Năm 2022, tiền tác quyền âm nhạc thu hơn 255 tỷ đồng

30/12/2022 - 18:33

PNO - Trong đó, nguồn thu từ một số lĩnh vực tăng mạnh, nhưng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vẫn gặp khó trong việc thu triệt để.

 

Nguồn thu tác quyền từ lĩnh vực biểu diễn tăng
Nguồn thu tác quyền từ lĩnh vực biểu diễn tăng 371%

Trong số hơn 255,8 tỷ đồng này, nguồn thu lớn nhất đến từ các website, ứng dụng nghe nhạc với hơn 188,3 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2021.

Lĩnh vực biểu diễn và sử dụng nhạc nền (tại nhà hàng, khách sạn, siêu thị, quán cà phê, bar, karaoke...) tuy nguồn thu thấp hơn nhưng lại có tốc độ tăng trưởng mạnh. Con số tương ứng ở 2 lĩnh vực này là: hơn 5,549 tỷ đồng (tăng 371%) và hơn 16,985 tỷ đồng (tăng 228%).

Tiền bản quyền nhận từ quốc tế tăng hơn 6,695 tỷ đồng. 2 lĩnh vực có nguồn thu giảm là phát sóng (đài phát thanh - truyền hình, truyền hình cáp, truyền hình trực tuyến) và media (nhạc chuông, nhạc chờ), với con số tương ứng là hơn 4,449 tỷ đồng (giảm 50%), hơn 4,293 tỷ đồng (giảm 14%).

Trong năm 2022, VCPMC dã chi trả, phân phối 4 kỳ đến các chủ sở hữu quyền tác giả là hơn 160,619 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền phân phối vào quý IV/2022 cho các tác giả (dự kiến vào tháng 1/2023) là 91,5 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, việc thu tiền tác quyền cũng có nhiều khó khăn. Trong lĩnh vực biểu diễn, nguồn thu đã khôi phục sau dịch COVID-19, nhưng nhiều show diễn cố ý không trả tiền tác quyền. Nhiều đơn vị lợi dụng truyền thông để phản đối việc trả tiền, kháng cáo bản án mà tòa án đã xét xử.

Nguồn thu tác quyền từ phát sóng, giảm đến 50% trong năm 2022 (ảnh minh họa)
Nguồn thu tác quyền từ phát sóng, giảm đến 50% trong năm 2022 (ảnh minh họa)

Nguồn thu từ các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, cà phê, khách sạn) cũng gặp khó do nhiều đơn vị sử dụng cố tình tránh né nghĩa vụ trả tiền theo chiêu thức đẩy trách nhiệm pháp lý cho công ty kinh doanh/phân phối bản ghi, cố tình vận dụng sai quy định pháp luật. VCPMC đã đưa một số trường hợp xâm phạm bản quyền ra tòa án để giải quyết.

Trong lĩnh vực phát thanh truyền hình, nhiều đài vẫn trì hoãn viêc trả tiền sử dụng tác phẩm với nhiều lý do, trong đó có lý do chưa đạt được thỏa thuận dù VCPMC kiên trì thuyết phục, linh hoạt đàm phán. Một số vụ việc phải đưa ra tòa án giải quyết. Nhiều đơn vị truyền hình trả tiền không có thiện chí trả tiền bản quyền. 

Trong tổng số 30 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng mà VCPMC tiến hành, hiện đã giải quyết xong 14 vụ. 

Bên cạnh đó, VCPMC tăng cường nhân sự, các biện pháp kỹ thuật, làm việc với các đối tác quốc tế... để truy thu các nguồn tiền tác quyền tồn đọng từ các năm trước ở các đơn vị sử dụng trực tuyến (2018 - 2021) là hơn 260 tỷ đồng.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI