Bế đứa bé nhỏ xíu trong tay đang lả đi vì đói, người mẹ trẻ Hanan Saleh loay hoay tìm cách mang cậu con trai mới 9 tháng tuổi của mình đến một bệnh viện ở thủ đô Sanaa cách thị trấn nơi cô sống hơn 70km để chữa bệnh.
Thế nhưng, cô không thể xoay đâu ra được số tiền 30 USD (khoảng 700 ngàn đồng) để lo chi phí tàu xe cho 2 mẹ con.
|
Một bà mẹ người Yemen đang bế đứa con nhỏ suy dinh dưỡng và bị bệnh nhưng không có tiền để đưa đi bệnh viện - Ảnh: Save the Children |
Thiếu hụt nguồn viện trợ và cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng
Trước đó, cô Saleh phải dựa vào sự hỗ trợ về tài chính của Tổ chức Cứu trợ trẻ em, nơi cũng nhận các nguồn tài trợ từ chính phủ Mỹ, để lo cho các chi phí thiết yếu như đi lại, chăm nuôi con nằm viện. Nhưng kể từ khi Mỹ quyết định cắt nguồn ngân sách đóng góp cho các cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) và những tổ chức phi chính phủ quốc tế như Cứu trợ trẻ em thì những người nghèo như cô đành phải tự thân vận động để xin tiền chữa bệnh cho cậu con trai chưa đầy một tuổi đang bị suy dinh dưỡng nặng của mình.
“Thằng bé chết cách đây 2 tháng”, cô Saleh bật khóc khi gặp lại phóng viên trong những ngày đầu năm 2021.
Việc cắt ngân sách tài trợ của Mỹ và các nước phương Tây dành cho Yemen đang khiến đất nước này rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở mức nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Theo Văn phòng Điều phối viện trợ nhân đạo LHQ tại Yemen, quốc gia này nhận được tổng cộng 1,6 tỷ USD tiền viện trợ cho các chương trình nhân đạo trong năm 2020, giảm hơn một nửa so với nguồn viện trợ nhận được năm 2019.
Bên cạnh đó, hàng trăm triệu USD đã được cam kết bởi các nhà tài trợ lớn dành cho Yemen cũng đã bị “đóng băng” không thể giải ngân được. Có ít nhất 15 trong tổng số 41 chương trình hỗ trợ chính của LHQ cũng đã bị trì hoãn hoặc hủy bỏ bởi không có ngân sách để triển khai.
|
Hàng triệu người dân Yemen, trong đó có nhiều trẻ em, đang bị đói vì thiếu lương thực - Ảnh: Ahmad Al-Basha/AFP/Getty Images |
Tình trạng cắt giảm ngân sách viện trợ nhân đạo xảy ra ngay trong thời điểm "Yemen đang đối mặt với nạn đói khủng khiếp nhất thế giới mà loài người từng chứng kiến trong hơn một thập niên qua", Tổng thư ký LHQ António Guterres cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh: "Nếu thiếu vắng các hành động tức thì, hàng triệu người có thể bị tước mất mạng sống của mình".
Hàng triệu trẻ em bị ảnh hưởng
Aidan O’Leary - Trưởng Văn phòng Điều phối viện trợ nhân đạo LHQ tại Yemen - cho biết, vấn đề thiếu hụt nguồn tài trợ có thể dẫn đến những cuộc khủng hoảng lương thực quy mô lớn gây tác động trực tiếp đến hơn 5 triệu người, tước mất quyền được chăm sóc sức khỏe cơ bản cho 9 triệu người, với hơn nửa triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng.
“Một nền kinh tế rơi tự do, nạn châu chấu phá hoại mùa màng, những cơn lũ lớn, cùng với sự lây lan mất kiểm soát của đại dịch COVID-19 đã khoét sâu hơn vết thương của cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đất nước này”, một cán bộ thuộc nhóm cứu trợ của LHQ bình luận.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), hiện có 24 triệu người dân Yemen, chiếm 80% dân số, bao gồm hơn 12 triệu trẻ em, đang trong diện cần được cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.
Còn theo đại diện của tổ chức Oxfam thì 1/2 cơ sở y tế trên khắp đất nước Yemen đã bị phá hủy hoặc đang trong tình trạng không thể hoạt động khiến dịch bệnh lây lan làm cho người dân nước này trở nên dễ bị tổn thương trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2.
Một nghiên cứu của UNICEF cho thấy, kể từ khi chính phủ Mỹ dừng các gói viện trợ ngân sách cho Yemen trị giá 73 triệu USD vào tháng 3/2020, thì chỉ trong vòng 7 tháng sau đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi ở quốc gia này đã tăng vọt một cách kỷ lục ở mức chưa từng có trước đó.
|
Suy dinh dưỡng trẻ em là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với Yemen trong suốt thời gian vừa qua - Ảnh: Essa Ahmed/AFP/Getty Images |
Năm 2019, Tổ chức Cứu trợ trẻ em đã tiếp cận và hỗ trợ khoảng 1,2 triệu người lớn và trẻ em ở khu vực miền Bắc Yemen. Thế nhưng, do tác động của việc cắt ngân sách tài trợ từ chính phủ Mỹ hồi tháng 3/2020, số người được tổ chức nhân đạo này giúp đỡ thông qua chương trình hỗ trợ thực phẩm đã giảm xuống chỉ còn 21.000 hộ gia đình.
Bà Kareema Al-Maakhathi - phụ trách bệnh viện Raydah, nơi có chương trình hợp tác với Tổ chức Cứu trợ trẻ em - cho biết, hiện nay nhiều người dân thậm chí còn không có khả năng chi trả tiền tàu xe để đến được bệnh viện.
“Trước đây, bệnh viện chúng tôi tài trợ toàn bộ chi phí đi lại ăn ở cho bệnh nhân là trẻ em cùng người nhà của họ khi đến đây khám chữa bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi buộc phải chấm dứt những khoản hỗ trợ đó từ cách đây 3 tháng”, bà Maakhathi nói.
"Chỉ trong tháng 10/2020, có tới 7 đứa trẻ, tất cả đều dưới 5 tuổi, đã chết chỉ vì gia đình chúng không có đủ tiền để thuê xe đưa đến bệnh viện. Tệ hại hơn, gần đây, ngay cả y bác sĩ chúng tôi cũng đành phải quay lưng trước những lời cầu xin thức ăn của bệnh nhân, kể cả trẻ em, bởi trong kho của bệnh viện không còn có chút thực phẩm nào sót lại cả”.
Lựa chọn để chết tại nhà
Tình hình càng trở nên bi đát hơn đối với người dân ở những vùng sâu vùng xa và khu vực hẻo lánh khi hàng trăm đứa trẻ sơ sinh đã chết tại nhà chỉ vì các bệnh viện địa phương hầu hết phải đóng cửa ngừng hoạt động do thiếu hụt kinh phí.
|
Hầu như toàn bộ hệ thống y tế địa phương của Yemen đều bị ngưng hoạt động khiến nhiều trẻ em không thể tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản - Ảnh: CNN |
Người mẹ trẻ Hanan Saleh cho biết đáng lẽ con cô đã có cơ hội sống sót nếu cô có đủ tiền để mang con đến chữa trị ở bệnh viện lớn hơn.
Thế nhưng, hầu như toàn bộ tiền bạc dành dụm cũng như vay mượn của cô đều đổ vào các ca truyền máu và phẫu thuật cho con đến mức cạn kiệt khiến cô đành phải mang con trở về nhà. Và lần gần đây nhất, cô không còn một xu dính túi để mang con trở lại bệnh viện khi tình trạng sức khỏe của con mình trở nên xấu đi.
“Tôi như đứt từng khúc ruột khi nhìn thấy thằng bé ngưng thở ngay trong vòng tay tuyệt vọng của mình mà không thể làm gì được”, người mẹ trẻ nói trong tiếng nấc nghẹn, tay quẹt vội dòng nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ của mình.
Nguyễn Thuận (theo Washington Post)