Hôm 28/9, nhóm điều tra quốc tế do Hà Lan lãnh đạo (JIT) đã tổ chức họp báo ở thành phố Nieuwegein của Hà Lan, công bố kết luận sơ bộ về vụ chiếc máy bay Boeing 777 thuộc chuyến bay MH17, bị bắn rơi trên bầu trời Donetsk/Ukraine ngày 17/7/2014, khiến 298 người trên máy bay thiệt mạng.
Nhóm điều tra, bao gồm các đại diện đến từ Australia, Malaysia, Ukraine và Bỉ cho biết, kết luận của họ dựa trên những bằng chứng phong phú, bao gồm cả kiểm tra pháp y, lời khai của nhân chứng, hình ảnh vệ tinh, dữ liệu radar và số liệu chặn thu các cuộc gọi điện thoại.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra Trung ương Hà Lan Wilbert Paulissen tuyên bố, kết luận điều tra của nhóm điều tra quốc tế cho thấy, máy bay Boeing 777/MH17 bị bắn rơi bởi tên lửa dòng 9M38, phóng từ hệ thống phòng không Buk do Liên Xô sản xuất.
Nhóm điều tra quốc tế còn đưa ra kết luận rằng, hệ thống tên lửa Buk này được chuyển từ Nga sang miền Đông Ukraine và sau đó lại được đưa quay trở lại lãnh thổ Nga. Dữ liệu vệ tinh từ Mỹ và Cơ quan Vũ trụ châu Âu, cùng với lời khai của nhiều nhân chứng xác nhận điều này.
|
Hình ảnh xe chở hệ thống Buk của Nga chạy ở miền Đông Ukraine, cắt ra từ các clip trên mạng |
Hệ thống Buk được triển khai tại khu vực phóng rộng khoảng 500 - 700m, nằm ở một cánh đồng ở phía Nam thị trấn Snizhne, gần làng Pervomaiski, thuộc tỉnh Donetsk, vùng Donbass. Khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng dân quân Donetsk, được cho là thân Nga.
Sau đó, hệ thống tên lửa Buk đã bắn rơi chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia. Nửa đêm về sáng ngày 18/7, hệ thống phòng không này đã ngay lập tức được đưa qua biên giới Nga, thông qua hành lang biên giới do các tay súng ly khai vùng Lugansk thiết lập.
Nhóm điều tra cho biết, trong quá trình thu thập chứng cứ họ đã được sự trợ giúp của một số nhân chứng vô danh, họ đã gửi các thông tin lên trang web của JIT. Theo truyền thông, có thể nhóm điều tra quốc tế đã được sự trợ giúp của nhóm blogger mang tên “Bellingcat” ở Leicester của Anh.
Theo lời sáng lập viên Bellingcat là blogger Elliot Higgins (bí danh Brown Moses), cộng đồng Internet “Bellingcat”, bao gồm toàn bộ các tình nguyện viên làm việc miễn phí, chuyên làm nhiệm vụ thu lượm và tập hợp dữ kiện dành cho hàng triệu người dùng Internet.
Ngày 15 tháng 7 năm 2016, cộng đồng internet Bellingcat đã công bố một bản báo cáo, trưng ra các bằng chứng trực tiếp và gián tiếp, chỉ ra sự dính líu của Nga trong vụ MH17 và việc quân đội Nga can dự vào cuộc nội chiến ở miền Đông Ukraine.
Trước những cáo buộc của phương Tây thông qua các cuộc điều tra của Bellingcat, giới chức lãnh đạo Nga tuyên bố rằng, rõ ràng đây là trò lừa đảo, bịa đặt mà tình báo và truyền thông phương Tây thường sử dụng trong các chiến dịch thông tin đặc biệt chống Nga.
Giới truyền thông và cư dân mạng Nga cũng đã tập hợp lại thành cộng đồng AntiBellingcat và tiến hành phản công lại. Mới đây, Ban biên tập tờ Segodnya.ru và cộng đồng AntiBellingcat đã tung ra bằng chứng tuyên bố nhóm Bellingcat gian lận, bịa đặt.
Mục tiêu là dẫn dắt dư luận đến thực tế là lực lượng vũ trang Nga và dân quân Donbass cần chịu trách nhiệm về vụ hủy diệt chiếc Boeing-777. Theo ý tưởng của Mỹ và phương Tây, cuộc điều tra của Bellingcat phải là nòng cốt trong báo cáo của Ủy ban điều tra.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi theo dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, cộng đồng Internet Bellingcat nằm dưới sự bảo trợ của cơ quan tình báo Mỹ, Anh và hàng loạt quốc gia khác, được sử dụng như công cụ trực tuyến để tung ra những tư liệu mang tính chống Nga.
Làm thế nào Mỹ biết máy bay MH17 bị tên lửa bắn hạ?
Chính phủ Mỹ có thể đã sử dụng một hệ thống vệ tinh do thám tiên tiến có khả năng phát hiện tên lửa thông qua tín hiệu nhiệt để biết được chuyến bay MH17 đã bị bắn rơi ở Ukraine.
Tờ Los Angeles Times (Mỹ) cho biết, công nghệ do thám chuyên biệt mang tên MASINT (viết tắt của Tình báo tín hiệu và đo lường) cho phép Mỹ nhận dạng và lần theo các tín hiệu điện tử giống như cách hoạt động của radar.
Los Angeles Times khẳng định Mỹ sở hữu các đội vệ tinh ghi dò âm thanh, vệ tinh cảnh báo sớm và những vệ tinh này có thể đã nhận dạng được vị trí của nơi phóng cùng đường bay của tên lửa bắn vào máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines ở độ cao 10.000 m.
Chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines được cho là đã bị rơi ở miền đông Ukraine, khiến 289 người thiệt mạng.
Các quan chức Mỹ sau đó dựa theo các báo cáo tình báo khẳng định chiếc máy bay đã bị trúng tên lửa đất đối không.
Los Angeles Times cũng dẫn lời ông Riki Ellison, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Liên minh Ủng hộ Phòng thủ Tên lửa (MDAA) tại Mỹ nói rằng Lầu Năm Góc có thể đã phát hiện vụ phóng tên lửa nói trên từ tín hiệu nhiệt.
Ông Ellison còn tiết lộ rằng Không quân Mỹ sở hữu các vệ tinh “dùng cảm biến hồng ngoại để phát hiện nhiệt từ tên lửa tỏa xuống mặt đất khi được phóng đi”.
Tờ báo Mỹ cho biết thêm rằng hệ thống radar của Mỹ và những khí tài quốc phòng khác trong khu vực cũng sẽ giúp phát hiện tên lửa đất đối không và báo về cho trụ sở Ban chỉ huy châu u của Mỹ ở Stuttgart (Đức).
“Họ có thể đã biết chính xác nơi phóng, hướng bay và tốc độ của tên lửa”, ông Ellison nhận định.
Ngoài ra, Mỹ đã vận hành một số vệ tinh “có khả năng nghe”, tức có khả năng ghi nhận các tín hiệu điện tử phát ra từ các hệ thống phòng thủ nước ngoài, theo Los Angeles Times.
Dữ liệu thu thập từ loại vệ tinh kể trên cho phép các nhà phân tích tìm ra được nguồn gốc của tín hiệu và loại vũ khí đã được sử dụng.
Minh Đức