Năm 2018: Thực phẩm hữu cơ lên ngôi với giá phải chăng?

03/01/2018 - 11:00

PNO - Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: “Sản xuất thực phẩm sạch, an toàn là nhiệm vụ trọng tâm năm 2018”. Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hữu cơ đang gia tăng, nhưng giá cao lại đang là rào cản.

Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hữu cơ tăng vọt kéo theo mức tăng trưởng về sản xuất, thương mại cũng tăng nhanh trên cả nước. Song, nền nông nghiệp nói chung và sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói riêng còn mang tính tự phát và manh mún khiến sản phẩm đầu ra luôn có giá cao chót vót. 

Rào cản giá cao

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nông sản hữu cơ (HC - Organic) phải được nuôi trồng, bảo quản và chế biến trong điều kiện không dùng thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, công nghệ sinh học và phóng xạ hóa học. 

Hiện gạo HC có giá 50.000-70.000 đồng/kg, đường HC giá 120.000 đồng/kg. Các loại rau HC nhiệt đới giá cũng khoảng 55.000-80.000 đồng/kg, các loại rau thơm (rau ăn sống) HC giá đến 180.000-200.000 đồng/kg… Với mức giá này, nếu một người lao động có mức lương cơ bản khoảng 3 triệu đồng/tháng, thì không thể mua nổi. 

Theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc phát triển Hàng nhãn riêng - Saigon Co.op, khảo sát tại hệ thống siêu thị Co.opmart cho thấy, doanh số mua bán thực phẩm (TP) HC ở Hà Nội khoảng 19 tỷ đồng/tháng, ở TP.HCM khoảng 14 tỷ đồng/tháng. 

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ TPHC ở TP.HCM phải lên đến 141 tỷ đồng/tháng, ở Hà Nội khoảng 41 tỷ đồng/tháng. Nhu cầu là rất lớn nhưng nhiều người còn e ngại chuyện giá cao, nguồn gốc không rõ ràng, lại chưa phân biệt được đó là sản phẩm (SP) HC, SP sạch hay SP tự trồng trọt, chăn nuôi. 

Nam 2018: Thuc pham huu co len ngoi voi gia phai chang?
Nhu cầu thực phẩm hữu cơ là rất lớn nhưng chỉ một bộ phận người tiêu dùng thu nhập cao mới có thể tiếp cận được.

Mọi người ai cũng canh cánh nỗi lo TP bẩn, độc hại nhưng đa số người tiêu dùng (NTD) lại chưa thể tiếp cận được với TPHC. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, ngoài việc những hiểu biết về TPHC còn hạn chế thì vấn đề giá cũng đang là một rào cản lớn đối với NTD. 

Nguyên do chính là nông nghiệp HC chưa được định hướng một cách bài bản. Việt Nam đang rất cần bộ tiêu chuẩn HC và hành lang pháp lý để phát triển ngành này. Nhiều nước Đông Nam Á đã xây dựng tiêu chuẩn quốc gia trước, đến lúc các doanh nghiệp đạt được thì khuyến khích phát triển đạt các tiêu chuẩn quốc tế như của USDA, EU…

Khi thị trường có lượng cung nhiều và minh bạch chứng thực SP HC thì SP có thể hạ giá và những mặt hàng đội lốt TPHC để trục lợi với giá cao sẽ không còn đất tồn tại. 

Giảm giá được, nếu...

Việc hạ giá thành TPHC sẽ tạo động lực thúc đẩy lượng cầu để ngành hàng này phát triển. Ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú, một trong những người đầu tiên tại Việt Nam làm TPHC với quy mô lớn cho rằng: “TPHC có giá cao vì chi phí sản xuất ở đầu vào đang cao ngất ngưởng, từ cải tạo đất cho đến nhập khẩu phân bón, chế phẩm sinh học. Nếu giảm được chi phí đầu vào thì có thể hạ giá thành SP. Cụ thể, nếu nhà nước hỗ trợ lãi suất làm hạ tầng, doanh nghiệp có thể giảm được 10% chi phí giá thành SP. Nếu chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất phân bón, chế phẩm HC đạt tiêu chuẩn quốc tế để không phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, lại có thể giảm thêm được 10% nữa. Ngoài ra, nếu khuyến khích các nhà phân phối, bán lẻ tham gia vào chuỗi bao tiêu các SP HC, lại giảm thêm được từ 5-10%... Nếu tất cả được thực hiện đồng bộ, giá SP HC có thể giảm ít nhất 25-30% so với giá hiện nay. Một kg rau hữu cơ giá 100.000 đồng có thể giảm chỉ còn khoảng 70.000-75.000 đồng. Tính toán này là có cơ sở, vì với hơn 80 triệu tấn phụ phẩm từ nông nghiệp, phân gia súc, gia cầm, phế phẩm từ các nhà máy chế biến thủy hải sản… Việt Nam có thể tự chủ nguồn phân bón HC trong nước, không phải nhập khẩu".

Đồng quan điểm, ông Võ Hoàng Anh cho rằng, nếu các doanh nghiệp được hỗ trợ liên kết theo hình thức chuỗi, có thể giảm được 20-30% giá TPHC so với mức giá hiện nay.

Tuy nhiên, việc gì cũng phải có lộ trình. Theo bà Vũ Kim Hạnh, nghiên cứu về xu hướng tiêu dùng TPHC giữa hai miền Bắc - Nam cho thấy đang tồn tại nhiều khác biệt quan trọng.

Tại thị trường miền Bắc, NTD săn lùng, truyền tai nhau và sẵn sàng mua TP an toàn, HC bất chấp giá cao; nhưng miền Bắc gần như không có nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế mà chủ yếu là theo PGS (một hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ, dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan: NTD - công ty phân phối - cơ quan quản lý nhà nước… được xây dựng trên cơ sở sự tin cậy, các liên kết xã hội và trao đổi tri thức giữa những người cùng tham gia).

Trong khi đó, tại miền Nam thì hầu hết SP là tự sản xuất từ các nhà vườn trong nước theo tiêu chuẩn quốc tế (USDA, EU hay JAS...); nếu không thì là hàng nhập khẩu có chứng nhận của các nước.

Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, trước mắt cần khuyến khích việc sản xuất theo hướng HC. Người trồng sẽ không mất quá nhiều chi phí đầu cải tạo đất, mua phân bón, chế phẩm… để SP có được chứng nhận HC ngay, mà sẽ đi từng bước, có thể là PGS hay theo tiêu chuẩn HC quốc gia, sau khi người nông dân đã thành thục việc canh tác theo hướng HC, có thể tính tiếp đến chứng nhận HC quốc tế.

Hạ giá TPHC là bài toán cần phải giải quyết thật căn cơ. Theo chỉ thị của Thủ tướng, đầu năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải trình Thủ tướng Chính phủ đề án phát triển nông nghiệp HC giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2035. Hoạt động thúc đẩy sản xuất nông nghiệp HC cần được định hướng, tạo điều kiện để sớm đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI