Năm 2025, tỉnh An Giang phấn đấu trồng khoảng 3,1 triệu cây xanh

03/02/2025 - 20:03

PNO - Chiều 3/2, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, với chủ đề “Trồng cây để phòng chống sạt lở kênh, đê năm 2025”.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng khẳng định: “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, đã trở thành truyền thống, một nét đẹp văn hóa, phong trào quần chúng sâu rộng… mang lại lợi ích to lớn cho đất nước. Trồng cây gây rừng đã góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái; cải thiện cảnh quan, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng khẳng định:
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng - phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Duy Anh

Tại tỉnh An Giang, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã trồng trên 13,5 triệu cây lâm nghiệp phân tán các loại. Riêng năm 2024, tỉnh đã trồng trên 3,1 triệu cây; trong đó có trên 417.000 cây lâm nghiệp phân tán các loại được trồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Năm 2025, tỉnh An Giang dự kiến trồng khoảng 3,1 triệu cây; trong đó tại lễ phát động của cấp tỉnh và cấp huyện, dự kiến có trên 64.000 cây. Riêng tại TP Long Xuyên sẽ trồng khoảng 9.375 cây, gồm 9.000 cây tràm Úc và 375 cây kèn hồng, góp phần phòng chống bão, lũ, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2025, tỉnh An Giang phấn đấu trồng khoảng 3,1 triệu cây xanh, Ảnh: Duy Anh
Năm 2025, tỉnh An Giang phấn đấu trồng khoảng 3,1 triệu cây xanh, Ảnh: Duy Anh

Để triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức “Tết trồng cây, đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tăng cường quản lý bảo vệ, phát triển rừng; Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng kêu gọi các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các sở ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đến người dân về mục đích, ý nghĩa to lớn, lợi ích thiết thực của việc trồng cây, bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ bền vững môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, tổ chức trồng cây phải bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; chú trọng chọn lựa cây trồng bản địa, cây rừng đa tác dụng, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, mùa vụ trên từng địa bàn để bảo đảm cây sau khi trồng đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt, hiệu quả.

Phấn đấu thực hiện thành công đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh đề ra.

Duy Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI