Năm 2024, số ca dương tính với sởi tăng hơn 130 lần

26/12/2024 - 11:32

PNO - Năm 2024, số ca sốt phát ban nghi sởi tăng hơn 94 lần so với năm 2023 và số ca dương tính với sởi tăng hơn 130 lần so với năm 2023.

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm nhấn mạnh, sởi là bệnh đáng quan tâm hiện nay - ảnh: H.Anh

Sáng 26/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023.

Ông Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, năm 2024, số ca sốt xuất huyết ở Việt Nam là 141.100 ca (giảm 16,7%), 28 tử vong (giảm 17 trường hợp). Dù con số này giảm song theo ông Nguyễn Lương Tâm, người dân và ngành y tế vẫn không thể chủ quan, vì vẫn cao hơn giai đoạn năm 2016-2020.

Bệnh cúm mùa ghi nhận 287.548 trường hợp, 8 tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 18,6% nhưng số ca tử vong tăng 5 ca. Một số địa phương có số mắc cao như: Thanh Hoá 46.600 ca; Thái Bình 26.345 ca; Nghệ An 17.949; Hà Tĩnh 12.807, Sơn la 10.162. Thống kê cho thấy, các trường hợp tử vong do cúm chủ yếu ở người già, bệnh nền, tiểu đường, huyết áp.

Đáng lưu ý, theo báo cáo, số liệu năm 2024, số ca sốt phát ban nghi sởi là 38.364, tăng hơn 94 lần so với năm 2023 và 6.725 ca dương tính với sởi, tăng hơn 130 lần so với năm 2023. Trong đó, một số tỉnh có số mắc cao như Đồng Nai (6.360 ca), TPHCM (4.758), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405)… Cả nước đã ghi nhận 13 ca tử vong do sởi, trong đó chủ yếu là trẻ em do bệnh chồng bệnh, người già có bệnh nền. Ông Nguyễn Lương Tâm nhấn mạnh, sởi là bệnh đáng quan tâm trong thời điểm hiện nay.

Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, số liệu về bệnh dại rất “đáng suy nghĩ” với 84 trường hợp tử vong. Số ca ho gà trong năm 2024 là 1.074 ca (tăng 21,9 lần), trong đó có 1 ca tử vong. Đậu mùa khỉ có 76 trường hợp mắc rải rác tại TPHCM, các tỉnh miền Nam.

Ông Nguyễn Lương Tâm nhận định, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng, trong đó có việc tiêm vắc xin ngừa bệnh sởi, từ đó tác động tới tình hình dịch bệnh. Nguyên nhân gia tăng sởi là do miễn dịch cộng đồng không đạt yêu cầu, tỷ lệ tiêm thấp sau đại dịch. Thậm chí, có nơi, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi đạt cao nhưng số ca mắc sởi vẫn gia tăng.

“Khi tìm hiểu, chúng tôi được biết, có khó khăn trong công tác quản lý đối tượng tiêm chủng. Thống kê số trẻ tiêm chủng không sát thực tế, nhiều trẻ không được đưa đi tiêm chủng. Tại thành phố, bà mẹ vẫn “anti” (chống) vắc xin. Do đó, dịch sởi ở một số thành phố xuất hiện nhiều”, ông Nguyễn Lương Tâm nói.

Trong năm 2025, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng nhận định: sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi phải có phương án dự phòng và đáp ứng nhanh, quyết liệt.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI