Mỹ vẫn chìm đắm trong cuộc chiến sống còn với COVID-19

10/04/2020 - 13:00

PNO - Mỹ đang bước vào thời điểm khó khăn nhất và đáng buồn nhất đối với nhiều người Mỹ trong cả cuộc đời của họ.

“Tuần này sẽ là thời điểm Trân Châu Cảng, thời điểm 11/9. Đây là thời điểm khó khăn nhất và đáng buồn nhất đối với nhiều người Mỹ trong cả cuộc đời của họ”. (Jerome Adams)

Tình hình xấu đi trước khi tốt lên 

Tổng thống Trump nói tại cuộc họp báo hằng ngày tại Nhà Trắng (ngày 4/4): “Tuần này chắc sẽ là tuần khó khăn nhất… nhưng đã thấy ánh sáng cuối đường hầm”. Rõ ràng ông Trump ủng hộ nhận định của các chuyên gia y tế hàng đầu như ông Anthony Fauci (Giám đốc Viện NIAID) và bà Deborah Birx (điều phối nhóm đặc nhiệm về Covid-19 tại Nhà Trắng). 

Ông Jerome Adams đã nói với Fox News Sunday (ngày 5/4): “Tuần này sẽ là thời điểm Trân Châu Cảng, thời điểm 11/9… Đây là thời điểm khó khăn nhất và đáng buồn nhất đối với nhiều người Mỹ trong cả cuộc đời của họ”. Trước đó , ngày 31/3 các chuyên gia y tế hàng đầu nhận định rằng trong mấy tháng tới, hàng triệu người Mỹ có thể lây nhiễm và “100.000 đến 240.000 người Mỹ có thể chết vì COVID-19”. Dự báo gây sốc đó dựa trên tính toán khoa học, được Nhà Trắng ủng hộ. Kết cục đó vừa do COVID-19 từ Trung Quốc đổ bộ vào Mỹ, vừa do người Mỹ chủ quan.   

Theo New York Times (ngày 4/4), có 430.000 hành khách đã đến Mỹ trên các chuyến bay từ Trung Quốc, trong đó có 4.000 người Trung Quốc đến từ Vũ Hán (theo VariFlight). Với cuộc đổ bộ đó làm sao Mỹ “ngăn chặn được người Trung Quốc” như ông Trump nói. COVID-19 đã âm thầm lây lan mà không biết, vì 25% số người bị lây nhiễm không có triệu chứng.  

Đến sáng 9/4, COVID-19 đã lan ra 209 nước và vùng lãnh thổ, với 1.509.678 ca lây nhiễm và 88.334 người chết. Mỹ nay đứng đầu với 427.101 ca lây nhiễm và 14.668 người chết. Tây Ban Nha đứng thứ hai với 148.220 ca và 14.729 người chết. Ý đứng thứ ba với 139.422 ca và 17.669 người chết. Nhưng COVID-19 như một kẻ khát máu vẫn chưa buông tha.    

Không đối phó kịp thời 

Ngay sau khi Mỹ và Trung Quốc ký kết “giai đoạn một” của thỏa thuận thương  mại (ngày 15/1), hai siêu cường lại bị xô đẩy vào cuộc chiến mới với COVID-19, với hệ quả khó lường. Thiệt hại không chỉ về người mà còn làm khủng hoảng kinh tế và chính trị. Mỹ và Trung Quốc nay không chỉ tranh chấp về thương mại mà còn cãi nhau về nguồn gốc COVID-19. 

Theo Bloomberg (ngày 2/4) Nhà Trắng đã được các cơ quan tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc đã không nói thật về con số lây nhiễm và chết do COVID-19, nên Mỹ đã bị động không đối phó kịp thời với đại dịch này. Nhưng thiếu hụt thông tin chỉ là một phần câu chuyện, phần còn lại là do chính mình. Tại sao Đài Loan đối phó được mà Mỹ lại không?  

Dù COVID-19 lây lan thành đại dịch có phải là chủ định như một vũ khí sinh học hay không (theo thuyết âm mưu) thì chẳng ai khẳng định được. Chỉ biết rằng nay Milan và New York đang biến thành Vũ Hán. Đó là hệ quả của tình trạng thiếu hợp tác do hỗn loạn trong “trật tự thế giới”. Đó là nguyên nhân làm các nước không thể đối phó kịp thời. 

Vừa đối đầu vừa hợp tác

Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, EU và Mỹ phải tự cứu mình. Một EU với 550 triệu dân và hầu như không còn biên giới, đang bị bỏ ngỏ. Trong khi Ý bị EU bỏ rơi thì Trung Quốc, Nga và Cuba tỏ ra hào phóng. Hình ảnh đoàn xe quân sự cắm cờ Nga, sơn logo “From Rusia With Love”, diễu hành trên đất Ý là một thách thức đối với NATO. 

Trong bối cảnh chính trị Mỹ phân hóa sâu sắc làm vô hiệu hóa chính sách công, chắc ông Trump không thể tiếp tục giành phiếu bằng cách đánh bạc với COVID-19, vì hệ quả khó lường. Nếu hàng triệu người Mỹ bị lây nhiễm và hàng trăm ngàn người chết như cảnh báo, thì cơ hội tái cử của ông chắc cũng tiêu tan. Liệu Mỹ có để cho các bác sĩ Cuba vào giúp không? 

Khủng hoảng COVID-19 đã làm bộc lộ các góc khuất và “gót chân A-sin” của các nước. Loài người cần tỉnh ngộ trước bản chất của cuộc chiến toàn cầu với COVID-19, vì họ vẫn chưa hiểu đối thủ và không sẵn sàng đối phó do còn nhiều “điểm mù”. Không chỉ các đảng phái chính trị mà các cộng đồng dân chúng cũng bị phân hóa và ngày càng cực đoan. 

Theo giáo sư Graham Allison (Đại học Harvard), Mỹ và Trung Quốc có thể vừa đối đầu vừa hợp tác để chống lại COVID-19, dù là “đối tác hạn chế” vì các nước phụ thuộc lẫn nhau. Tuy đó là một nghịch lý của toàn cầu hóa, nhưng “không có cách nào khác”. 
***
Mùa xuân sắp qua, mùa hè sắp tới. Nhưng COVID-19 vẫn chưa dừng lại. Hãy còn quá sớm để khẳng định “COVID-19 sẽ vẫy tay chào Việt Nam để ra đi trong nắng hè rực rỡ”. Dù điều đó có là sự thật chăng nữa thì biết đâu sang năm hay sau đó, COVID-19 hay bà con của nó sẽ quay lại. 

 

Nguyễn Quang Dy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI