Mỹ vượt mốc 8 triệu ca mắc COVID-19, WHO lo lắng về làn sóng thứ hai ở châu Âu

17/10/2020 - 07:07

PNO - Ít nhất 8.008.402 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận ở Mỹ cùng 218.097 người tử vong vì COVID-19.

Giám đốc WHO ở châu Âu lo lắng về làn sóng thứ hai của dịch COVID-19

Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới, Hans Kluge, cho biết ông “rất lo lắng” về làn sóng thứ hai ở châu Âu, nhưng cảnh báo không nên áp dụng các biện pháp phong tỏa toàn quốc khi các trường hợp nhiễm mới vẫn đang gia tăng tại đây. 

Thay vào đó, ông Kluge nói với CNN rằng, việc đeo khẩu trang, kiểm soát chặt chẽ các cuộc tụ tập xã hội, có thể cứu sống khoảng 281.000 người ở châu Âu trong vòng 6 tháng. Còn việc phong tỏa quốc gia là giải pháp cuối cùng, bởi hiện tại các nước đã biết và hiểu rõ hơn về dịch bệnh không như hồi đầu tháng 3.

Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục tồi tệ tại châu Âu.
Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục tồi tệ tại châu Âu

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins (JHU) và Tổ chức Y tế Thế giới, số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang gia tăng nhanh chóng ở hầu hết các quốc gia châu Âu. 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch là Pháp, Anh, Nga, Tây Ban Nha và Hà Lan. 

Trước tình hình dịch bệnh tiến triển trầm trọng, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo sẽ hủy hội nghị thượng đỉnh. Trước đó, hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 16/11 tại Berlin.

"Trong bối cảnh đại dịch, rõ ràng là chúng tôi sẽ không cho phép hội nghị thượng đỉnh không chính thức diễn ra. Tôi tin rằng đây là một thông điệp cần thiết khi các nước châu Âu đang thắt chặt các biện pháp y tế để đối phó với làn sóng thứ hai của dịch bệnh" - Thủ tướng Angela Merkel cho biết.

Mỹ vượt mốc 8 triệu ca mắc COVID-19

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, ít nhất 8.008.402 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận ở Mỹ cùng 218.097 ngời chết, kể từ khi bệnh nhân đầu tiên báo cáo mắc COVID-19 tại đây vào ngày 21/1. Chỉ mất 21 ngày, Mỹ đã tăng thêm 1 triệu ca nhiễm virus.

Những ngày qua, Mỹ liên tục ghi nhận các trường hợp mắc mới COVID-19 hằng ngày kỷ lục, khi nước này bắt đầu bước vào mùa đông. Bên cạnh đó, việc học sinh được trở lại lớp học cũng gia tăng nguy cơ lây lan virus.

Hoa Kỳ vượt mốc 8 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2.
Mỹ vượt mốc 8 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2

Sáng 17/10, Wisconsin đã báo cáo thêm 3.861 bệnh nhân dương tính với COVID-19, đánh dấu lần thứ 3 trong tuần phá kỷ lục số ca mắc mới, dấy lên những lo lắng cho chính quyền địa phương khi người dân tiểu bang sẽ bỏ phiếu bầu cử Tổng thống vào tuần tới.

Tương tự Wisconsin, tỷ lệ lây nhiễm virus đang gia tăng trên toàn quốc kể từ giữa tháng 9, với mức trung bình trong bảy ngày qua tăng gần 9% so với tuần trước, khi mà còn chưa đầy ba tuần nữa là đến cuộc bầu cử.

Các chuyên gia cảnh báo, mặc dù số bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 ít hơn nhiều so với đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch vào tháng 3 và tháng 4, nhưng nhiều ca tử vong dự kiến sẽ tăng nhanh do số trường hợp nhiễm mới tăng đột biến.

Vắc-xin COVID-19 dự kiến được đệ trình cấp phép ở Mỹ cuối tháng 11

Pfizer cho biết sẽ đệ trình lên chính phủ xin cấp phép vắc-xin COVID-19 mà họ đang phát triển vào cuối tháng 11, cho thấy rằng một loại vắc-xin có thể có sẵn ở Mỹ vào cuối năm nay.

Mốc thời gian này cũng đồng nghĩa với việc khó có khả năng có vắc-xin trước cuộc bầu cử như Tổng thống Donald Trump đã hứa. Pfizer, công ty phát triển vắc-xin với đối tác BioNTech của Đức, cho biết họ có thể xác nhận liệu vắc-xin có hiệu quả ngay trong tháng này hay không nhưng công ty cũng cần dữ liệu an toàn từ một thử nghiệm lâm sàng với 44.000 người và sẽ không có sẵn cho đến tháng 11.

Ngay khi tin tức về Pfizer được công bố giúp thị trường chứng khoán Mỹ nói chung và cổ phiếu của công ty tăng điểm. Trong khi đó, cổ phiếu của nhà sản xuất vắc-xin đối thủ Moderna giảm nhẹ. Cụ thể, cổ phiếu của Pfizer và BioNTech lần lượt tăng 3,5% và 3,9%, ngược lại cổ phiếu của Moderna giảm 1,5%.

“Hãy để tôi nói rõ, giả sử nếu có dữ liệu tích cực, Pfizer sẽ đăng ký Sử dụng cấp phép khẩn cấp ở Mỹ, ngay sau khi đạt được cột mốc an toàn vào tuần thứ ba của tháng 11” - Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho biết.

Khi được hỏi về tin tức Pfizer, phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere nói: “Tổng thống tiếp tục lạc quan rằng chúng tôi sẽ sớm có một hoặc nhiều loại vắc-xin, trước cuối năm nay”.

Chương trình Operation Warp Speed của chính phủ Mỹ đã chi hàng tỷ đô la để phát triển vắc-xin và phương pháp điều trị COVID-19. Theo đó, Mỹ đã ký một thỏa thuận để mua các mũi vắc-xin của Pfizer nếu chúng chứng minh được sự hiệu quả và an toàn.

Chung Thu Hương (theo Reuters và CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI