhiệt độ cao hơn cơ thể sẽ dễ xảy ra nhiều biến cố “sốc nhiệt”, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng hôn mê.

“Phải tạm dừng hoạt động nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể. Khoảng thời gian từ 12g-16g, nhiệt độ thường cao nhất trong ngày, do đó, không nên vận động, lao động ở ngoài trời vào thời điểm này. Bên cạnh đó, đảm bảo cơ thể đủ nước, sử dụng các phương tiện bảo hộ làm giảm bớt tác động của nhiệt và tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời”, PGS.TS Chi nói.

Khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, người nhà cần lưu tâm “giờ vàng” để nhanh chóng đưa tới các cơ sở y tế gần nhất điều trị. Giờ vàng là thời gian sau khi xảy ra đột quỵ 4-6 tiếng.

Nam bac si tu vong khi dang da bong giua troi nang
 

PGS. Nguyễn Văn Chi nhấn mạnh, tuyệt đối không được cho bệnh nhân khi bị đột quỵ ăn, uống bất kỳ thuốc gì. Đồng thời, không xoa bóp, bấm huyệt, chích nặn máu ở đầu ngón tay, sau tai vì đây là những biện pháp không có tác dụng.

“Càng không nên cho uống viên An Cung như nhiều người vẫn làm sẽ rất nguy hiểm. Bởi lúc này, bệnh nhân thường rơi vào trạng thái bị mê man, uống nước hay thuốc đều dễ bị sặc, làm tắc đường thở. Từng có bệnh nhân chết vì sặc thuốc chứ không phải vì đột quỵ, do thuốc rơi vào phổi” – PGS. Nguyễn Văn Chi lưu ý.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI