Mỹ vượt quá 150.000 người tử vong, tỷ lệ thất nghiệp ở Singapore cao nhất thập kỷ qua

30/07/2020 - 07:19

PNO - Các chuyên gia cảnh báo sự bùng nổ thông tin sai lệch, các trò lừa bịp đang cản trở công sức ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Mỹ vượt quá 150.000 người tử vong

Sáng 30/7, số người chết vì COVID-19 tại Mỹ đã vượt quá 150.000, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và chiếm gần 1/4 (khoảng 23%) tổng số trường hợp tử vong trên toàn thế giới.

Chỉ trong 11 ngày qua, Mỹ ghi nhận hơn 10.000 người chết, tỷ lệ gia tăng nhanh nhất kể từ đầu tháng 6, làm nổi lên các ý kiến trái chiều về biện pháp tốt nhất để khống chế đại dịch của nước này.

Tâm dịch ở Mỹ đã dịch chuyển sang khu vực phía Nam và Tây đất nước. Trong đó, Arkansas, California, Florida, Montana, Oregon và Texas là các tiểu bang chịu sự tàn phá nặng nề nhất của dịch bệnh với hàng chục ngàn ca nhiễm mới được báo cáo mỗi ngày.

Sự bùng phát này đã đè bẹp hy vọng Mỹ sớm vượt qua khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất, khi dịch COVID-19 buộc các công ty, cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa kinh doanh kéo theo hàng triệu người thất nghiệp.

Số người chết tại Mỹ tăng vọt trong nhiều ngày qua.
Số người chết tại Mỹ tăng vọt trong nhiều ngày qua

Tỷ lệ thất nghiệp ở Singapore cao nhất trong một thập kỷ qua

Tỷ lệ thất nghiệp của Singapore trong quý hai đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ với 2,9%, tăng 0,3% so với báo cáo quý một. Cùng với đó, tổng số việc làm (không bao gồm lao động nước ngoài) đã giảm hơn 4 lần, theo dữ liệu sơ bộ từ Bộ Nhân lực (MOM).

Có tới 90.500 cư dân Singapore thất nghiệp vào tháng 6/2020. Sự sụt giảm việc làm được ghi nhận trên cả 3 lĩnh vực: sản xuất, dịch vụ và xây dựng. Theo MOM, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao xuất phát từ việc chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa gắt gao từ ngày 7/4 đến 1/6 nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, và chỉ bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế vào ngày 2/6.

"Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn thấp hơn so với đỉnh suy thoái kinh tế trước đây trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và SARS" - MOM cho biết thêm.

Trước đó, tỷ lệ thất nghiệp từng được ghi nhận ở mức cao là 3,4% vào quý III/2009 và 4,8% vào quý III/2003 khi dịch SARS bùng phát.

Thông tin sai lệch ảnh hưởng đến nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 

Khi thế giới đang chạy đua phát triển, thử nghiệm vắc-xin và tập trung điều trị cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, sự bùng nổ thông tin sai lệch, các trò lừa bịp đang cản trở công sức của hệ thống y tế. 

Theo AP, hiện tượng này xuất hiện tràn lan hơn khi Tổng thống Donald Trump đăng tải một đoạn video sai về thuốc chống sốt rét có thể chữa được virus corona, bên cạnh đó các tình báo Nga cũng lan truyền thông tin không chính xác về cuộc khủng hoảng sức khỏe thông qua các trang web tiếng Anh.

Các chuyên gia lo ngại dòng thông tin sai lệch sẽ gây nguy hiểm, làm suy yếu các nỗ lực kiềm chế sự lây lan dịch COVID-19, khi thế giới đã ghi nhận gần 17 triệu ca nhiễm và hơn 660.000 người chết.

“Đây là một thách thức thực sự trong việc cố gắng truyền tải đến công chúng những thông tin chính xác nhất về những gì họ có thể làm để bảo vệ bản thân”, Michael Osterholm - người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Đại học Minnesota cho biết.

Chung Thu Hương (theo AP và CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI