Mỹ và Trung Quốc đạt tiếng nói chung về khí hậu

11/11/2021 - 06:59

PNO - Tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 hôm 10/11, Trung Quốc và Mỹ đã công bố một sáng kiến chung nhằm tăng cường hành động vì khí hậu.

Đặc phái viên lâu năm về khí hậu của Bắc Kinh - Xie Zhenhua - nói với các phóng viên tại Hội nghị thượng đỉnh COP26: “Cả hai bên đều nhận ra khoảng cách giữa nỗ lực hiện tại và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, vì vậy chúng tôi sẽ cùng nhau tăng cường hành động vì khí hậu”.

Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia phát thải lớn nhất trên thế giới và chiếm gần 40% tổng lượng ô nhiễm carbon.

Ông Xie cho biết, sáng kiến sẽ liên quan đến "các kế hoạch cụ thể" để tăng cường hành động trong thập kỷ này. Đồng thời, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang "làm việc để hoàn thiện sách quy tắc Thỏa thuận Paris" tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Glasgow.

Ông Xie nói với các phóng viên rằng Trung Quốc sẽ tăng cường các mục tiêu cắt giảm khí thải và dự định xây dựng một kế hoạch quốc gia về khí metan. Ông cũng cho biết cả hai nước đều muốn làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn nạn phá rừng.

Hai quốc gia sẽ thành lập một nhóm làm việc để tăng cường hành động đến năm 2030, dự kiến ra mắt vào nửa đầu năm 2022.

Ông Xie tiết lộ rằng Trung Quốc và Mỹ đã thực hiện 30 cuộc họp trực tuyến trong suốt 10 tháng qua để đưa ra sáng kiến. Ông nói: “Là hai cường quốc trên thế giới, Trung Quốc và Hoa Kỳ phải có trách nhiệm hợp tác với các bên khác để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Trưởng đoàn đàm phán về khí hậu của Trung Quốc Xie Zhenhua phát biểu về một tuyên bố chung của Trung Quốc và Mỹ về tăng cường hành động vì khí hậu tại hội nghị khí hậu COP26 ở Glasgow
Trưởng đoàn đàm phán về khí hậu của Trung Quốc Xie Zhenhua phát biểu về một tuyên bố chung của Trung Quốc và Mỹ về tăng cường hành động vì khí hậu tại Hội nghị khí hậu COP26 ở Glasgow

Nick Mabey - đồng sáng lập của tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu E3G - nhận định: “Ý nghĩa lớn của việc này là về mặt địa chính trị. Cam kết cao cấp này gây áp lực buộc cả hai quốc gia phải thay đổi lập trường của mình để giúp COP26 thành công”.

Theo Hiệp định Paris năm 2015, các quốc gia cam kết nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu từ 1,5 đến 2 độ C thông qua việc cắt giảm phát thải sâu rộng.

Các đại biểu quốc tế ở Glasgow, Anh đang đàm phán về cách thực hiện các mục tiêu về nhiệt độ của Thỏa thuận Paris, bên cạnh việc giúp đỡ các quốc gia dễ bị tổn thương chống lại biến đổi khí hậu.

Liên Hiệp Quốc cho biết, kế hoạch cắt giảm khí thải hiện tại của tất cả các quốc gia, nếu thực hiện cùng nhau, vẫn khiến trái đất ấm lên 2,7 độ C vào năm 2100.

Linh La (theo Reuters, SCMP, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI