Năm 2024 - năm bản lề của ngành giáo dục TPHCM

01/02/2024 - 22:06

PNO - Tại hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2023-2024 bậc trung học ngày 1/2, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh, năm 2024 là năm bản lề của ngành giáo dục.

Cụ thể, ông Nguyễn Bảo Quốc nêu rõ, năm 2024 là năm quan trọng TPHCM cùng với cả nước thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 ở các lớp học cuối cùng, cũng là năm đòi hỏi thành phố cần có nhiều sự tập trung để đổi mới từ những định hướng của Bộ GD-ĐT.

Theo ông, việc Bộ GD-ĐT có định hướng thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT chắc chắn kéo theo nhiều thay đổi của tuyển sinh đại học, thay đổi trong tuyển sinh lớp Mười cho phù hợp với chương trình mới. Dù hơn 10 năm nay TPHCM đã có nhiều thay đổi trong đề thi tuyển sinh vào lớp Mười nhưng cũng cần rà soát lại để điều chỉnh.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh, năm 2024 là năm bản lề của giáo dục thành phố
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh, năm 2024 là năm bản lề của giáo dục thành phố

Cạnh đó, công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi bậc THPT cũng cần thay đổi do bậc THCS có những môn học khác so với chương trình cũ như Khoa học tự nhiên; Lịch sử địa lý, trong khi đó lên lớp Mười lại tách ra các môn học riêng biệt.

Ngoài ra, năm 2024 được xác định là năm bản lề của giáo dục TPHCM còn là vì năm 2025 TPHCM kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó ngành giáo dục TP có nhiều đề án quan trọng chào mừng kỷ niệm: Đề án 4.500 phòng học; Xây dựng 50 trường học thông minh; Đề án đại học chia sẻ…

Đánh giá quá trình đổi mới trong học kỳ I năm học 2023-2024, ông Nguyễn Bảo Quốc thẳng thắn cho rằng việc đổi mới kiểm tra đánh giá ở các nhà trường vẫn còn theo cảm tính. Vẫn còn trường ra đề không mang nội dung Chương trình GDPT 2018, mà đề toán, lý, hoá, sinh còn theo chương trình cũ. 

Theo ông, thời điểm đầu đổi mới kiểm tra đánh giá sẽ có nhiều vướng mắc. Việc đổi mới là phải làm, nhưng nếu nóng vội quá cũng không được, mà chậm quá cũng không nên. Các ngữ liệu đưa vào đề kiểm tra cần cẩn trọng, bàn bạc trao đổi kỹ càng để tránh sai sót…

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM nêu rõ, việc đổi mới tránh quá nóng vội và quá chậm rãi
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM nêu rõ, việc đổi mới tránh quá nóng vội và quá chậm rãi

“Mặc dù kiểm tra đánh giá hiện được thực hiện theo nhiều phương pháp, hình thức nhưng không phải là để động viên chỗ này, khuyến khích chỗ kia thì tổ chức. Kiểm tra đánh giá không phải mang tính đối phó với Sở, Sở yêu cầu đề phải có ma trận đặc tả thì nộp đúng, nộp đủ nhưng không ăn nhập gì nhau. Ma trận đặc tả phải làm trước, sau đó mới xây dựng đề kiểm tra… Trong đổi mới giáo dục, vai trò của hiệu trưởng nhà trường rất quan trọng” - ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh. 

Đối với việc đổi mới, ông lưu ý bậc THPT cần lan tỏa tinh thần tất cả đội ngũ, ở cả khối công lập và tư thục. Đặc biệt, cần nghiên cứu tổ chức lớp linh hoạt trong thực hiện Chương trình GDPT 2018, bởi nếu duy trì cách làm cũ theo kiểu xây dựng cứng các nhóm môn lựa chọn thì về lâu dài sẽ rất khó khăn. Chỉ có cách tổ chức lớp linh hoạt mới có thể đảm bảo nguyện vọng của học sinh trong lựa chọn môn học lựa chọn.

Năm thứ hai liên tiếp TPHCM có thủ khoa học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh 

Tại hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2023-2024 bậc trung học, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin, năm nay TPHCM thăng hạng mạnh về kết quả trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT, từ hạng 12 năm học trước lên hạng 2 trong năm nay, với số lượng 110 giải. Năm nay cũng là năm TP được Bộ GD-ĐT cho phép tăng số lượng thí sinh dự thi trong mỗi đội tuyển lên 20 em, thay vì chỉ 10 em như trước đây. 

Nguyễn Vương Khải An- học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là thủ khoa môn tiếng Anh trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia
Nguyễn Vương Khải An - học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - là thủ khoa môn tiếng Anh trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia

Đặc biệt, 20/20 học sinh trong đội tuyển tiếng Anh của TPHCM dự thi kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đều đoạt giải. Trong đó có 4 giải nhất, 1 thủ khoa. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp TPHCM có thủ khoa môn tiếng Anh trong kỳ thi này. 

Năm nay TPHCM tiếp tục có một số trường THPT không chuyên “góp mặt” trong danh sách đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, như Trường THPT Bình Phú, Marie Curie, Nguyễn Tất Thành. 

“Việc đào tạo giáo dục mũi nhọn không chỉ là trách nhiệm trường chuyên mà là trách nhiệm của cả hệ thống giáo dục. Kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia của thành phố có thể thấy nếu các trường tự tin, chịu khó đầu tư phát hiện nhân tài học sinh để bồi dưỡng thì kết quả sẽ rất tốt. Nhân tài học sinh ở khắp mọi nơi chứ không chỉ là ở trong trường chuyên, lớp chuyên” - ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI