|
Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - Ảnh: VGP |
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, trong năm qua, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố bất lợi do đại dịch COVID-19.
Dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, đồng hành và giám sát của Quốc hội; sự chia sẻ, ủng hộ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ phù hợp với diễn biến tình hình.
|
Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết đến nay, Việt Nam thuộc nhóm 6 nước có độ phủ vắc xin cao nhất thế giới - Ảnh: VGP |
Theo Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, các biện pháp phòng, chống dịch được kế thừa và liên tục được điều chỉnh, hoàn thiện phù hợp tình hình thực tiễn. “Kết quả là, từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc xin rất thấp đã vượt lên là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất trên thế giới.
Đến nay, tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; người từ 12 đến 17 tuổi tiêm 1 mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%; đang đặt mua vắc xin tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong đang có chiều hướng giảm…”, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh thông tin.
|
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi tại hội nghị - Ảnh: VGP |
Ngoài ra, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 1,84%; các cân đối lớn được bảo đảm. GDP tăng 2,58%, trong đó quý IV tăng mạnh khi đạt 5,22% (trong khi giảm 6,02% trong quý III).
Thu ngân sách nhà nước vượt 16,4% dự toán, trong đó thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh vượt khoảng 14,5% so với dự toán và tăng khoảng 11,3%; tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt khoảng 20,5% so với dự toán và tăng 20,7% so với năm 2020, bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chi, nhất là cho công tác phòng, chống dịch và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi ngân sách nhà nước ước dưới 4%, thấp hơn so với dự toán Quốc hội quyết định (4% GDP)…
Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, Chính phủ đã kịp thời ban hành và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP dành hơn 71.000 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động…
|
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Việt Nam phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5% trong năm 2022 - Ảnh: VGP |
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, xác định tập trung thực hiện 3 trọng tâm: khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.
Trong đó, triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD.
Đăc biệt, “Triển khai nhất quán từ trung ương đến địa phương quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch phù hợp; tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông hàng hóa, lao động trở lại sau dịch bệnh.
Đẩy nhanh tiêm vắc xin cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường, bảo đảm khoa học, hiệu quả; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị trong nước.
Phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở, đội phản ứng nhanh, tổ hỗ trợ điều trị COVID-19, tổ COVID-19 cộng đồng…”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Tại điểm cầu TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết từ những tín hiệu lạc quan trong quý IV/2021, TPHCM phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2022. Để đạt được mục tiêu, TPHCM tập trung các nhiệm vụ, giải pháp: triển khai chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ phù hợp thực tiễn của TP, nhất là ứng phó đối với biến chủng mới Omicron; đồng bộ triển khai thực hiện chiến lược y tế trên địa bàn. Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ sớm cho phép sản xuất và lưu hành rộng rãi thuốc kháng virus. Đồng thời, triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiếp tục nâng cao hiệu quả chính quyền đô thị gắn với cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; tập trung nguồn lực cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị (kết nối tuyến metro số 1 và 2, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, vành đai 3…). Qua đó, TPHCM kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nhất là phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch - cấp phép các khu đô thị, khu công nghiệp… |
Chiêu Văn