Những đứa trẻ tiếp nối hy vọng
Ngày 6/2/2023, một trận động đất kinh hoàng đã tàn phá miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria, khiến hơn 44.000 người thiệt mạng. Khi Afraa được tìm thấy trong đống đổ nát của tòa nhà bị sập ở Syria, dây rốn của bé gái vẫn còn dính với người mẹ đã qua đời ngay sau khi sinh con. Đoạn video giải cứu em bé khỏi đống đổ nát làm cả thế giới xúc động. Nửa năm sau, bé Afraa lớn lên khỏe mạnh, vui vẻ.
|
Hasan (15 tuổi) và em họ Aws tại nhà người chú ruột ở TP Aleppo, Syria - Nguồn ảnh: UNICEF |
Gia đình người cô ruột của Afraa đã đưa cô bé về ở cùng với 7 đứa con của họ ở thị trấn Jindayris, Syria, cách không xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Khalil al-Sawadi - dượng của bé - nói trong khi đung đưa đứa trẻ trên chiếc nôi treo: “Con bé vẫn còn rất nhỏ, nhưng nó làm tôi nhớ đến anh vợ và cháu gái Nawara. Cả hai đã qua đời trong trận động đất”.
Bé Afraa là thành viên duy nhất trong gia đình sống sót. Khi Afraa nằm viện, hàng ngàn người trên khắp thế giới đã đề nghị nhận nuôi cô bé, vì vậy anh Khalil và vợ Hala phải chứng minh họ thực sự có quan hệ họ hàng với nhau để được phép chăm sóc đứa trẻ.
Tương tự Afraa, nhiều trẻ em đã mất gia đình trong trận động đất. Hasan - một thiếu niên 15 tuổi sống cùng gia đình ở Aleppo đã mất mẹ, cha dượng và các chị gái trong thảm họa. Hasan nhớ lại: “Tôi nằm dưới đống đổ nát, không hề biết rằng cuộc đời mình đã thay đổi mãi mãi. Tôi không nhìn thấy gì nhưng có thể nghe thấy tiếng nói và kêu cứu qua một cái lỗ nhỏ”.
Việc học của Hasan là ưu tiên hàng đầu của mẹ cậu bé. Năm 2022, người mẹ đã đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ tiền mặt của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) dành cho các gia đình có trẻ em dễ bị tổn thương. Sau trận động đất, Hasan được gia đình người chú nhận nuôi và vẫn đủ điều kiện nhận khoản hỗ trợ từ UNICEF. Giống như nhiều trẻ em ở Syria, việc học của Hasan bị gián đoạn do động đất. Cậu bé cũng bị chấn thương nặng ở cánh tay và chân.
Dù vậy, không gì có thể ngăn cản Hasan tự học ở nhà và tham dự tất cả các kỳ thi. Cậu thổ lộ: “Mong ước cuối cùng của mẹ là cho tôi học hết lớp Chín. Tôi đã biến ước mơ của mẹ thành hiện thực. Tôi cũng hoàn thành lời hứa với chị gái Rama, người thường dạy kèm và khuyến khích tôi học tập. Chị ấy hẳn phải rất tự hào về việc tôi đã vượt qua các kỳ thi”. Hasan cho biết mình rất muốn học để trở thành bác sĩ trong tương lai.
Sự sống hồi sinh sau biển lửa
Charles Nahale là một trong số nhiều người mất nhà cửa trong trận cháy rừng kinh hoàng khiến ít nhất 99 người thiệt mạng tại Hawaii, Mỹ. Ngọn lửa lan rộng khắp đảo Maui vào đầu tháng Tám đã phá hủy hàng ngàn tòa nhà và để lại cho người dân vô số khó khăn về nhà ở, chi phí sinh hoạt. Ông Nahale gọi đây là “làn sóng thảm họa nhân đạo thứ hai”.
|
Ông Charles Nahale cho biết âm nhạc giúp ông đối mặt với những khó khăn sau trận cháy rừng ở đảo Maui - Nguồn ảnh: AP |
Cây đàn guitar là tài sản duy nhất mà ông có thể đem đi trước khi nhà ông bốc cháy. Người nhạc công đồng thời là người chuyên tổ chức đám cưới ở Hawaii ngân nga một bài hát do người bạn quá cố - nhạc sĩ nổi tiếng người Hawaii Roland Cazimero - viết: “Hãy cẩn thận trước thế giới ngoài kia. Cẩn thận kẻo nỗi sợ giữ chân bạn khỏi những con đường thú vị chưa biết đến”. Ông Nahale chia sẻ: “Âm nhạc có thể giúp chữa lành”.
Gia đình của anh Miguel Ceballosm đã phải dời nơi ở 8 lần theo chương trình tạm trú của Hội Chữ thập đỏ. Họ từng dừng chân tại nhiều khu nghỉ dưỡng khác nhau ở phía tây Maui. Miguel và vợ nghĩ ra một số giải pháp để giúp gia đình thích nghi với cuộc sống mới. Họ hướng dẫn bọn trẻ không soạn hết vali sau mỗi lần chuyển nhà, để chúng đỡ cảm thấy gắn bó với nơi ở mới.
Anh Miguel chia sẻ: “Chúng tôi nói với các con rằng cả gia đình đang tham gia một cuộc phiêu lưu. Chúng tôi không biết khi nào mình sẽ rời đi, nhưng vẫn luôn sẵn sàng cho những điều mới mẻ”. Lahaina - một thị trấn lịch sử ở Maui - bắt đầu mở cửa trở lại cho người dân, du khách và doanh nghiệp vào tháng 12/2023 sau khoảng thời gian tái thiết. Ngay trung tâm thị trấn, cây đa 150 tuổi - “chứng nhân” lịch sử của hòn đảo - tiếp tục đâm chồi. Các quan chức bang hy vọng hòn đảo sẽ sớm hồi phục nhờ nguồn thu từ du lịch.
Những nhân viên y tế quên mình
Kể từ khi cuộc chiến giữa quân đội Israel và nhóm vũ trang Hamas diễn ra vào ngày 7/10, những nhân viên y tế, cứu hộ trở thành người bảo hộ sinh mạng cho sự sống của hàng triệu thường dân tại dải Gaza. Họ sẵn sàng đánh cược tính mạng của bản thân để bám trụ nơi nguy hiểm, cố gắng giúp đỡ nhiều nạn nhân nhất có thể trong khi kêu gọi một lệnh ngừng bắn và chờ đợi những chuyến hàng cứu trợ. Gaza - dải đất hẹp chỉ rộng 11km và dài 40km - là nơi sinh sống của 2,3 triệu người.
|
Một bác sĩ của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) an ủi một cậu bé bị thương ở Gaza - Nguồn ảnh: ICRC |
Cơ quan y tế Palestine ước tính ít nhất 19.453 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu và hơn 1,9 triệu người phải di tản. Các tổ chức nhân đạo cảnh báo về việc nhân viên y tế thiệt mạng khi bom đạn tiếp tục rơi xuống quanh khu vực bệnh viện và những đoàn xe cứu thương. Tiến sĩ Osaid Alser tại Trung tâm Khoa học y tế Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) tiết lộ, anh quen biết khoảng một nửa số bác sĩ và nhân viên y tế thiệt mạng trong cuộc chiến ở Gaza. Lớn lên ở TP Gaza, bác sĩ Alser và anh trai đã đưa ra một sáng kiến theo dõi số lượng nhân viên y tế thiệt mạng. Cho đến trung tuần tháng Mười hai, họ ghi nhận đã có 104 bác sĩ, 87 y tá và 87 nhân viên y tế khác thiệt mạng.
Vào tháng Mười một, Hiệp hội Y tế công cộng Mỹ (APHA) đã đưa ra lời kêu gọi chính quyền Mỹ ủng hộ lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại dải Gaza. Các liên đoàn lao động của nhân viên chăm sóc sức khỏe và các nhóm vận động cũng kêu gọi lệnh ngừng bắn. Avril Benoît - Giám đốc điều hành Tổ chức Bác sĩ không biên giới tại Mỹ - cho biết: “Việc tăng cường quy mô các hoạt động ứng phó nhân đạo ở Gaza cần diễn ra ngay lập tức. Ngày càng có nhiều quốc gia thừa nhận rằng lệnh ngừng bắn là không thể thiếu để giải quyết thảm họa nhân đạo ở Gaza”.
Linh La (tổng hợp)