Năm 2023, thị trường bất động sản diễn biến ra sao?

07/01/2023 - 12:24

PNO - Sau 1 năm gặp nhiều khó khăn về nguồn cung, sức tiêu thụ, vốn tín dụng, thị trường bất động sản sẽ ra sao trong năm 2023?

Chờ chính sách mới 

Theo báo cáo mới nhất của Công ty Dịch vụ bất động sản (BĐS) toàn cầu Cushman & Wakefield, việc Chính phủ rà soát lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát chặt tín dụng cho BĐS đã phần nào tạo nên tâm lý dè chừng của cả bên mua lẫn bên bán. Trong quý IV/2022, thị trường TPHCM chỉ có gần 1.100 căn hộ được mở bán mới, giảm 74% so với lượng mở bán mới của quý trước và chỉ chiếm 6,5% tổng nguồn cung cả năm 2022.

Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam - nhận định, việc kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực BĐS và vướng mắc pháp lý đã tạo áp lực lên thị trường. Do đó, cả bên mua và bên đầu tư dự án BĐS đều có xu hướng chờ xem chính sách mới trước khi đưa quyết định.
Cũng theo bà Trang Bùi, do quỹ đất hạn chế và khó khăn trong việc huy động nguồn vốn, trong năm 2023, nguồn cung sản phẩm BĐS mới ở TPHCM dự kiến sẽ giảm hơn 900 căn (giảm 27%) so với năm 2022. So với những dự án trước, hầu hết dự án mới đều có nhiều tiện ích hơn, gồm cơ sở hạ tầng ngoại khu và nội khu hoàn thiện, chú trọng khâu thiết kế. 

“Nhìn chung, nguồn cung sản phẩm BĐS mới tiếp tục dịch chuyển ra các khu vực ngoài trung tâm thành phố. Khách hàng cũng có xu hướng mua để ở nhiều hơn chứ không chỉ mua để bán lại kiếm lời như trước. Các dự án có tính pháp lý rõ ràng, có tiến độ thanh toán linh hoạt sẽ thu hút được khách hàng” - bà Trang Bùi dự báo xu hướng của thị trường BĐS năm 2023.

Giới chuyên môn dự báo trong năm 2023, người mua nhà để ở có nhiều cơ hội để sở hữu nhà  (trong ảnh: Khách mua nhà tìm hiểu một dự án mở bán ở Bình Dương hồi giữa năm 2022) - ẢNH: B.T
Giới chuyên môn dự báo trong năm 2023, người mua nhà để ở có nhiều cơ hội để sở hữu nhà (trong ảnh: Khách mua nhà tìm hiểu một dự án mở bán ở Bình Dương hồi giữa năm 2022) - Ảnh: B.T

Trong hội nghị về BĐS mới đây, ông Lê Đình Hảo - Giám đốc khối kinh doanh của sàn Batdongsan.com.vn - cho rằng, có thể 1 năm nữa, thị trường BĐS mới khởi sắc trở lại. Còn hiện tại, các nút thắt về chính sách vĩ mô vẫn chưa được tháo gỡ, mọi người vẫn đang chờ chính sách mới về tín dụng, lãi suất… Trong bối cảnh giao dịch trầm lắng như hiện tại, những sản phẩm đầu tư mang tính mạo hiểm sẽ ít được quan tâm, nhà đầu tư tìm đến những sản phẩm có giá trị thực, khả năng giao dịch tốt hơn. Người mua BĐS sẽ cơ cấu lại danh mục đầu tư, lo đảm bảo an toàn cho dòng tiền trước, mới tính đến việc sinh lời.

Cũng theo ông Lê Đình Hảo, TPHCM đang triển khai kế hoạch xây 1 triệu căn nhà giá rẻ nhằm góp phần an cư cho người lao động; trong đó, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng được hơn 35.000 căn nhà ở xã hội. Do đó, trong năm 2023, các dự án nhà ở giá rẻ sẽ xuất hiện nhiều hơn. 

Phải giảm giá sâu, mới bán được nhà, đất

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM - nhận định, trong năm 2022, do thị trường trầm lắng kéo dài nên nhà đầu tư dự án BĐS hầu như không gồng nổi. Ông dự báo, đến khoảng quý III/2023, giao dịch BĐS mới khởi sắc nhưng bên bán phải chấp nhận giảm giá sâu. Hiện nay, các vướng mắc pháp lý đối với nhiều dự án BĐS vẫn chưa được tháo gỡ, không có sản phẩm cho thị trường, không có dòng tiền nên giá BĐS vẫn còn cao. Các doanh nghiệp BĐS đang thiếu nợ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nên sẽ chuyển sang phương án cấn nợ, giao hàng tồn kho cho chủ nợ, chủ trái phiếu với mức chiết khấu cao hoặc hợp tác với ngân hàng để xử lý, tránh nợ xấu. 

Cơ hội cho người mua nhà để ở 

Theo khảo sát về tâm lý người tiêu dùng BĐS Việt Nam của Batdongsan.com.vn, trong năm 2022, 70% hộ có thu nhập 40-70 triệu đồng/tháng vẫn muốn mua thêm ít nhất 1 sản phẩm BĐS. Gần một nửa số người chưa có nhà cho biết, sẽ mua BĐS trong vòng 1 năm tới; số người đã sở hữu từ 1 BĐS trở lên muốn mua thêm BĐS còn nhiều hơn. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 79% người đang có 2 BĐS nói sẽ mua thêm BĐS, 87% người đang làm chủ 3 BĐS nói sẽ mua thêm BĐS trong tương lai gần.

Như vậy, nhu cầu mua nhà, đất để ở và đầu tư của người dân vẫn ở mức cao. Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam - cho biết, nhóm khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở (không mua để kinh doanh) đang tìm kiếm cơ hội để sở hữu nhà: “Nắm bắt nhu cầu này, nhiều chủ đầu tư đã xem lại chính sách bán hàng, tập trung phục vụ nhóm khách hàng mua nhà để ở. Tuy nhiên, để bán được nhà cho người có nhu cầu mua để ở, giá BĐS cần giảm tiếp”.

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng, thị trường BĐS năm 2022 quá trầm lắng. Để thị trường sôi động trở lại, năm 2023, các chủ đầu tư phải định vị lại để đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực, kéo dài thời gian thanh toán để người mua giảm áp lực tài chính và tiếp tục đưa ra các chính sách chiết khấu, giảm giá, khuyến mãi phù hợp để giải quyết lượng BĐS tồn kho. 

Theo ông, năm 2023, một số doanh nghiệp sẽ đi theo định hướng của Chính phủ, phát triển dòng sản phẩm nhà ở dành cho người có thu nhập thấp nên cung cầu sẽ gặp nhau nhiều hơn so với năm 2022. Trong năm 2023, phân khúc đất nền và nhà phố vẫn được quan tâm, phân khúc nhà vườn nghỉ dưỡng cũng được yêu thích. Những sản phẩm BĐS trung cấp, cao cấp sẽ chững lại, BĐS nghỉ dưỡng cao cấp và xa trung tâm sẽ thoái trào, lượng giao dịch giảm. 
“Thị trường BĐS như hiện nay là cơ hội cho người có nhu cầu mua nhà ở thực. Riêng nhà đầu tư nên lưu ý là thị trường chưa chắc sẽ sớm sôi động lại như xưa mà chỉ ấm dần” - ông Trần Khánh Quang nhận định. 

Nên cho mở quỹ tín thác bất động sản

Ông David Jackson - Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ quản lý BĐS Colliers Việt Nam - cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam vẫn thuộc nhóm hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á nhờ các yếu tố gồm: tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng được cải thiện, nhu cầu mua cao trong khi nguồn cung hạn chế. Do đó, tùy phân khúc và vị trí địa lý, thị trường sẽ ổn định trở lại từ giữa năm 2023 trở đi. Trong quý I và II năm 2023, giao dịch có thể tiếp tục trầm lắng do dòng tiền chưa được khơi thông khi lãi suất ngân hàng chưa hạ nhiệt và các kênh huy động vốn của doanh nghiệp tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ. 

Để thị trường BĐS Việt Nam phát triển bền vững, hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, ông David Jackson cho rằng, cần có những kiến giải rõ ràng, nhất quán về các quy định pháp luật liên quan đến BĐS và hoạt động kinh doanh BĐS để các nhà đầu tư hiểu đúng và đủ, góp phần kéo giảm chi phí làm thủ tục pháp lý. Ông đề xuất, nên cân nhắc mở cửa cho các kênh đầu tư mới, chẳng hạn như quỹ tín thác BĐS (REIT), giúp nới lỏng nút thắt về vốn. Tuy nhiên, cần có khuôn khổ pháp lý và các quy định về thuế để đảm bảo hiệu quả hoạt động của REIT. Bên cạnh đó, cần cải thiện tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ và sản phẩm BĐS, tích hợp các công nghệ thông minh để nâng cao độ trải nghiệm của khách hàng.

Chúng tôi mong giá nhà giảm

Chị Lê Thị Bích Kim (ngụ quận 12, TPHCM) chia sẻ, gia đình chị lập nghiệp ở TPHCM đã gần 10 năm, dành dụm được khoảng 1,5 tỉ đồng. Chị muốn vay thêm khoảng 1 tỉ đồng để mua 1 căn hộ 62m2 để gia đình an cư, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể mua được nhà. “Giá nhà thì ngày càng tăng, cộng với lãi suất vay mua nhà quá cao hiện nay, vợ chồng tôi không thể gồng nổi. Con gái cũng chuẩn bị vào lớp Một nên tôi muốn mua 1 căn hộ gần trung tâm để con tiện học hành nhưng với giá nhà hiện nay thì khó có thể với được. Giờ thì vợ chồng tôi đành chờ năm 2023 xem giá nhà có hạ chút nào không” - chị Kim cho biết. 

Anh Nguyễn Văn Thương (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư đưa ra rất nhiều chương trình chiết khấu, khuyến mãi, ân hạn nợ…, vợ chồng tôi cũng rất muốn mua 1 căn hộ. Tuy nhiên, yêu cầu thanh toán trước quá cao, ngân hàng hiện nay hạn chế cho vay BĐS nên hồ sơ vay rất khó, lãi suất lại cao. “Tại TPHCM hầu như không còn căn hộ dưới 2 tỉ đồng gần trung tâm, thậm chí căn hộ 2,5 tỉ đồng cũng tìm “đỏ mắt”. Hy vọng năm 2023, với sự hỗ trợ của Chính phủ, giá nhà sẽ giảm giúp người dân thu nhập thấp mua được nhà” - anh Thương tâm sự. 

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI