PNO - Năm 2020 đánh dấu thập niên của làn sóng nữ quyền lần thứ tư.
Trên trang web https://www.unwomen.org, Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) viết: “Thế giới đang nỗ lực lên tiếng vì sự bình đẳng trong tương lai. Vậy bạn chờ điều gì trong năm 2020? Hãy lựa chọn hành động, viết nên lịch sử bằng cách lan tỏa chiến dịch này cùng hashtag enerationEquality”.
Lựa chọn viết nên lịch sử
“Hãy tưởng tượng thế giới chúng ta đang sống là thế giới mà mọi người đều bình đẳng, có quyền và cơ hội như nhau. Đó là nơi phụ nữ và trẻ em không phải e dè, lo lắng khi đi bộ ngoài đường ban đêm và nam giới cũng chẳng bị trói buộc hay gồng mình thể hiện sự mạnh mẽ, khư khư giữ lấy vỏ bọc bạo lực vô nghĩa để khẳng định bản thân. Ở thế giới lý tưởng ấy, phụ nữ và nam giới bình đẳng trong các mối quan hệ xã hội lẫn gia đình. Và đó là nỗ lực chúng ta cùng hướng đến, biến bức tranh tương lai thành hiện thực”. Đây chính là thông điệp mà UN Women nhắc đến trong nội dung kêu gọi thế giới đồng hành với chiến dịch Thế hệ bình đẳng - được chọn là hoạt động trọng tâm trong năm 2020.
Hàng loạt sự kiện được trông chờ trong năm 2020 nhằm lan tỏa chiến dịch Thế hệ bình đẳng. Hai trong số đó là các hội nghị quốc tế tổ chức ở Mexico và Pháp vào giữa năm, quy tụ các hội nhóm, nhà hoạt động vì quyền bình đẳng trên toàn thế giới. Giám đốc điều hành Katja Iversen của tổ chức toàn cầu Women Deliver về nữ quyền nhấn mạnh: “2020 là năm thể hiện sự đầu tư tổng lực của những ai ủng hộ cho giá trị bình đẳng”.
2020 đánh dấu thập niên của làn sóng nữ quyền lần thứ tư. Trong lịch sử, làn sóng nữ quyền thứ nhất diễn ra cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở các quốc gia phương Tây; làn sóng thứ hai và thứ ba diễn ra ở Mỹ vào giai đoạn thập niên 1960 và 1990.
Hàng loạt sự kiện cho thấy 2019 chính là thời gian chuẩn bị hoàn hảo để thế giới hướng đến năm 2020 - thời điểm màu sắc nữ quyền thể hiện rõ nét nhất. Nổi bật trong số đó là sự kiện tạp chí Time chọn nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg là nhân vật của năm và thế giới có nữ Thủ tướng trẻ nhất - Sanna Marin (34 tuổi). Câu chuyện Greta Thunberg chứng minh tiếng nói nữ giới là không thể thiếu trong nỗ lực giải quyết vấn đề toàn cầu cấp bách về biến đổi môi trường. Với nữ chính trị gia Sanna Marin, sự công nhận tài năng và sức trẻ của cô chính là “ánh sáng hy vọng” ở lục địa già châu Âu đang có nhiều dấu hiệu giảm tốc trên đường đua phát triển. Câu chuyện của Thủ tướng Sanna Marin truyền cảm hứng mạnh mẽ cho chính trường thế giới bởi từ công việc của một nhân viên thu ngân, Sanna từng bước chinh phục được đỉnh cao sự nghiệp, trở thành lãnh đạo Phần Lan khi con còn nhỏ. Đặc biệt, Sanna là lãnh đạo của liên minh bốn đảng và lãnh đạo của bốn đảng ấy đều là nữ giới, ở độ tuổi tràn trề năng lượng cống hiến. Khi Bộ trưởng Nội vụ Estonia Mart Helme đưa ra lời chế giễu, nghi vấn về năng lực của Sanna Marin, Thủ tướng Phần Lan đã đáp lại đúng với tinh thần bình đẳng: “Ở đất nước tôi, mọi người đều được giáo dục và có cơ hội như nhau trong nỗ lực tiến tới mục tiêu to lớn của đời mình”.
Bước ra khỏi vùng giới hạn
Ở Mỹ, không phải ngẫu nhiên mà 2020 được kỳ vọng là năm hứa hẹn những sự kiện bùng nổ ghi đậm dấu ấn nữ quyền. Trước tiên, 2020 đánh dấu tròn 100 năm bản Tu chính án thứ 19 chính thức được thông qua và đưa vào Hiến pháp Hoa Kỳ (ngày 26/8/1920) với bước đột phá lớn nhất: bảo đảm cho phụ nữ quyền bầu cử. Bản Tu chính án là thành tựu lớn lao, đánh dấu “quả ngọt” sau 70 năm đấu tranh của những nhà hoạt động vì quyền bầu cử của phụ nữ.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin
Năm 2020, thế giới sẽ tiếp tục dõi theo một sự kiện chính trị quan trọng - cuộc đua vào Nhà Trắng. Giới bình luận dự đoán đây sẽ là cuộc chạy đua giữa những người lên tiếng bảo vệ nữ quyền và những người bảo vệ hệ tư tưởng của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Lần lại cuộc bầu cử năm 2016, ông Trump khi ấy đã chiến thắng sát sạt ứng cử viên Hillary Clinton - đại diện tiếng nói của nữ giới với chiến dịch chạy đua nhắm vào nữ quyền. Ngay sau khi ông Donald Trump thắng cử, thế giới chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của hoạt động nữ quyền. Bắt đầu là phong trào “Tuần hành vì nữ giới” (Women’s March) trên khắp đường phố Mỹ nhằm phản ứng lại thái độ, ngôn từ thiếu sự tôn trọng nữ giới từ ông Donald Trump.
Năm qua, phong trào Me Too gây chấn động toàn cầu. Từ thế giới giải trí đến công nghệ, chính trị, Me Too đã cởi trói cho hàng triệu phụ nữ, khuyến khích họ chia sẻ góc khuất, gánh nặng từ định kiến bất bình đẳng về giới. Những ung nhọt, khuất tất trong lòng xã hội văn minh của thế kỷ XXI lần lượt bị vạch trần, phơi bày. Lần lượt những cú ngã ngựa của nhiều nhân vật tiếng tăm trong các lĩnh vực chứng minh thế giới cần nhiều lần “im lặng bị phá vỡ” từ những người phụ nữ dũng cảm. Tính đến thời điểm này, hơn 50 bảo tàng trên toàn nước Mỹ đã đồng loạt tham gia dự án nghệ thuật “Feminist Art Coalition” (Liên hiệp Nghệ thuật vì nữ quyền), trưng bày những tác phẩm nghệ thuật tôn vinh nữ quyền ngay trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ. Vì thế, một cú hích nữ quyền sau sự kiện bầu cử tổng thống năm 2020 là điều mà cả thế giới trông chờ.
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 được dự đoán là cuộc đua mang đậm màu sắc nữ quyền
Hơn 7 năm kể từ khi xảy ra vụ cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt gây chấn động thế giới, Ấn Độ vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán tìm kiếm bình đẳng giới. Cuối tháng 12/2019, một cô gái 17 tuổi bị bạn trai và nhóm bạn bắt cóc, cưỡng hiếp suốt hai tháng liền. Em đã qua đời sau khi bị chúng thiêu sống. Xuất phát từ đặc thù xã hội, câu chuyện bảo vệ giá trị nữ giới hàng trăm năm qua không bao giờ ở vị trí ưu tiên. Thế nhưng, 2020 hứa hẹn sẽ là năm quan trọng cho những nỗ lực vì nữ giới Ấn Độ. Công ty Phân tích dữ liệu toàn cầu YouGov đã thực hiện khảo sát về mối quan tâm của người trẻ Ấn Độ đối với chính sách đất nước này. Lần đầu tiên, tỷ lệ yêu cầu Chính phủ Ấn Độ chú trọng chính sách bình đẳng giới vượt hơn hẳn chính sách về kinh tế hay chính sách việc làm. 30% số người được hỏi khẳng định chính sách đầu tiên họ quan tâm là tạo điều kiện cho nữ giới cũng như bảo vệ nữ giới trước những vụ xâm phạm, tấn công bạo lực. Tỷ lệ quan tâm về chính sách kinh tế và chính sách việc làm lần lượt là 12% và 11%. Điều này cho thấy, người dân Ấn Độ hiểu rằng, chính họ mới là người phải hành động, phá bỏ những giới hạn cũ để hướng tới sự thay đổi.
Trên thế giới, lĩnh vực có sự phân biệt giới nhiều nhất chính là STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Trong năm 2020, tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu Girls in Tech cam kết sẽ tiếp tục tăng số lượng trẻ em gái tiếp cận với công nghệ ở mức tối đa. Tương tự, phong trào Me Too và Time’s Up cam kết tiến đến bình đẳng giới ở mức 50/50 trong năm 2020. Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) vừa công bố nghiên cứu mới nhất tiến hành đối với 1.700 công ty có quy mô lớn, nhỏ khác nhau ở 8 quốc gia. Họ đưa kết luận rằng những công ty mà đội ngũ lãnh đạo càng đa dạng, có sự phân bổ cân bằng giới càng cao thì càng có những thành tích tốt về tài chính cùng những sáng tạo tối ưu. BCG cũng đã khuyến nghị các công ty: “Nếu muốn hướng đến sự phát triển bền vững, hãy tạo sự bình đẳng tối đa cho môi trường làm việc, trao cho mỗi cá nhân cơ hội thể hiện, cống hiến và có những quyền lợi như nhau”.
Thiên Anh
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 được dự đoán là cuộc đua mang đậm màu sắc nữ quyền