Mỹ - Trung và bẫy Thucydides

22/05/2019 - 18:13

PNO - Dù cả Trung Quốc và Mỹ đều hiểu những khả năng khiến họ rơi vào “bẫy Thucydides”, nhưng họ không thể làm khác.

Một tuần đầy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến thị trường thế giới chao đảo. Trong khi phái đoàn hai bên vẫn đàm phán, dường như Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không muốn mọi thứ đi quá xa vào viễn cảnh của một Thucydides.

My - Trung va bay Thucydides
Trí tuệ nhân tạo là một trong những lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc không ngừng so kè

Năm 2013, ông Tập Cận Bình từng chia sẻ: “Tất cả chúng ta đều phải cùng nỗ lực để tránh bẫy Thucydides”. Sử gia người Mỹ Graham T. Allison, chuyên nghiên cứu về Hy Lạp cổ đại, chính là người đã đặt ra khái niệm “bẫy Thucydides”, khi ông nghiên cứu về cuộc chiến giữa thành Sparta và thành Athens, vào thế kỷ V trước công nguyên.

Khái niệm này diễn tả những mối nguy hiểm trong bối cảnh một cường quốc lâu năm bị một quyền lực mới đang lên thách thức. Trong quyển Destined for war: Can America and China escape Thucydides’s trap? (Định mệnh chiến tranh: Liệu Mỹ và Trung Quốc có thể thoát bẫy Thucydides?), Allison nghiên cứu mở rộng 16 trường hợp tương tự. Kết quả: có 12 trường hợp đối đầu kết thúc bằng một cuộc xung đột công khai. Allison liên hệ với tình hình hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, cho rằng hai nước đang trên đà chiến tranh, trừ khi hai bên chấp nhận những khó khăn và đưa ra những quyết định ít gây tổn hại nhất.

Ngay sau khi Google thông báo chấm dứt các quan hệ hợp tác với Huawei, ngừng chuyển giao phần mềm, phần cứng và hỗ trợ Huawei về mặt công nghệ, 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới (đều của Mỹ) là Intel, Qualcomm và Broadcom cũng tiếp bước. Nhà sản xuất chip của Đức - Infineon cũng ngừng giao dịch với Huawei. Đây chưa phải là diễn biến cuối cùng sau khi ông Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị viễn thông mà Bộ Thương mại Mỹ coi là rủi ro với an ninh quốc gia.

Huawei nói riêng và Trung Quốc nói chung hiểu, họ không có lựa chọn khác, mà phải nỗ lực cho sự độc lập nhất định. Nghĩa là phải đổ tiền nhiều hơn cho các hoạt động nghiên cứu, nếu vẫn giữ tham vọng vươn lên thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới. Những năm gần đây, Trung Quốc đã dồn nguồn tài chính lớn để đầu tư cho công nghệ. Riêng Huawei, năm ngoái đã chi đến 15,3 tỷ USD cho nhiệm vụ phát triển sản phẩm. Đây là mức chi đậm hơn cả Microsoft (14,7 tỷ USD) hay Apple (14,2 tỷ USD).

Điều quan trọng với Trung Quốc hiện nay là tìm kiếm nguồn cung cấp công nghệ bán dẫn. Trung Quốc từng sản xuất ra sản phẩm bán dẫn sơ khai nhất vào thập niên 1950, nhưng đến nay, ước mơ tự sản xuất vẫn chưa thực hiện được. Bắc Kinh đã rất nỗ lực trong việc thâu tóm các công ty sản xuất bán dẫn của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, thậm chí đồng ý chi tiền khủng, nhưng vì lý do an ninh, các quốc gia trên đã kiểm soát vô cùng chặt chẽ, giới hạn tối đa. Từ năm 2015 đến nay, những thương vụ mua lại công ty bán dẫn của Mỹ mà Trung Quốc chốt được chỉ hơn 10% so với con số mong muốn.

Trong cuộc chiến này, Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ cần đồng minh. Tờ Asia Times, ngày 20/5, cho biết: động thái mới nhất từ phía Mỹ sẽ không ngăn được Huawei phát triển mạng lưới 5G ở châu Âu.

Dù cả Trung Quốc và Mỹ đều hiểu những khả năng khiến họ rơi vào “bẫy Thucydides”, nhưng họ không thể làm khác. Nếu một cuộc xung đột quân sự là điều khó xảy ra thì có vẻ chiến tranh lạnh về công nghệ đã bắt đầu. Bên chiến thắng là bên có những “chiến binh” tinh nhuệ nhất và có thể chịu đựng sự tổn thất lâu nhất, có sự chuẩn bị kỹ càng nhất.

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI