Mỹ tuyên bố không tham gia nỗ lực toàn cầu tìm kiếm vắc-xin COVID-19 do WHO khởi xướng

02/09/2020 - 13:56

PNO - Nhà Trắng đã đáp trả những lo ngại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khi một quan chức Mỹ cho biết một loại vắc-xin COVID-19 có thể được phê duyệt mà không cần hoàn thành các thử nghiệm đầy đủ.

Theo ABC News đưa tin, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ không tham gia nỗ lực toàn cầu để phát triển, sản xuất và phân phối vắc-xin COVID-19 do WHO khởi xướng với tên gọi COVAX, vì không muốn bị hạn chế bởi các nhóm đa phương.

Đây là quyết định cứng rắn tiếp theo sau khi Nhà trắng cắt đứt quan hệ với WHO vào tháng 5/2020. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích cách xử lý chậm chạp của WHO đối với đại dịch COVID-19, cáo buộc tổ chức này tập trung, chịu ảnh hưởng quá nhiều từ Trung Quốc và đưa ra những lời khuyên xấu.

Gần đây, WHO cho biết khoảng 172 quốc gia đã đồng ý với kế hoạch COVAX nhằm đảm bảo các nước có thể tiếp cận công bằng với vắc-xin COVID-19 tiềm năng và an toàn.

"Mỹ sẽ tiếp tục thu hút các đối tác quốc tế để đảm bảo chúng tôi sẽ đánh bại virus corona, nhưng chúng tôi sẽ không bị hạn chế bởi các tổ chức đa phương chịu ảnh hưởng của WHO và Trung Quốc" - Phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere cho biết trong một tuyên bố.

Ông nói thêm: “Tổng thống Donald Trump sẽ không tiếc chi phí để đảm bảo bất kỳ loại vắc-xin mới nào cũng duy trì tiêu chuẩn vàng của FDA về độ an toàn và hiệu quả, được kiểm tra kỹ lưỡng và có khả năng cứu sống nhiều người”.

Tuy nhiên, thông báo mới này của Nhà trắng cũng vấp phải một số phản đối từ các đại biểu và các chuyên gia Mỹ. Họ cho rằng quyết định trên của chính quyền là thiển cận và bày tỏ lo ngại hướng đi đơn độc này sẽ khiến Mỹ có nguy cơ không nhận được vắc-xin. “Tham gia COVAX là một biện pháp đơn giản để đảm bảo Mỹ có thể tiếp cận với vắc-xin bất kể ai là người phát triển nó trước.”- Bera, một bác sĩ y khoa cho biết.

Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ  (FDA), Stephen Hahn, nói với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn ngày 31/8, FDA đã chuẩn bị cấp phép cho một loại vắc-xin COVID-19 trước khi các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối hoàn tất, miễn là các quan chức tin rằng điều này mang lại nhiều lợi ích hơn rủi ro.

Ngay sau thông tin công bố, các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới đã bày tỏ sự quan ngại việc cấp phép, cung cấp vắc-xin một cách rộng rãi quá nhanh có thể gây ra rủi ro khó lường.

Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO cho biết: “Nếu bạn chuyển sang giai đoạn tiêm chủng vắc-xin COVID-19 quá nhanh cho hàng triệu người, bạn có thể bỏ lỡ một số tác dụng phụ nhất định.”

Hiện, AstraZeneca, ứng viên nghiên cứu và phát triển vắc-xin COVID-19 tiềm năng, nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Mỹ đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng với quy mộ 30.000 người tại Mỹ. Tương tự, hai ứng cử viên vắc-xin khác cũng đã bắt tay vào giai đoạn 3 thử nhiệm trên hàng chục nghìn người, bao gồm một của Viện Y tế Quốc gia, được sản xuất bởi Moderna Inc và vắc-xin còn lại được phát triển bởi Pfizer và BioNTech của Đức.

Chung Thu Hương (theo Reuters và ABC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI