Nấc thang mới của thời trang bền vững

18/11/2019 - 16:35

PNO - Hàng thùng, hàng đổ đống, những tiệm đồ second hand mọc lên như nấm ở các đô thị, dành cho những người thích mua trực tiếp.

Thời trang bền vững giờ đây không chỉ dừng lại ở việc dùng nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên để tạo nên sản phẩm, giảm thiểu lượng thuốc nhuộm, nước thải ra môi trường, mà bắt đầu có những bước tiến mới góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng.

Từ dùng thuốc nhuộm tự nhiên, nhựa tái chế, tận dụng nguyên liệu thừa…

Vải Pinatex, bọt BLOOM hay sợi Cam không đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng quá lớn của con người trong khi rác thải nhựa - hiểm họa đầy tuyệt vọng vẫn từng ngày nuốt chửng hành tinh này. Các “ông lớn” nhanh chóng nhảy vào cuộc, không chỉ để bắt kịp xu hướng sống xanh, mà còn lan truyền thông điệp tích cực cho cộng đồng.

Nhựa tái chế được dùng chế tạo xăng dầu, gạch lát đường, làm công viên… thậm chí là quần áo, giày dép. Nike, Adidas - hai thương hiệu giày nổi tiếng thế giới đã lần lượt tạo ra dòng sản phẩm từ nhựa tái chế. Mỗi đôi Adidas Ultraboost Parley cần mười một chai nhựa tái chế, trong khi dòng Flyknit của Nike cần sáu chai. Các thiết kế thời trang từ nhựa tái chế của thương hiệu áo tắm Olga Kolkova (Nga), hãng thời trang Everlane, A Day… cũng được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt.

Nac thang moi cua  thoi trang ben vung
Nền tảng ứng dụng Re.Loved, nơi mua bán hàng pre-owned

Trong ngành nhuộm, để sản xuất vải cho một chiếc áo sơ-mi, trung bình sẽ tiêu tốn khoảng năm lít nước. Nước thải công nghiệp chứa thuốc nhuộm chưa qua xử lý cực kỳ độc hại cho môi trường và các loài sinh vật. Nếu qua xử lý thì ngốn mất của nhà sản xuất một số tiền không nhỏ. Một số hãng thời trang ý thức được điều này và chuyển qua dùng thuốc nhuộm tự nhiên từ các loại cây cỏ, rau củ.

“Thoạt đầu chưa quen, quy trình nhuộm rất tốn thời gian, công sức và tiền bạc. Nhưng một khi đã quen thì mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều. Giá thành nếu tính ra vẫn tương đương hoặc nhỉnh hơn giá trước kia một ít, nhưng bù lại, chúng tôi có những sản phẩm vừa an toàn cho người mặc, vừa thân thiện với môi trường. Đó là chưa kể sự độc đáo từ mỗi sản phẩm được nhuộm, nó gần như là duy nhất” - nhà thiết kế Thế Huy từ thương hiệu Hulos chia sẻ.

Trong khi các nhà mốt lớn từ thời trang cao cấp đến thời trang fast-fashion như Chanel, Burberry, H&M… nghiên cứu, tìm cách chế tạo nguyên liệu sinh học để thay thế vải nhân tạo, thì những hãng thời trang nhỏ bắt đầu quan tâm lượng nguyên liệu thừa. Vải vóc, da hay các loại chất liệu phụ kiện dôi ra trong quá trình làm sản phẩm sẽ được tận dụng để tạo ra dòng sản phẩm có giá thành thấp hơn. Việc làm này vừa tiết kiệm cho nhà thiết kế, vừa giúp thương hiệu đến được với nhiều người tiêu dùng hơn. Tại Việt Nam, Leinné là một trong vài thương hiệu thời trang bền vững áp dụng hình thức này.

... đến tận dụng nguyên liệu thừa, kéo dài vòng đời sản phẩm

Lợi nhuận của các hãng thời trang luôn nằm ở việc bán ra càng nhiều sản phẩm càng tốt. Tuy nhiên, các thương hiệu bền vững lại chú ý đến vòng đời sản phẩm và khuyến khích người tiêu dùng kéo dài nó bằng nhiều biện pháp. Một chiếc túi chẳng may đứt quai, một chiếc áo đột nhiên bung chỉ theo số lần sử dụng, các thương hiệu sẵn sàng giúp khách hàng làm lại chiếc quai mới, chỉnh sửa lại chiếc áo nếu có nhu cầu.

Quy trình bảo hành sản phẩm trọn đời là một trong những cách hữu hiệu giúp giảm thiểu rác thải ra môi trường, cho dù đó là rác dễ phân hủy. “Hẳn nhiên lợi nhuận sẽ ít hơn, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc các thương hiệu chung tay vì môi trường, vì tương lai cộng đồng” - nhà thiết kế Hải Minh bày tỏ.

Một cách thức khác góp phần kéo dài vòng đời sản phẩm là khuyến khích người mua dùng đồ second hand. Nhưng khuyến khích thôi chưa đủ, còn cần phải tạo điều kiện cho người mua tiếp cận sản phẩm. “Chợ” đồ second hand hay pre-owned (cụm từ chỉ hàng hiệu đã qua sử dụng) giờ đây đa dạng và sôi nổi từ thế giới thực đến thế giới mạng.

Hàng thùng, hàng đổ đống, những tiệm đồ second hand mọc lên như nấm ở các đô thị, dành cho những người thích mua trực tiếp. Với người thích mua sắm online thì có thể ghé qua “chợ” trên các ứng dụng Vestiaire Collective, Reebonz… Tại Việt Nam, hồi tháng Sáu năm nay, Re.Loved - ứng dụng thương mại dành cho người yêu thời trang tìm kiếm các phụ kiện cao cấp đã qua sử dụng, chính thức chào sân và hoạt động thăm dò, dự kiến có mặt trên các thiết bị Android và iOS vào giữa tháng 12 tới.

Không chỉ khuyến khích người dùng mua hàng pre-owned, Re.Loved còn đẩy mạnh thay đổi thói quen mua sắm bằng cách tạo cơ hội để người mua trả lại bao bì và hộp giấy, nếu họ không cần. Đồng quan điểm với cách làm này, nhà thiết kế Hải Long từ thương hiệu Hulos cho biết: “Trong năm sau, chúng tôi bắt đầu khuyến khích khách hàng bảo quản túi giấy, khi mang đến cửa hàng mua sản phẩm sẽ được giảm giá từ 5-10%”.

Bền vững đồng nghĩa với việc mua ít đi, sống chất lượng hơn. Chính những nỗ lực tích cực, thân thiện và hữu ích này đã đưa thời trang bền vững đến gần hơn với số đông, không chỉ thay đổi ý thức, mà còn tác động vào thói quen tưởng chừng khó bỏ của người tiêu dùng. 

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI