Năm 2023, cứ 23 người thì có 1 người cần cứu trợ nhân đạo

01/12/2022 - 16:17

PNO - Theo Liên hợp quốc (LHQ), sẽ cần một quỹ cứu trợ toàn cầu trị giá kỷ lục 51,5 tỷ USD để hỗ trợ 339 triệu người đang phải gánh chịu hậu quả do các sự kiện cực đoan của năm 2022 để lại.

LHQ cho biết, số người cần cứu trợ nhân đạo đã tăng gần 1/4 trong năm qua, do khủng hoảng khí hậu, cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu lớn nhất trong lịch sử hiện đại đẩy hàng triệu người đến bờ vực. 

Ông Martin Griffiths, Phó tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo của LHQ, cho biết con số kỷ lục 339 triệu người (tăng 65 triệu so với năm ngoái) sẽ phải chịu đựng trong năm tới do hậu quả của “các sự kiện cực đoan” của năm 2022 và cần được hỗ trợ khẩn cấp.

LHQ và các cơ quan đối tác đang đề nghị các nhà tài trợ tài trợ 51,5 tỷ USD để nỗ lực hạn chế tình trạng này. 

Người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nhận viện trợ ở Sehwan, Pakistan. Trận lụt được Liên Hợp Quốc mô tả là 'gió mùa trên steroid'. Ảnh: Rehan Khan/EPA
Người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nhận viện trợ ở Sehwan, Pakistan 

Hôm 30/11, khi trình bày tổng quan về nhân đạo toàn cầu (GHO) năm 2023, Griffiths cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, năm 2023 sẽ tiếp tục duy trì những xu hướng này, đặc biệt là trong khủng hoảng khí hậu". Ông nói thêm, 339 triệu – hay cứ 23 người trên thế giới thì có một người – là con số khổng lồ và đáng buồn.

Những người dự kiến ​​cần được hỗ trợ trải rộng trên 68 quốc gia, bao gồm Afghanistan, Syria, Yemen, Ukraine, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo và Somalia, những quốc gia đang mấp mé trên bờ vực của nạn đói.

LHQ và các đối tác mong muốn có thể tiếp cận được 230 triệu người có nhu cầu, với hy vọng rằng các tổ chức khác và các nhà tài trợ song phương sẽ chi trả cho 109 triệu người còn lại. 

Trong GHO, LHQ cảnh báo có ít nhất 222 triệu người ở 53 quốc gia sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng vào cuối năm nay và 45 triệu người ở 37 quốc gia có nguy cơ chết đói. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng y tế công cộng đang chịu áp lực do mối đe dọa liên tục từ COVID-19 cũng như sự bùng phát trở lại của bệnh tả và các bệnh khác. “Đối với những người đang trên bờ vực, lời kêu gọi này là cứu cánh. Đối với cộng đồng quốc tế, đây là một chiến lược nhằm thực hiện cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông Griffiths nói.

Trọng Trí (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI