Mỹ, Úc, Nhật, Ấn Độ bàn về chiến lược kinh tế, hạ tầng mới

19/02/2018 - 11:41

PNO - Nhằm thay thế sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR) của Trung Quốc, bốn quốc gia đang thảo luận về việc thành lập một kế hoạch cơ sở hạ tầng chung cho khu vực.

Tờ Australian Financial Review trích dẫn lời một quan chức Chính phủ Mỹ hôm thứ Hai 19/2 rằng kế hoạch mới vẫn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị, và chưa thể được tiết lộ vào chuyến công du nước Mỹ sắp tới của Thủ tướng Úc Turnbull.

Tuy nhiên, quan chức này nói rằng dự án nằm trong chương trình nghị sự của cuộc đàm phán giữa ông Turnbull với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nguồn tin cho biết thêm, kế hoạch này là "sự thay thế" đối với sáng kiến ​​“Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc chứ không phải là "đối thủ".

"Không ai nói Trung Quốc không nên xây dựng cơ sở hạ tầng. Trung Quốc có thể xây dựng một cảng biển và chúng tôi sẽ xây dựng một tuyến đường hoặc đường sắt liên kết với cảng đó."

Đại diện cho ông Turnbull, Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop và Bộ trưởng Thương mại Steven Ciobo không đưa ra bình luận nào về kế hoạch trên.

My, Uc, Nhat, An Do ban ve chien luoc kinh te, ha tang moi
 

Kế hoạch ​​“Một vành đai, một con đường” xuất hiện lần đầu tiên trong bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Kazakhstan vào năm 2013.

Đây là phương tiện để cường quốc này có vị thế lớn hơn trên trường quốc tế bằng cách tài trợ, xây dựng đường giao thông và thương mại toàn cầu liên kết hơn 60 quốc gia.

Kể từ đó, Trung Quốc xem đây là chiến lược hàng đầu, và đã mời các nhà lãnh đạo thế giới đến Bắc Kinh hồi tháng 5/2017 để tham dự hội nghị thượng đỉnh.

Trong đó Trung Quốc cam kết dành 124 tỷ USD để tài trợ cho kế hoạch này và ghi nhận kế hoạch vào nghị quyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong tháng 10/2017.

Nhiều địa phương cũng như các công ty nhà nước và tư nhân của Trung Quốc đã nhanh chóng đổ tiền đầu tư và cho vay ra nước ngoài.

Vào tháng 1/2018, Bắc Kinh phác họa tham vọng mở rộng sáng kiến ​​đến Bắc Cực, bằng cách phát triển các đường vận chuyển, được mở ra bởi sự nóng lên toàn cầu, tạo thành một "Con Đường Tơ Lụa" qua vùng cực.

Gần đây, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc quyết định khôi phục đàm phán 4 chiều - Quad nhằm tăng cường hợp tác an ninh, và phối hợp các giải pháp thay thế cho việc tài trợ cơ sở hạ tầng khu vực do Trung Quốc cung cấp.

Lần đầu xuất hiện vào cách đây khoảng một thập kỷ, Quad là nơi để các quốc gia thảo luận và hợp tác về an ninh. Trung Quốc xem đây là nỗ lực “phá rối” của các nền dân chủ đối với tình hình kinh tế, chính trị trong khu vực châu Á.

Quad từng tổ chức hội đàm tại Manila bên lề Hội nghị thượng đỉnh Asean và Đông Á tháng 11/2017

Tấn Vĩ (Theo TODAY)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI