Năm 2022, SAIGONBANK đạt lợi nhuận trước thuế 237 tỉ đồng, tỉ lệ bao phủ nợ xấu đạt 153%

20/01/2023 - 08:08

PNO - Đây là thành quả nhờ chiến lược chủ động kinh doanh an toàn và phát triển bền vững. Bằng nhiều giải pháp linh hoạt và chủ động, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SAIGONBANK) tiếp tục khẳng định sự phát triển lành mạnh, bền vững. Kết quả kinh doanh năm 2022 với các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt và vượt mức Đại hội đồng cổ đông giao, lợi nhuận tăng 54% so với năm 2021.

Kết quả kinh doanh vượt trội, kiểm soát tốt chi phí

Năm 2022, mặc dù thị trường có nhiều khó khăn nhưng SAIGONBANK vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu do Đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 237 tỉ đồng, đạt 125% kế hoạch cả năm, dư nợ cấp tín dụng tăng 14,93%, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 13,22% so với năm 2021.

Với nền tảng tài chính vững chắc, quản trị rủi ro tốt, quan tâm hỗ trợ về vốn, về lãi suất, về phí dịch vụ giúp người dân ổn định cuộc sống, giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở tăng trưởng tín dụng lành mạnh, SAIGONBANK đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng 17%, cao hơn hẳn những năm vừa qua.

Trong năm 2022, ngân hàng đã triển khai thêm nhiều sản phẩm dịch vụ thanh toán, tiết kiệm trực tuyến trên nền tảng ứng dụng SAIGONBANK Smart banking; ứng dụng công nghệ QR code vào chức năng rút tiền ATM, triển khai thanh toán một chạm vé xe Vinbus... Đặc biệt, SAIGONBANK đã triển khai thu ngân sách Nhà nước qua ứng dụng SAIGONBANK Pay, mở rộng phạm vi giao dịch chủ thẻ SAIGONBANK tại các nước châu Á (Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Lào).

Tổng thu nhập hoạt động của SAIGONBANK đạt 1.055 tỉ đồng, tăng 20% so với năm trước. Trong đó, thu nhập từ lãi thuần hơn 875 tỉ đồng, tăng 49% so với năm trước. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh dịch vụ của SAIGONBANK cũng tăng trưởng mạnh (38%).

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SAIGONBANK) tiếp tục khẳng định sự phát triển lành mạnh, bền vững
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SAIGONBANK) tiếp tục khẳng định sự phát triển lành mạnh, bền vững

SAIGONBANK cũng quan tâm đến việc cắt giảm chi phí theo chủ trương của NHNN và Chính phủ. Tình hình chung của hoạt động ngành ngân hàng trong năm 2022 là phải trích chi phí dự phòng tăng mạnh so với năm 2021, biên lợi nhuận từ hoạt động tín dụng (NIM) giảm đáng kể do ngân hàng áp dụng nhiều chính sách ưu đãi lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, chi phí vốn cũng tăng mạnh ảnh hưởng bởi lãi suất huy động vốn tăng cao vào cuối năm.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng SAIGONBANK đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, nâng cao năng suất lao động, cắt giảm chi phí, áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu nhập. Đây là những nguyên nhân chính giúp lợi nhuận của SAIGONBANK tăng trưởng bền vững.

Đảm bảo các t lệ an toàn, kiểm soát tốt chất lượng tài sản

Các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản được SAIGONBANK quản lý và tuân thủ rất chặt chẽ. Tỉ lệ an toàn vốn (CAR) 15,06%, tỉ lệ cho vay so với tổng tiền gửi chiếm 77,21% đáp ứng đúng quy định của NHNN.

Trong quý IV/2022, nhằm gia tăng dự trữ thanh khoản, SAIGONBANK đã đầu tư thêm 1.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ dẫn đến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 450 tỉ đồng. Đây là kết quả của dòng tiền tài chính lành mạnh, đảm bảo an toàn thanh khoản cho ngân hàng trong bối cảnh huy động vốn có sự cạnh tranh gay gắt vào những tháng cuối năm 2022.

Năm 2022, những áp lực đè nặng lên nền kinh tế thế giới như đứt gãy chuỗi cung ứng, cuộc xung đột Nga - Ukraine, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vận chuyển gia tăng, nhất là lạm phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với việc cắt giảm đơn hàng và chi phí sản xuất tăng cao. Mặc dù SAIGONBANK đã tích cực đồng hành, áp dụng nhiều biện pháp như giảm phí dịch vụ, lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ theo quy định của NHNN để hỗ trợ khách hàng nhưng hoạt động kinh doanh của một số ít khách hàng vẫn còn nhiều khó khăn, dẫn đến chậm trả nợ gốc và lãi làm gia tăng nợ xấu.

Tuy vậy, tỉ lệ nợ xấu được SAIGONBANK kiểm soát xoay quanh mức 2% tổng dư nợ với số tuyệt đối chỉ 398 tỉ đồng, tăng 0,12 điểm %. Các khoản nợ xấu được SAIGONBANK phân loại đúng, thực hiện trích lập dự phòng đúng quy định, với tỉ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức 153%. Đây là bộ đệm an toàn để SAIGONBANK sẵn sàng ứng phó với biến động (nếu có) liên quan đến các khoản nợ xấu. Đồng thời, tất cả các khoản nợ tại SAIGONBANK đều có tài sản bảo đảm đầy đủ, đảm bảo đủ thu hồi được vốn vay. Do đó, các chỉ số an toàn hoạt động cũng như lợi nhuận ngân hàng không bị ảnh hưởng.

Với kết quả đạt được trong năm 2022, năm 2023, hoạt động kinh doanh của SAIGONBANK hứa hẹn sẽ tăng trưởng vượt bậc.

Châu Khoa

Nguồn: SAIGONBANK

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI