Năm 2020: Kinh tế Việt Nam cần chủ động trước các cú sốc

25/01/2020 - 01:08

PNO - Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt trên 500 tỉ USD. Đây là kết quả vượt mức mong đợi, được báo chí quốc tế nhiều lần nhắc đến. Song theo các chuyên gia, trong năm 2020, ngoài những cơ hội được thừa hưởng thành quả từ năm 2019 thì kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: Kinh tế có tăng trưởng nhưng lòng tin không cao

Kết thúc năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao 7,02%, tương đồng với 2017 - 2018. Nhìn bức tranh tăng trưởng từ 2017 trở lại đây, nền kinh tế đã xác lập một “mặt bằng tăng trưởng mới” so với giai đoạn trước đó. Một mặt, đây là mức tăng trưởng ổn định, cao hơn đáng kể so với mặt bằng trước đây.

Tiến sĩ Võ Trí Thành
Tiến sĩ Võ Trí Thành

Năm 2019 cũng là năm thứ năm mà lạm phát xóa bỏ chu kỳ 2 năm cao, 1 năm thấp. Nếu như trước đây, người Việt Nam luôn lo sợ lạm phát bùng phát, tỷ giá bất ổn trước các cú sốc thương mại, tăng giá thực phẩm hay các mặt hàng nhu yếu phẩm… thì nay lạm phát luôn được kiềm chế dưới mốc 4%, bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tăng giá thịt heo do dịch tả heo châu Phi.

Thêm vào đó, mức thâm dụng tín dụng (được tính bằng tăng trưởng tín dụng/tăng trưởng GDP danh nghĩa) có xu hướng giảm, cho thấy dòng vốn tín dụng đã được “định hướng” vào khu vực kinh tế thực, từ đó tạo ra nhiều hơn những giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Không nhất thiết cứ tăng trưởng tín dụng cao mới hỗ trợ được tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, kinh tế Việt Nam đang diễn biến theo một “trạng thái mới” khác biệt với nhiều nền kinh tế trong khu vực. Theo đó, tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhưng không chịu sức ép của lạm phát cũng như nền kinh tế với độ mở cao nhưng dường như ít nhạy cảm với các tác động tiêu cực của thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, phản ứng thị trường cho thấy đang có vấn đề, thể hiện rõ nhất ở thị trường chứng khoán và bất động sản. Tăng trưởng của Mỹ chậm lại song thị trường chứng khoán Mỹ lại đạt đỉnh mới trong năm qua, ngược lại, Việt Nam tăng trưởng cao nhưng chứng khoán không có phản ứng đồng điệu, thanh khoản thấp, thị trường bất động sản cũng rất trầm lắng bởi nhiều nguyên nhân. Đằng sau câu chuyện này, là lòng tin không cao, là sự nghi ngại về hoạt động của bộ máy nhà nước, như câu chuyện 100 dự án đình trệ tại TPHCM. 

Để tăng sự chống chịu của nền kinh tế, thì bên cạnh sự chuẩn bị về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cần chú trọng việc chống các cú sốc ở tầm vi mô. Đây là những bài học nhãn tiền của năm 2019, qua các vụ việc về ô nhiễm không khí, nước, đất, môi trường… “những cú sốc ngay trong lòng đất nước”. Thực tế vừa qua cho thấy, cách ứng xử của chúng ta với các cú sốc này chưa tốt, cả về tốc độ, sự phối hợp, tính quyết liệt trong xử lý và trách nhiệm…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng: Doanh nghiệp phải tăng cường, mở rộng đầu tư

Để đạt được kết quả ấn tượng trên, chính phủ đã làm hai việc mang tính đột phá: cải cách thể chế, đưa ra nhiều luật lệ và sửa nhiều luật để phù hợp, thích nghi hơn. Đặc biệt xóa bỏ rào cản trong kinh doanh bất hợp lý từ hàng chục năm nay. Những vấn đề về điều kiện kinh doanh trói buộc doanh nghiệp đã được tháo gỡ rất nhiều, tạo ra sự đột phá tăng trưởng kể cả về số lượng doanh nghiệp thành lập, về mặt chất lượng, cũng như sự đóng góp của các doanh nghiệp cho nền kinh tế quốc gia.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng

Đây giống như một cái van mở, khi doanh nghiệp được giải phóng sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác như kích cầu cho người tiêu dùng, sản phẩm được sản xuất ra thay thế cho hàng ngoại nhập, đồng thời tạo ra công ăn việc làm, góp phần tạo ngân sách dày hơn, cuộc sống của mọi người trù phú hơn.

Năm nay có sự đột phá về mặt con số tổng hợp, kể cả chiều xuất đi và nhập về. Đây là một kích thích, động lực, một niềm tin mới vì doanh nghiệp thấy có hình ảnh của mình, đóng góp của mình, họ đã làm được. Điều này tạo động lực rất lớn trong những năm sắp tới. Đặc biệt năm 2020 là năm chúng ta thừa hưởng thành quả của các hiệp định song phương và đa phương thế hệ mới.

Ngoài cơ hội trên, thách thức trong năm 2020 là doanh nghiệp phải mở rộng, suy nghĩ, đầu tư. Đầu tư thời gian nghiên cứu quy định mới về luật lệ, về những cơ hội trong những FDI thế hệ mới, đầu tư về thay đổi bản chất, lột xác, nâng trình độ của mình lên, để tìm kiếm công nghệ mới, tái cấu trúc toàn bộ doanh  nghiệp của mình.

Đầu tư thứ ba mới quan trọng là đầu tư tài chính. Doanh nghiệp phải mạnh dạn bỏ tiền. Nếu mình có mười phần tài sản thì mạnh dạn bán bớt ba, thậm chí bán bớt năm để lấy tiền đầu tư chiều sâu vào cái mình đang có.

Nhìn chung, trong bối cảnh giảm sút tổng cầu, mậu dịch gia tăng, việc Việt Nam xuất siêu năm thứ tư liên tiếp giúp dự trữ ngoại hối duy trì mức cao, ổn định tỷ giá kinh tế vĩ mô. Đây là điều kiện thuận lợi trong năm 2020. Nhưng thách thức trong năm 2020 không nhỏ, nhất là trong bối cảnh thương chiến Mỹ Trung chưa chấm dứt, bảo hộ mậu dịch phức tạp, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO dể bảo hộ sản xuất trong nước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn và thách thức.

Trong bối cảnh đó, dự báo tốc độ tăng trưởng nhập khẩu khoảng 8-10%, tăng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6-7% và dự báo nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020 ở mức dưới 3%. Vì thế việc tham mưu, dự báo chính sách, việc điều hành nền kinh tế sát thực tế hơn là yêu cầu hàng đầu để duy trì tốc độ tăng trưởng trong năm tới.

Tiến sĩ Bùi Quang Tín - Chuyên gia kinh tế

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết xuất phát từ bản chất cạnh tranh quyền lực giữa hai siêu cường bất chấp thỏa thuận giai đoạn 1 đã đạt được. Chính sách thương mại của Mỹ một mặt đã thúc đẩy các đối tác của Mỹ tìm kiếm các thỏa thuận song phương khác Trung Quốc. Điều này giúp thúc đẩy việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) diễn ra vào ngày 30/6/2019, vốn đã bị trì hoãn từ năm 2018.

Tiến sĩ Bùi Quang Tín
Tiến sĩ Bùi Quang Tín

Mặt khác, chính sách này cũng khiến cho các doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm thị trường khác ngoài Mỹ để đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam là nước láng giềng có tiềm năng lớn nên sẽ được các doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm cơ hội để mở rộng quy mô thương mại. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, kinh tế thế giới chậm lại tác động tới nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Chính sách thương mại cứng rắn của Mỹ với những tuyên bố nhằm vào chênh lệch thương mại giữa hai nước và việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về thao túng tỷ giá có thể tác động tới tâm lý nhà đầu tư trong thời gian tới. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn hàng đầu của Việt Nam, cũng tăng trưởng chậm lại do căng thẳng thương mại với Mỹ. Cộng hưởng với các điều kiện thuận lợi và thách thức sẽ khiến kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều thách thức trong năm 2020.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI