PNO - Năm 2021 - năm mà TP.HCM trải qua đợt dịch COVID-19 nặng nề, gây thiệt hại lớn về nhiều mặt, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh - sắp qua. Báo Phụ Nữ TP.HCM đã ghi nhận những chia sẻ của các doanh nhân về những kế hoạch, kỳ vọng trong năm mới 2022.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel: Khó khăn gấp đôi, cơ hội cũng gấp đôi
Dịch bệnh đã làm thay đổi toàn bộ kế hoạch kinh doanh không chỉ của Vietravel mà của toàn ngành du lịch. Vietravel đã đề ra các mục tiêu, kế hoạch rất cụ thể cho năm 2022, trong đó tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp (DN), điều chỉnh lại hệ thống sản phẩm cho phù hợp hơn với tình hình mới bởi thị trường, xu hướng du lịch đều thay đổi. Tuy nhiên, tôi cho rằng, để vực dậy ngành du lịch và ngành hàng không trong năm 2022, cần giải quyết một vài điểm nghẽn. Chẳng hạn, phải có sự đồng bộ trong chính sách từ Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương.
Hiện tại, tỷ lệ tiêm vắc-xin đã cao, thậm chí TPHCM sẽ hoàn thành tiêm mũi thứ ba cho người dân trước tết Nguyên đán 2022. Chúng ta nói nhiều về việc sống chung, thích ứng linh hoạt với COVID-19 nhưng việc tuyên truyền về số ca nhiễm tăng mỗi ngày khiến người dân vô cùng sợ hãi dịch bệnh. Số ca nhiễm không thể hiện được bản chất thực của dịch bệnh. Bản chất của dịch bệnh nằm ở hai yếu tố tăng và hai yếu tố giảm: tăng là tăng số người tiêm vắc-xin, tăng số người được chữa khỏi; giảm là giảm số ca chuyển nặng và giảm số người chết. Còn số ca nhiễm là chuyện bình thường, vì đã sống thích ứng nên cần xem nó như các bệnh bình thường khác. Vấn đề hiện nay là chúng ta cần giải quyết được tâm lý cho người dân. Để làm được điều này, về mặt truyền thông, nên hạn chế nhấn mạnh bao nhiêu ca nhiễm mới trong một ngày mà thay vào đó, nên nhấn mạnh bao nhiêu người khỏi bệnh, bao nhiêu người đã tiêm, số người chết giảm bao nhiêu. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 nhằm từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội trong trạng thái “bình thường mới”.
Tuy nhiên, hiện nay, các chính sách về du lịch và chính sách về chống dịch chưa có sự đồng bộ. Muốn khôi phục ngành du lịch, ngoài giao thông, cần sự mở cửa hệ thống dịch vụ. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, chỉ cần một khâu gián đoạn thì du lịch sẽ bị gãy, đổ ngay lập tức. Chúng ta nói đi Phú Quốc, mở cửa ngành hàng không, cho đi lại nhưng hệ thống dịch vụ hạ tầng của Phú Quốc không mở thì khách đến đó chỉ ngồi trong khách sạn. Mục đích của việc du lịch là thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm và tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ tại địa phương. Do đó, phải mở cửa đồng bộ các ngành liên quan như giao thông, hạ tầng dịch vụ, đồng thời phải giải quyết được vấn đề tâm lý của người dân.
Khác với tất cả các hãng du lịch khác, Vietravel có hãng hàng không (Vietravel Airlines) riêng. Vietravel Airlines cũng khác các hãng hàng không khác ở chỗ có Vietravel. Khi dịch bệnh làm dừng tất cả hoạt động xã hội thì thiệt hại của Vietravel gấp đôi so với các đơn vị khác, nhưng khi thời cơ trở lại thì đây chính là thế mạnh của chúng tôi. Chúng tôi có lợi thế trong việc nghiên cứu, tổ chức phát động thị trường và khai thác thị trường trong khi các hãng hàng không khác phải tìm một công ty du lịch để làm chuyện này. Cho nên chúng tôi cho rằng, khó khăn gấp đôi nhưng thuận lợi cũng gấp đôi, phải nhìn ra được cơ hội để xây dựng được sản phẩm phù hợp và những bước đi phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Thu Trinh - Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food: Linh hoạt để phát triển bền vững
Dịch bệnh vẫn phức tạp trong năm 2022 và thách thức sẽ còn rất lớn với DN. Trải qua những ngày tháng cam go nhất, DN đã nhìn thấy bài học lớn nhất là “linh hoạt để phát triển bền vững”. Linh hoạt là từ khóa của năm để chúng tôi củng cố nội lực, ứng biến nhanh chóng theo những tác động bên ngoài và vững tin phát triển trong mọi hoàn cảnh. Sài Gòn Food sẽ phải thích ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn, nắm bắt nhu cầu thị trường nhạy hơn để đáp ứng đúng và kịp thời.
Dù kinh tế chưa thật sự khởi sắc, chúng tôi vẫn đưa ra mục tiêu doanh số năm 2020 là 3.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021. Để đạt được mục tiêu, công ty sẽ tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới phù hợp với sự thay đổi của nhu cầu thị trường, mối quan tâm của người tiêu dùng. Vẫn là những sản phẩm hướng đến bữa ăn thiết yếu của người Việt như cơm, canh, bún, phở, mì, hủ tíu... nhưng chúng sẽ được làm mới ngay từ những ngày đầu năm Nhâm Dần. Đồng thời, công ty sẽ tập trung quản trị rủi ro. Chúng tôi sẽ chuẩn bị những kịch bản ứng phó trong tình hình mới để trong trường hợp xấu nhất là dịch tái bùng phát, chúng tôi vẫn có thể hoạt động và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Mặt khác, chúng tôi nhận ra rằng, việc hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất, ứng dụng các phần mềm quản lý từ xa đã giúp chúng tôi xử lý được các công việc một cách hiệu quả mặc dù làm việc tại nhà. Đây cũng sẽ là hướng đầu tư của chúng tôi trong năm mới.
Bà Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt: Đặt mục tiêu tăng doanh số gấp ba
Đại dịch vẫn tiếp diễn, điều này làm giảm đi rất nhiều cơ hội kinh doanh trong năm 2022 khi phần lớn người tiêu dùng vẫn sẽ thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, giá vận chuyển hàng hóa cả trong nước và quốc tế đều tăng rất cao và chưa có dấu hiệu dừng lại, làm ảnh hưởng tới chính sách giá cả sản phẩm. Chưa kể, DN phải gánh thêm các chi phí để phòng, chống dịch.
Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng chúng tôi xác định phải thích ứng rất nhanh. Năm qua, chúng tôi đã chuyển 1/2 sản lượng tiêu thụ qua kinh doanh online nên năm 2022, cơ hội phát triển vẫn có nhiều. Công ty tiếp tục mở rộng kinh doanh và tăng cường quảng bá đa kênh, không phụ thuộc quá nhiều vào một kênh phân phối nào. Một trong những lợi thế là Thiên Nhiên Việt hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm sạch và sản phẩm có uy tín cao trên thị trường nên vẫn được người tiêu dùng đón nhận, tần suất quay lại mua hàng rất cao. Công ty chúng tôi đã chuẩn bị những gì tốt nhất về nhân lực và vật lực để năm 2022 là một năm bùng nổ phát triển. Chúng tôi hy vọng năm 2022, đại dịch COVID-19 giảm bớt và đây sẽ là một năm thành công rực rỡ với mục tiêu doanh số tăng gấp ba lần so với năm 2021.
Trong năm 2021, chúng tôi không để cho bất kỳ nhân viên nào phải bị mất việc. Chúng tôi cố gắng giữ nguyên mức thu nhập hiện tại và vẫn có thưởng năm, thưởng tết cho anh chị em. Với mục tiêu mở rộng và bứt phá trong năm 2022, chúng tôi sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho nhiều người lao động hơn nữa vì chúng tôi là một chuỗi giá trị, từ người nông dân tới nhà máy sản xuất, cho tới bộ phận kinh doanh, bán hàng.
Bà Hoàng Thị Minh Hiếu Giám đốc Công ty TNHH Nam Phương V.N (Barona Food): Trong nguy lúc nào cũng có cơ Đại dịch kéo dài đã gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến việc kinh doanh của các DN nói riêng và nền kinh tế của cả nước nói chung. Tuy nhiên, trong nguy lúc nào cũng có cơ; nếu DN biết tìm cách biến nguy thành cơ thì khả năng duy trì hoạt động và phát triển là có. Là một DN chuyên về gia vị thực phẩm - mặt hàng thiết yếu - nên chúng tôi may mắn vẫn duy trì được hoạt động mặc dù bị ảnh hưởng không ít.
Theo tôi, 2022 là một năm có thể tạo khởi sắc sau đại dịch, một “bình thường mới” khả quan chứ không hề bi quan. Đối với những công ty về gia vị thực phẩm, cơ hội trước mắt chính là sự thay đổi nhu cầu. Người ta nấu ăn tại nhà nhiều hơn nên việc sử dụng các loại gia vị cũng nhiều hơn trước đây. Thêm vào đó, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar (Anh), chi phí của người tiêu dùng dành cho các nhu cầu khác có thể giảm nhưng cho nhu cầu ăn uống hằng ngày vẫn được duy trì, thậm chí tăng do ý thức về việc chọn thực phẩm tốt hơn cho sức khỏe. Việc hạn chế tiệc tùng bên ngoài cũng góp phần gia tăng sử dụng các loại gia vị cho món tiệc tại gia như lẩu, nướng. Đó chính là cơ hội rất lớn để chúng tôi nghiên cứu và đa dạng hóa các loại gia vị hoàn chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong mỗi bữa cơm nhà hay tiệc nhà.
Bên cạnh những cơ hội, cũng có những mối nguy không thể tránh khỏi sau đại dịch đó chính là sự không ổn định của nguồn cung ứng, việc tăng giá liên tục của nguyên vật liệu và xăng dầu ảnh hưởng không nhỏ đến đầu ra và giá thành. Ngoài ra, thu nhập của người dùng bị ảnh hưởng của dịch bệnh cũng hạn chế việc chi tiêu so với trước đây. Xuất khẩu càng khó khăn hơn do việc kiểm duyệt nhập khẩu và giá container tăng gấp nhiều lần... Hy vọng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các định hướng chống dịch đúng đắn sẽ giúp chúng ta nhanh chóng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng vượt trội.
Tổng thống Donald Trump không ban hành sắc lệnh thuế như dự báo đã đẩy giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước tăng giá 2 lần trong buổi sáng.
Giá vàng trong nước và thế giới quay đầu giảm, giá vàng trong nước giảm 400.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên liền trước.
Ngày 16/1, Nutifood đã đồng hành với Hội LHPN TPHCM trong chương trình 'Xuân yêu thương-Tết nghĩa tình', trao 530 suất quà sữa NutiMilk với tổng giá trị gần 50 triệu đồng.
Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng 320 đồng/lít với xăng E5RON 92 lên 20.750 đồng/lít; trong khi đó, giá xăng RON95 tăng lên 21.220 đồng/lít.