Mỹ và châu Âu hợp lực để kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc

02/12/2020 - 19:40

PNO - Đó là đề xuất của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đối với các hoạt động chiến lược của Trung Quốc ở châu Phi, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Theo một báo cáo được công bố gần đây nhất của Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ Jim Risch, việc hợp sức giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho mục tiêu chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và châu Phi.

Cơ hội “ngàn năm có một”

Đề xuất trên xuất hiện vào thời điểm EU đang lên kế hoạch yêu cầu nội các sắp thiết lập của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden hãy nắm lấy cơ hội “ngàn năm có một” để có thể hình thành một liên minh toàn cầu mới hòng đối phó với “thách thức chiến lược” do Trung Quốc tạo ra.

Thượng nghị sĩ Jim Risch - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, thuộc đảng Cộng hòa. Ảnh tư liệu
Thượng nghị sĩ Jim Risch - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, thuộc đảng Cộng hòa - Ảnh tư liệu

Các lời kêu gọi thành lập liên minh xuyên Đại Tây Dương như thế đang ngày càng rõ tại Mỹ và châu Âu sau chiến thắng được cho là thuộc về Biden. Bởi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump bị cho là có thái độ thù địch với EU và cương quyết chống Trung Quốc bằng các biện pháp cứng rắn riêng của Washington.

Thượng nghị sĩ Jim Risch, một đảng viên đảng Cộng hòa ở Idaho, cho rằng Hoa Kỳ cần làm việc với EU để thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vào Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt, các dự án cơ sở hạ tầng nhằm bảo đảm an ninh hàng hải ở Biển Đông cũng như Ấn Độ Dương.

Báo cáo vạch ra các bước tiếp theo cần thực hiện là “xây dựng ý chí chính trị hiện có để hợp tác trong khu vực và quyết định địa điểm trọng yếu mang ý nghĩa hợp tác trong thực tế”. Và sự phối hợp giữa Mỹ - EU ở Ấn Độ - Thái Bình Dương hiện đang khá mờ nhạt so với ở châu Phi. Trong khi đó, việc Trung Quốc có thể “thống trị” Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ có tác động trực tiếp trên toàn cầu.

Báo cáo cũng phân tích lợi thế của “liên minh mới” khi hầu hết các nước khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thường là đối tác an ninh thân thiết của Mỹ, còn châu Phi vẫn được xem là “láng giềng” của EU do vị trí địa lý và các mối liên kết chặt chẽ về an ninh.

Bắc Kinh đã đầu tư khá lớn vào lục địa đen thông qua chiến lược “​​Vành đai và con đường”. Gần đây nước này còn ký Thoả thuận Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với hầu hết các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, tạo nên khối thương mại tự do lớn nhất thế giới.

“Tâm đầu ý hợp”

Trong một diễn biến khác, ngày 29/11, tờ Financial Times đưa tin Ủy ban châu Âu - cơ quan điều hành EU - cũng đang chuẩn bị một đề xuất chi tiết với Mỹ về việc thành lập một liên minh toàn cầu mới trước những thách thức chiến lược từ Trung Quốc.

Dự thảo của đề xuất có tiêu đề “Chương trình nghị sự mới của Hoa Kỳ - EU về cơ hội toàn cầu” đưa ra gợi ý hợp lực để định hình môi trường pháp lý kỹ thuật số. Bao gồm áp dụng các cách thức chung để thực thi việc chống độc quyền và bảo vệ dữ liệu, hợp tác sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài nhạy cảm và cùng nhau chống lại các mối đe dọa như tấn công trên không gian mạng.

Liên minh Châu Âu đang lên kế hoạch đề nghị chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden nắm lấy cơ hội để hình thành liên minh toàn cầu mới nhằm đối phó với “thách thức chiến lược” từ Trung Quốc. Ảnh: Reuters
EU đang lên kế hoạch đề nghị chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden nắm lấy cơ hội để hình thành liên minh toàn cầu mới nhằm đối phó với “thách thức chiến lược” từ Trung Quốc - Ảnh: Reuters

"Là các xã hội dân chủ cởi mở và nền kinh tế thị trường, EU và Mỹ đồng ý thách thức chiến lược quốc tế ngày càng quyết liệt của Trung Quốc, ngay cả khi Mỹ và EU không phải lúc nào cũng đồng ý phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề liên quan”, dự thảo viết.

Theo báo chí châu Âu, dự thảo đề xuất do ủy ban và đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU thực hiện. Dự kiến đề xuất ​​sẽ được các nhà lãnh đạo quốc gia thông qua tại cuộc họp từ ngày 10 đến 11/12 tới. Một hội nghị thượng đỉnh EU - Hoa Kỳ đã được gợi ý vào nửa đầu năm 2021 và đó là thời điểm khởi động chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới của các cường quốc.

Quốc Ngọc (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI