Myanmar xác nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên

24/03/2020 - 08:23

PNO - Myanmar vào cuối ngày 23/3 đã xác nhận 2 ca mắc COVID-19 đầu tiên sau nhiều tuần hoài nghi về việc quốc gia Đông Nam Á “miễn nhiễm” với căn bệnh này.

Quốc gia 54 triệu dân ở phía tây khu vực Đông Nam Á trong nhiều tháng qua đã không một báo cáo trường hợp nào về đại dịch vốn khiến hơn 1,7 tỷ người phải ở trong nhà của họ.

Chỉ với 214 người được xét nghiệm vào cuối ngày 23/3, các chuyên gia y tế và nhóm nhân quyền đã kêu gọi Myanmar “đứng lên và đối mặt” cuộc khủng hoảng tiềm tàng này.

Vào tối 23/3, Bộ Y tế Myanmar xác nhận một người Myanmar 36 tuổi trở về từ Mỹ và một người Myanmar khác 26 tuổi trở về từ Anh có kết quả dương tính với COVID-19. Cả hai đều là nam giới.

“Chúng tôi sẽ điều tra tất cả những người có liên hệ chặt chẽ với hai người này”, hãng tin AFP dẫn thông báo của cơ quan trên cho biết.

Đo nhiệt độ các chú tiểu ở Yangon. Ảnh: AFP
Đo nhiệt độ các chú tiểu ở Yangon - Ảnh: AFP

Thông báo này ngay lập tức khiến người dân đua nhau mua sắm tại một siêu thị 24 giờ ở thành phố Yangon.

Đất nước này có chung đường biên giới dài 2.100 km với Trung Quốc, nơi khởi phát virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Chuyên gia Phil Robertson thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền hồi tuần trước cáo buộc chính phủ Myanmar “thiếu trách nhiệm” khi tạo cho người dân một “cảm giác an toàn sai lầm”.

Một số cơ sở công cộng đã bị đóng cửa trong những ngày gần đây, từ trường học, rạp chiếu phim đến quán karaoke và tiệm massage.

Đất nước này cũng đã thực hiện bước đi chưa từng có trong việc hủy bỏ các hoạt động chào mừng trên đường phố theo kế hoạch và lễ hội té nước mừng năm mới vào tháng 4.

Hôm 23/3, hàng ngàn lao động nhập cư Myanmar đã tập trung đông đảo tại khu vực biên giới Thái Lan-Myanmar trước khi các cửa khẩu biên giới trên bộ bị đóng cửa theo kế hoạch.

Người nước ngoài đã kéo nhau rời khỏi Myanmar sau những lời cảnh báo từ nhiều đại sứ quán về nguy cơ bị mắc kẹt tại một quốc gia mà nhà phân tích Richard Horsey ở Yangon mô tả là có “một trong những hệ thống y tế công cộng yếu nhất thế giới”.

“Myanmar cũng gần như không có mạng lưới an sinh xã hội, vì vậy những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất sẽ phải gánh chịu khủng hoảng kinh tế và sức khỏe”, ông nói với AFP.

Một bác sĩ ở thị trấn Pathein, thậm chí đã lên Facebook để kêu gọi hỗ trợ, nói rằng bệnh viện của anh ta chỉ có 7 giường trong khu cách ly và chỉ có 1 máy thở, “không có cách nào” sẵn sàng chống dịch.

Các tổ chức nhân đạo lo sợ cho hàng trăm ngàn người di cư của Myanmar, vốn bị giam cầm trong các trại tại các khu vực xung đột của đất nước.

Chính phủ, Quốc hội và nhiều tổ chức khác ở Myanmar cũng chủ yếu do những người lớn tuổi lãnh đạo – nhóm nhân khẩu học dễ bị tổn thương nhất với COVID-19, ông Horsey cảnh báo.

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI