Mỹ: vợ chồng ly tán sau lệnh cấm người Hồi giáo của ông Trump

02/03/2019 - 06:00

PNO - Kết hôn vào năm 2016, Fereshteh Abbasi và Chris Gibson không thể ngờ rằng có ngày cuộc sống gia đình họ rơi vào tình huống bế tắc đến vậy chỉ vì quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vào cuối tháng 1/2017, ông Donald Trump trong nỗ lực hiện thực hóa lời hứa từ khi tranh cử, đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân đến từ những nước đạo Hồi.

Đối với Abbasi, người Iran, đó là “ngày đen tối nhất trong cuộc đời”. Sau đám cưới, gia đình chuyển đến Grenada (một đảo quốc vùng Caribe) để chồng cô theo học ngành y ở đây. “Tôi ngồi trước TV, khóc nức nở và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi nếu tôi không thể quay trở lại Mỹ”, cô kể.

My: vo chong ly tan sau lenh cam nguoi Hoi giao cua ong Trump
 

Abbasi hiện vẫn chưa chắc liệu cô có được vào Mỹ với chồng là một công dân Mỹ hay không. Cô đã nộp đơn vào Mỹ từ tháng 7.2017 theo chế độ miễn trừ.

Mặc dù lệnh cấm được áp dụng với du khách đến từ các nước đạo Hồi, nhưng vẫn cho phép những người là thân nhân của công dân Mỹ như vợ/chồng, hôn phu/hôn thê được vào Mỹ theo diện miễn trừ. Tuy nhiên nhiều người cho rằng quy định này là giả tạo vì thực tế, rất ít người được hưởng chế độ miễn trừ.

Mặc dù đã hơn 2 năm trôi qua kể từ khi lệnh cấm được ban hành, hàng ngàn thuộc diện được miễn visa vẫn chưa biết số phận của họ ra sao. Số liệu công bố vào tháng 4.2018 cho thấy chỉ có 579 trường hợp được miễn trừ trong số hơn 33.000 đơn. Chính quyền Mỹ cũng không bình luận về con số này.

Trước khi có lệnh cấm, cần khoảng 2 năm để vợ/chồng hay hôn phu/hôn thê của một công dân Mỹ có thể lấy được visa. Visa sẽ được cấp khoảng 6 tháng sau phỏng vấn.

Newsha Tavakoli ở Atlanta cho biết chồng cô là người Iran, Mohammad Esnashari, đã qua phỏng vấn từ tháng 7 năm ngoái nhưng hồ sơ xin nhập cảnh của anh vẫn “đang được xử lý” từ nhiều tháng nay.

“90% suy nghĩ của tôi mỗi ngày là làm thế nào thoát ra khỏi tình trạng hiện nay”, Tavakoli chia sẻ. “Tôi cảm thấy bế tắc và không biết phải làm gì”.

Tavakoli và Abbasi cho biết họ đã liên hệ với hơn 600 cặp đôi cùng hoàn cảnh qua một mạng xã hội Iran. Nhóm này thường xuyên cập nhật các bài viết chia sẻ kinh nghiệm để vượt qua thử thách, nhưng hầu như không có bài viết nào đưa ra câu trả lời, kể cả từ những luật sư chuyên về nhập cư.

Taha Bahadori ở Seattle cho biết, luật sư từ chối nhận làm hồ sơ cho vợ chồng anh vì không có thông tin nào đảm bảo họ có thể nhận được visa.

“Có rất nhiều câu hỏi không được giải đáp. Điều này gây khó khăn cho luật sư trong quá trình tư vấn cho khách hàng”. Shabnam Lofti, một luật sư ở bang Wisconsin nói. Cô cho hay một số khách hàng của mình đã ly dị hoặc chia tay vì thời gian chờ đợi mòn mỏi khiến quan hệ của họ trở nên căng thẳng.

My: vo chong ly tan sau lenh cam nguoi Hoi giao cua ong Trump
 

Anh Arya Salem ở bang Virginia thì thú nhận anh cảm thấy tội lỗi khi đặt vợ mình vào những lo lắng, căng thẳng khi phải xin visa vào Mỹ. Để bù đắp, anh và vợ phải đi gặp nhau ở những nước mà cả công dân Mỹ và Iran đều được chào đón, như là Thổ Nhĩ Kỳ.

“Mọi người không nhận ra rằng cuộc sống của những công dân Mỹ bị ảnh hưởng rất nhiều. Các gia đình Mỹ đang bị xé lẻ ra”, Brian Swank, có hôn thê là người Iran thể hiện sự bức xúc. Swank cho rằng sự ngăn cách với vợ sắp cưới đã khiến cả hai rơi vào lo lắng và trầm cảm.

Hai người đành phải nói chuyện qua Facetime nhiều lần trong ngày. Chúng tôi sẽ không từ bỏ giấc mơ của mình. Chúng tôi không đặt câu hỏi liệu có nên ở bên nhau không mà là làm thế nào để vượt qua thách thức đó.

Lofti và nhiều tổ chức phi lợi nhuận đang kiện chính quyền liên bang Mỹ nhân danh 36 cặp vợ chồng thuộc diện được miễn visa nhập cảnh nhưng lại bị từ chối nhập cảnh hoặc xử lý chậm trễ. Một thẩm phán tại một tòa án Bắc California đã đồng ý tiếp nhận vụ kiện, từ chối yêu cầu của chính quyền là phải bác bỏ vụ kiện.

Minh Nhiên (The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI