Lướt mạng xã hội chỉ khoảng 2 bài của bạn bè là sẽ có 1 bài quảng cáo chen ngang. Rộ nhất là giới thiệu viện phẫu thuật thẩm mỹ, sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ với đủ loại dịch vụ: cắt mắt 2 mí, nâng cơ, xóa nám, tan mỡ bụng, cải tạo vòng một… Làm đẹp là quyền của mọi người.
Nếu tự nguyện làm đẹp và tiếp cận được dịch vụ chất lượng, uy tín thì không cần bàn. Điều đáng nói là cách chiêu dụ của nhiều clip quảng cáo rất thô thiển, lạm dụng đề tài hôn nhân gia đình kiểu “không ghé vào đây làm đẹp thì mất chồng ráng chịu nhen mấy chế”.
|
Một clip quảng cáo viên uống dưỡng nhan cho phụ nữ - bí kíp làm đẹp và giật lại chồng từ tay cô bồ |
Không biết là thật hay diễn khi các chị thản nhiên lên “sóng” công khai nói vì mình xuống sắc nên chồng có bồ. Vợ hết đẹp, chồng được quyền “quay xe”. Chị tỏ vẻ rất buồn bã, hoang mang nhưng đành vậy. Khi đó, dao kéo tại mỹ viện trở thành “chiếc phao cứu sinh” của chị, của hạnh phúc gia đình.
Nếu là thật, chẳng lẽ chị chấp nhận “bán đứng” danh dự của chồng chỉ vì hợp đồng quảng cáo cho mỹ viện - ân nhân giúp chị giữ chồng? Nếu là diễn thì thông tin xác thực (chị bao nhiêu tuổi, ở quận nào, thành phố nào) lại càng trở nên lố bịch, khinh thường người xem. Và không ngoại trừ trường hợp có người bị đánh cắp hình ảnh, sử dụng không xin phép.
Một chị phải “đập mặt xây lại” vì trót vướng những điều tối kỵ trong quan niệm của mẹ chồng như lõm thái dương, gò má cao… sẽ rất khắc phu. Chị thoát khỏi sự nghi kỵ không phải bằng phân tích, thuyết phục mẹ chồng cởi bỏ quan niệm cổ hủ, thiếu cơ sở này mà bằng cách cạo gọt chính cơ thể mình. Chồng, mẹ chồng, nhà chồng có bao nhiêu điều cấm kỵ, chẳng lẽ người phụ nữ phải đục đẽo toàn thân để làm đẹp lòng họ?
Chữ tự tin được lặp đi lặp lại trong các clip quảng cáo như một đường mòn, như một sự hiển nhiên đến nỗi người ta quên hỏi: “Tự tin mà đòi phải có điều kiện (đi làm phẫu thuật) thì có còn là tự tin nữa không?”. Với vẻ mặt hí ha hí hửng, một chị tự nhận đã trải qua phẫu thuật làm đẹp thành công khoe dạo này chồng rất thích dắt chị đi tiệc tùng; trái ngược với trước đây chồng thường giấu vợ, khách đến nhà mà chồng còn không muốn cho vợ ra chào. Giờ chẳng những chị khỏi phải giữ chồng mà chồng còn sợ mất vợ?!
|
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto |
Từ những clip phụ nữ tươi tắn, gợi cảm, lung linh, hình ảnh toàn diện về người phụ nữ chưa bao giờ… thảm hại như thế. Họ bị “vật thể hóa”, trở thành món trang sức, phụ kiện cho người đàn ông bên cạnh, mà họ lại lấy đó làm niềm tự hào. Những nội dung ấy lạc lõng, tiêu cực nhất là thời nay, bao người đang nỗ lực đấu tranh từng phút giây cho bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Ở nhiều clip quảng cáo với dòng chữ “được tài trợ” này đâu chỉ có phụ nữ bị hạ thấp mà đàn ông cũng bị hạ thấp. Họ chỉ là những kẻ háo sắc, không tri thức, không trái tim, không tình cảm. Đâu chỉ có phụ nữ và đàn ông bị hạ thấp mà giá trị gia đình cũng trở thành con số không. Nói chung, chỉ có mỹ viện và những đường rạch, những mũi tiêm là “lên ngôi”.
Chị Mẫn Ngọc (quận 8, TPHCM) cho biết mái ấm của chị đang lung lay chỉ vì chị yếu lòng trước lời chiêu dụ của mỹ viện: cắt mắt 2 mí cho chồng mê hồn. Rồi chị trở thành tín đồ nghiện cắt, sửa, độn, gọt toàn thân. Chị lo âu, bộc bạch: “Mình tốn kém quá nhiều cho thẩm mỹ viện vì không phải lần nào cũng được như ý, phải làm đi làm lại. Không dám nói cho chồng biết chi phí, mình âm thầm vay lãi suất cao và dần không còn khả năng chi trả. Chồng lo chi phí sinh hoạt và trả góp tiền mua nhà quá mệt mỏi, phát hiện mình lén vay nóng, anh càng trách mắng, căng thẳng. Rồi con gái bất ngờ đổ bệnh, rồi hụt tiền đóng học phí cho 2 con…”.
Chị nào biết xung đột về tiền bạc chỉ là phần ngọn. Phần gốc là chồng chị bất mãn khi nhận ra vợ mình suy nghĩ quá nông cạn, ngây ngô rằng phải đầu tư sắc đẹp, níu kéo tuổi xuân thì mới giữ được chồng. Tại sao phụ nữ lại nghĩ giá trị của mình chỉ ở mày ở mắt, ở vóc ở da? Anh ngỡ ngàng khi chị sống với anh 14 năm, đã có 2 mặt con mà thực sự không hiểu chồng là ai, không hiểu mình sống với nhau vì điều gì.
|
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto |
Chồng vốn yêu nét đẹp tự nhiên của chị, dù có hé lộ chút tuổi tác nhưng trông chị hiền, mộc mạc và riêng biệt. Chồng chị vẫn đồng ý việc chị thay đổi diện mạo nhưng không thông cảm nổi chuyện làm đẹp bằng mọi giá và mất cân bằng những nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Nếu mỹ viện và chỉ có mỹ viện cứu được hạnh phúc gia đình thì mỹ viện sẽ mọc lên như nấm và người vợ có chắc mình là cô tiên đẹp nhất, hấp dẫn chồng mình nhất trong số các cô tiên bước ra từ nhan nhản những lò sửa nhan sắc? Hôn nhân đâu chỉ là ngắm nhau mà phải có cả lắng nghe, chia sẻ, yêu thương, nương tựa, cùng gánh vác trách nhiệm con cái, đại gia đình…
Tô Diệu Hiền