Năm 2019 – lĩnh vực điều trị hiếm muộn Việt Nam chính thức bước qua khỏi cột mốc 20 năm (năm 1998 - lần đầu tiên 3 trẻ chào đời từ thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM) để tìm hướng khởi hành mới thu hút bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam điều trị.
|
3 em bé thụ tinh trong ống nghiệm chào đời đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh tư liệu. |
Nhân ngày đầu năm, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM có cuộc trao đổi với ThS.BS Hồ Mạnh Tường – Tổng Thư ký Hội Nội tiết Sinh sản & Vô sinh TP.HCM – một trong những bác sĩ hỗ trợ cho 3 trẻ đầu tiên chào đời từ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) về vấn đề này.
PV: Thưa bác sĩ, các trung tâm điều trị hiếm muộn của Việt Nam hiện nay đang thu hút được những bệnh nhân ở nước nào đến điều trị? Vì sao họ lại chọn Việt Nam?
ThS.BS Hồ Mạnh Tường: Rất khó thống kế chính xác con số này nhưng ước tính mỗi năm có khoảng 400-500 trường hợp các cặp vợ chồng có yếu tố nước ngoài đến Việt Nam điều trị, bao gồm: Việt kiều đang sinh sống ở các nước, người nước ngoài đang sống và làm việc ở Việt Nam, bệnh nhân người nước ngoài đến Việt Nam điều trị bệnh.
TTTON ở Việt Nam được người bệnh lựa chọn nhờ chi phí điều trị rẻ, chuyên gia kinh nghiệm, kết quả điều trị tốt.
Chi phí rẻ chủ yếu do chi phí nhân công (bác sĩ, các nhân viên y tế khác) thấp hơn nhiều so với các nước. Các chi phí cho thuốc, dụng cụ, hoá chất chuyên biệt, thiết bị chuyên sâu... đều tương đương các nước. Hiện nay, Việt Nam là nước thực hiện TTTON nhiều nhất trong khu vực. Tính từ năm 1998 đến nay có hơn 50.000 trẻ chào đời nhờ TTTON của Việt Nam.
|
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường (đứng) đang kiểm tra và đánh giá phôi |
* Điều trị hiếm muộn Việt Nam trở thành điểm sáng ở khu vực Đông Nam Á là nhờ vào những yếu tố gì?
- Việt Nam là nước có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín thế giới nhất về TTTON trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng có 5 trung tâm TTTON đang được chứng nhận đạt chuẩn chất lượng quốc tế RTAC (Ủy ban tiêu chuẩn về hỗ trợ sinh sản).
Các chuyên gia Việt Nam được nhiều hội nghị khu vực và thế giới mời đi báo cáo các công trình nghiên cứu. Nhiều khoá tập huấn về điều trị hiếm muộn, TTTON của khu vực mời giảng viên Việt Nam đến giảng bài. Nhiều học viên nước ngoài sang Việt Nam tham quan, dự hội thảo và khoá học về TTTON.
* Ngoài việc điều trị, những đoàn bác sĩ nước nào đến Việt Nam học tập về điều trị hiếm muộn? Vì sao họ chọn Việt Nam?
- Việt Nam có các trung tâm lớn, nhiều kinh nghiệm trong điều trị nên hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines thường xuyên cử bác sĩ, chuyên viên phôi học sang Việt Nam tham quan, học tập kinh nghiệm.
Ngoài ra còn có Singapore, Thái Lan, Úc, Mỹ... cũng đến Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm. Các hội thảo chuyên ngành, khoá tập huấn tổ chức ở Việt Nam có sự tham gia của bác sĩ đến từ nhiều nước trên thế giới.
Một số trung tâm TTTON Việt Nam được bệnh nhân nước ngoài biết đến nhờ có nhiều báo cáo nghiên cứu tại các hội nghị và trên các tạp chí uy tín. Ngoài ra, chi phí học, đi lại, ăn ở... thấp hơn các nước khác.
* Hiện nay, xu hướng của các nước thế giới là kết hợp điều trị bệnh với phát triển du lịch, theo ông Việt Nam có nên chọn điều trị hiếm muộn trở thành lĩnh vực mũi nhọn trong du lịch y tế để thu hút người bệnh khắp nơi trên thế giới? Và để lĩnh vực điều trị hiếm muộn trở thành mũi nhọn thu hút khách du lịch chữa bệnh thì Việt Nam cần thay đổi những gì?
- Điều trị hiếm muộn và TTTON có thể là mũi nhọn tiềm năng cho du lịch y tế vì ít có chuyên ngành y khoa nào của Việt Nam có được uy tín chuyên môn trong khu vực tốt như là TTTON.
Trước hết, ngành du lịch phải mạnh là nền tảng cho y tế du lịch phát triển. Vi dụ ngành du lịch của Singapore và Thái Lan rất mạnh nên 2 nước có du lịch y tế phát triển.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị đầu tư, thu hút bệnh nhân nước ngoài. Hiện nay chính sách mới kêu gọi chung chung, chưa có những chính sách hỗ trợ cụ thể. Nhà nước nên thành lập những cơ quan xúc tiến hỗ trợ du lịch y tế như Malaysia đang đầu tư để cạnh tranh với Singapore và Thái Lan. Hỗ trợ chi phí cho các dự án thu hút bệnh nhân nước ngoài cho các cơ sở y tế…
Và cuối cùng là tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển. Bởi nếu phát triển du lịch y tế thì quan trọng phải đẩy mạnh chất lượng dịch vụ nhưng y tế công của mình, người dân trong nước còn than phiền dịch vụ thì làm sao thu hút nước ngoài. Muốn thu hút nước ngoài phải đầu tư cho y tế tư nhân. Đó là những lý do khiến Việt Nam dù có nhiều cơ hội mà không phát triển.
|
Nhiều bệnh viện công lẫn tư nhân của Việt Nam thay đổi diện mạo để thu hút bệnh nhân nước ngoài |
* Liệu Việt Nam có cạnh tranh nổi với các nước trong khu vực khi mà ngay cả một số bác sĩ trong nước lại muốn đưa bệnh nhân sang các nước khác, nhất là Thái Lan? Chưa kể, nhiều bệnh viện ở khu vực Đông Nam Á đặt văn phòng điều trị hiếm muộn tại Việt Nam?
- Một số ít bác sĩ gửi bệnh nhân sang Thái Lan chủ yếu là các biện pháp điều trị không hợp pháp ở Việt Nam hoặc một số bệnh nhân muốn giữ kín thông tin khi đi điều trị. Nếu không tính các trường hợp đi Thái Lan để điều trị các kỹ thuật không hợp pháp ở Việt Nam, số bệnh nhân Việt Nam đi nước ngoài để điều trị hiếm muộn không nhiều.
Cơ sở hạ tầng của các trung tâm TTTON ở Việt Nam hiện nay khá tốt, dịch vụ được cải thiền nhiều trong những năm qua, chi phí TTTON ở Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á... Do đó, tôi không nghĩ vấn đề cạnh tranh với các trung tâm TTTON trong khu vực ngay tại Việt Nam là vấn đề lớn.
Ngược lại, chính các trung tâm TTTON trong khu vực cũng đang lo ngại sự cạnh tranh, thu hút bệnh nhân nước ngoài của các trung tâm TTTON ở Việt Nam trong những năm tới.
Việt Nam có thể thực hiện được hầu hết tất cả các kỹ thuật điều trị hiếm muộn và hỗ trợ sinh sản trên thế giới. Một kỹ thuật điều trị mà Việt Nam đang đi đầu thế giới hiện nay là nuôi trưởng thành noãn trong ống nghiệm, viết tắt là IVM. Kỹ thuật IVM có thể phù hợp cho 50% trường hợp có chỉ định TTTON, với chi phí thấp hơn và an toàn hơn cho người bệnh.
|
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Thanh Khê thực hiện