Cơ hội từ các hiệp định thương mại
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 30/12/2018, ngay trước thềm năm mới 2019 với mức thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng tại nhiều nước giảm về 0%.
Chẳng hạn, 99% hàng dệt may xuất khẩu vào Nhật sẽ được xóa bỏ thuế; các mặt hàng thủy sản, chè, cà phê xuất khẩu vào Canada, Nhật Bản cũng không phải chịu thuế. Trước đó không lâu, Hiệp định Tự do thương mại (EVFTA) cũng được Ủy ban châu Âu thông qua và sẽ trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào đầu năm nay.
|
Các chuyên gia kinh tế đều tỏ ra thận trọng khi nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 |
Theo cam kết trong EVFTA, các nước EU sẽ xóa bỏ 84% dòng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. CPTPP và EVFTA là hai hiệp định thương mại thế hệ mới được nhiều doanh nghiệp Việt Nam trông đợi nhất do lợi ích mà chúng mang lại, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản.
Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) - cho hay, năm 2017, trị giá đồ gỗ nội thất Việt Nam xuất khẩu vào Canada khoảng 152,7 triệu USD, năm 2018 khoảng 162,5 triệu USD. CPTPP có hiệu lực, các sản phẩm như ván sàn, gỗ thanh, đồ nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ sẽ được xóa bỏ thuế suất.
Với những thị trường như Mexico vốn chưa phải là thị trường lớn của đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam, khi hiệp định này có hiệu lực, nước này có thể sẽ thành một trong những thị trường lớn của các nhà xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Còn đối với thị trường châu Âu, tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn và khi EVFTA được thực thi, thuế suất các sản phẩm gỗ được xóa bỏ, xuất khẩu gỗ vào thị trường này sẽ bùng nổ.
Ông Gabor Fluit - Tổng giám đốc De Heus châu Á - cho rằng hiện nay, nhiều nông dân tại Việt Nam không còn chăn nuôi nhỏ lẻ, hoạt động đơn độc mà đã tham gia vào chuỗi liên kết về giống, thức ăn, giết mổ, thương mại. Trong tương lai, khi thuế nhập khẩu về 0%, có thể cánh, đùi gà từ châu Âu được nhập về nhiều hơn, nhưng ức gà và các sản phẩm chế biến từ gà của Việt Nam có thể xuất khẩu đi châu Âu vì giá bán các sản phẩm này trong nước rẻ, trong khi các nước EU lại chuộng và chịu mua với giá cao hơn…
Ông Gabor cho rằng, về lâu dài, chăn nuôi heo nếu được tổ chức theo chuỗi liên kết như trên, cũng hoàn toàn đủ sức cạnh tranh một cách sòng phẳng với hàng nhập khẩu.
Thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Ông Huỳnh Văn Hạnh cho hay, thời gian đầu diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhiều chuyên gia nhận định, đó sẽ là cơ hội cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Các đơn hàng và cả nguồn đầu tư vào chế biến gỗ sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước ASEAN. Nhưng ông Hạnh và nhiều chủ doanh nghiệp Việt cũng nhận thức rõ rủi ro từ việc doanh nghiệp Trung Quốc mượn Việt Nam hay các nước ASEAN để lẩn tránh thuế xuất khẩu vào Mỹ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, trên thực tế, Hải quan Mỹ đã khởi xướng điều tra một vụ việc né thuế như vậy đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu ván dán từ Việt Nam. Bộ Công thương đang theo dõi sát vụ việc này và cũng sẽ tổ chức đoàn kiểm tra để xem có sự giả mạo xuất xứ Việt Nam của doanh nghiệp Trung Quốc hay không.
“Nếu sự dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư chỉ diễn ra với ý đồ lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh mức thuế nhập khẩu vào Mỹ thì sớm hay muộn, ngành gỗ Việt Nam cũng bị vạ lây, bởi người Mỹ sẽ không ngần ngại áp một mức thuế “chống né thuế” lên toàn bộ đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam” - ông Khánh cảnh báo.
Ở một số ngành nghề khác cũng đã xuất hiện xu hướng dịch chuyển này. Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam - cho biết, đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất nhựa từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam, nhất là khi chi phí lao động tại Trung Quốc đang ngày một tăng.
Doanh nghiệp nhựa trong nước sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc khi các doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng đầu tư để được gắn nhãn mác của Việt Nam, nhằm tránh đòn áp thuế từ phía Mỹ.
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Fulbright - đều có chung nhận định, do nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở rất lớn nên khó tránh khỏi những tác động như vậy.
Ông Trần Đình Thiên cho rằng, về lâu dài, những tác động theo hướng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại sẽ nhiều hơn hướng tích cực vì nó khiến lòng tin của nhà đầu tư bị suy giảm, họ sẽ rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Còn tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cái lợi mà Việt Nam có thể hưởng từ một vài ngành như giày dép và nông sản không đáng kể so với những thứ có thể sẽ mất.
Nợ công đang gây sức ép lớn lên nền kinh tế
Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019 và những năm sau không quá tươi sáng. Tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện nay không đủ để chi thường xuyên và trả nợ. Tình trạng này đã xảy ra liên tục trong 6 năm nay, đang gây ra sức ép lớn lên nền kinh tế Việt Nam.
|
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh |
|
Nếu không có được không gian tài khóa, nền kinh tế Việt Nam trong vài năm tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn và nếu chúng ta cứ cố gắng đẩy mạnh tăng trưởng vượt qua mức tiềm năng, sẽ tạo ra sự đứt gãy như đã từng chứng kiến trong năm 2007-2008. Hậu quả của sự cạn kiệt không gian tài khóa rất nghiêm trọng: tăng thâm hụt ngân sách và nợ công, tạo sức ép tăng thuế.
Trong năm 2017, Bộ Tài chính có rất nhiều sáng kiến tăng thuế, chẳng hạn tăng VAT, sau đó là thuế xăng dầu, tiếp đó là nhiều loại thuế, tình trạng thuế chồng thuế và phí chồng phí đang làm cho người dân hết sức bức xúc.
Các địa phương tự chủ ngân sách phải tăng tỷ lệ điều tiết về trung ương, chẳng hạn như TP.HCM, tỷ lệ điều tiết hơn 10 năm trước khoảng 33%, sau đó xuống 29%, 26%, 23% và gần đây xuống còn 18%, nghĩa là, TP.HCM nộp về ngân sách trung ương 82%, chỉ còn giữ lại 18%. Vì trung ương thiếu tiền nên phải lấy từ các thành phố lớn và địa phương càng thành công thì càng chịu thiệt.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh
|
Thư Hùng