Nấm "ăn" tóc, trẻ trọc đầu vĩnh viễn

04/07/2016 - 21:17

PNO - Phòng khám Da Liễu, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM gần đây tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ đến khám vì da đầu viêm nặng, tóc không thể mọc do nấm ”ăn”.

Các bác sĩ da liễu cảnh báo: nhiều trường hợp trẻ bị nấm da đầu được cha mẹ điều trị theo dân gian nên da đầu bị viêm nặng, rụng tóc và sẹo vĩnh viễn.

Hậu quả từ mực, lá

Ngồi chờ khám tại phòng khám Da liễu, BV Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh nhi N.T.A. (bốn tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) vừa khóc vì đau, vừa khó chịu vì ngứa ngáy. Trên đầu bé, chỗ có tóc, chỗ không, loang lổ mực xanh quanh vết thương. Chị H.T.C. (26 tuổi, mẹ bé A.) đi cùng kể: “Cháu bị ngứa đầu, từng mảng trắng tróc ra như gàu, nghĩ bé bị gàu nên tôi mua dầu gội trị gàu cho cháu, không hết, tôi đổi qua thuốc trị gàu mua ở nhà thuốc vẫn không khỏi. Cả tháng cháu cứ kêu ngứa đầu, tôi nghe theo chị hàng xóm, dùng bảy lá dứa rửa sạch, đâm nhuyễn pha với nước bôi lên đầu cho bé mỗi ngày nhiều lần, khô lại bôi rồi gội sạch đầu. Tôi làm vậy đến ngày thứ ba, không những không khỏi mà da đầu cháu tự dưng nổi đỏ, sưng tấy, tróc ra như ghẻ. Sợ quá, tôi mua nước sát khuẩn bôi tạm và đưa cháu đi khám”.

Nam
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Sau khi khám, BS Trần Thế Viện - Phòng khám Da Liễu, BV Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: trường hợp này, trẻ bị nấm da đầu mà dùng lá, mực phun, bôi lên theo cách dân gian rất nguy hiểm. Da đầu bé bị nhiễm trùng nặng, cần phải dùng thuốc kháng nấm bằng đường uống (griseofulvin, terbinafi ne, itraconazole…) kết hợp với thuốc kháng nấm bôi tại chỗ, như: bôi dung dịch castellani, gội ketoconazole shampoo để tăng hiệu quả điều trị và hạn chế lây lan. “Tôi gặp rất nhiều trường hợp trẻ ba-bảy tuổi viêm da đầu nặng nhưng gia đình chỉ tự chữa mà không đưa trẻ đi BV, khiến da đầu trẻ viêm nhiễm, biến chứng ra tình trạng “kerion” - một dạng viêm nặng, mưng mủ, đau nhức da đầu. Nếu không can thiệp kịp thời có thể gây sẹo và rụng tóc vĩnh viễn”, BS Viện cảnh báo.

Nấm da đầu là tình trạng nhiễm nấm của da đầu và thân sợi tóc. Các triệu chứng thường gặp là người mắc bệnh ngứa da đầu, có vảy và những mảng rụng tóc. Bệnh ở mức độ nhẹ có thể trị khỏi bằng thuốc kháng nấm tại chỗ và toàn thân. Bệnh nặng sẽ bị sẹo và mất tóc vĩnh viễn. Nguyên nhân gây bệnh thường do các vi nấm sợi tơ như Microsporum canis và Trichophyton tonsurans gây ra.

Bệnh này rất dễ lây lan và gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Lứa tuổi thường gặp từ ba-bảy tuổi, trẻ trai dễ mắc bệnh hơn trẻ gái. Nhiều bệnh nhi đến khám trong tình trạng sốt, mệt mỏi; trên da đầu là những mảng da hình tròn, ngứa, có vảy màu trắng xám, tóc gãy, rụng tạo thành hình “chấm đen” trên da đầu. Các mảng da lớn dần tạo thành mảng rụng tóc lớn. Nghiêm trọng hơn, nhiều rường hợp nặng còn bị đau; đầu có mùi hôi, mụn mủ, sẩn, đóng mày, viêm đỏ; thậm chí bị hạch cổ và có triệu chứng toàn thân đi kèm như sốt, mệt mỏi.

Không nên tự điều trị

BS Viện lưu ý: "Cần phân biệt bệnh nấm da đầu với bệnh viêm da tiết bã ở da đầu. Bệnh viêm da tiết bã chỉ có gàu, ngứa và đôi khi kèm rụng tóc lan tỏa, nhưng không để lại sẹo và mất tóc vĩnh viễn. Bệnh nấm da đầu cũng dễ nhầm với vảy nến da đầu. Triệu chứng bệnh vảy nến là vảy tạo thành phiến màu trắng mica, dễ tróc, trên nền da đầu đỏ và thường tập trung ở vùng rìa chân tóc, ngoài ra còn có thể kèm các sang thương da ở các vị trí tì đè khác".

“Để nhận diện đúng bệnh nấm da đầu, không nên tự điều trị. Đặc biệt, nếu dùng dầu gội có thuốc tẩy nhiều, người bệnh sẽ rụng tóc. Dùng thuốc bôi chỉ là hỗ trợ trong điều trị bệnh chứ không thể giết được nấm nằm sâu trong nang lông

Nhiều trường hợp điều trị không đúng, nấm càng lan ra nhiều hơn, gây hoại tử nang lông, tóc không mọc được”, BS Viện nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, nấm da đầu là một bệnh lý dễ lây lan: do tiếp xúc trực tiếp với da của những người đang mắc bệnh; sử dụng chung những vật dụng của người bệnh như mũ nón, lược chải đầu, khăn tắm, chăn gối… Bên cạnh đó, chó hay mèo (thú cưng) thường mang mầm bệnh và có thể lây sang người nếu tiếp xúc. Ngoài ra, một số con vật khác như dê, bò, ngựa vẫn có thể mang mầm bệnh.

Để hạn chế mức thấp nhất tình trạng lây lan của bệnh, cần giữ vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt những nơi như nhà trẻ, trường học, ký túc xá… Dùng dầu gội gội đầu sạch hàng ngày và tránh tiếp xúc với những vật nuôi bị nhiễm bệnh, có thể đưa các vật nuôi đi bác sĩ thú y khám định kỳ và kiểm tra xem có nấm không. Khi có những triệu chứng kể trên của bệnh nấm da đầu, không nên tự trị bằng cách mua dầu gội, thuốc chuyên trị gàu hoặc dùng cách dân gian, như: gội chanh pha nước muối, bia, dầu dừa, đu đủ, lá sả, bồ kết... do hiệu quả thường kém. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và luôn nâng cao sức đề kháng cho cơ thể cũng là một trong những cách phòng bệnh.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI