Năm 2021, Bộ Y tế hướng tới mục tiêu 90% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử

25/12/2020 - 06:22

PNO - Tại TP.HCM, nhiều bệnh viện phải thuê kho chứa để lưu trữ hồ sơ rất tốn kém.

 


Sáng 24/12, tại buổi họp báo chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi số. 

Theo đó, trước đây, mỗi bệnh viện phải mất vài tỷ đồng để in bệnh án giấy. Thậm chí, tại TP.HCM, nhiều bệnh viện phải thuê kho chứa để lưu trữ hồ sơ rất tốn kém. Tuy nhiên, hiện nay, 100% bệnh viện toàn quốc áp dụng hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, mười bệnh viện và một phòng khám thay thế hoàn toàn bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử. 

Tại Bệnh viện đa khoa An Giang, nhờ chuyển đổi y tế số, mọi dữ liệu như bệnh nhân tới khám, đơn thuốc, tài chính… đều hiển thị đầy đủ nên lãnh đạo có thể can thiệp, điều chỉnh ngay hành vi của bác sĩ nếu có tình trạng lạm dụng kê đơn, chỉ định xét nghiệm quá mức.

Cũng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, chương trình khám chữa bệnh từ xa Telehealth đang giúp các bệnh nhân ở miền núi, hải đảo được các chuyên gia đầu ngành khám chữa bệnh cách xa hàng ngàn cây số… 

Tuy nhiên, ông Tường nhìn nhận, tốc độ chuyển đổi số trong ngành y tế vẫn còn chậm. Nguyên nhân lớn nhất là các vấn đề liên quan tới tài chính. Dù vậy, năm 2021, Bộ Y tế hướng tới mục tiêu 90% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử. 

Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ khai trương mạng Kết nối y tế Việt Nam, kết nối 400.000 nhân viên y tế toàn quốc. Đây là mạng nội bộ nhằm trao đổi thông tin trong ngành y cũng như kênh truyền tải thông tin nhanh chóng, kịp thời từ lãnh đạo Bộ Y tế tới toàn ngành. 

 Minh Quang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI