Mỹ - Trung trong cuộc đua 'xâm lược' mặt trăng

07/06/2019 - 08:00

PNO - Ngày 3/1/2019, Trung Quốc hạ cánh tàu thăm dò Hằng Nga 4 trên phần khuất của mặt trăng. Lịch sử ngành nghiên cứu không gian của thế giới hoàn toàn thay đổi...

Trung Quốc bước chân vào vũ trụ

Ngày 3/1/2019, Trung Quốc hạ cánh tàu thăm dò Hằng Nga 4 trên phần khuất của mặt trăng. Lịch sử ngành nghiên cứu không gian của thế giới hoàn toàn thay đổi.
Trong gần 50 năm, kể từ ngày 20/7/1969, chúng ta đã sống trong “Thời đại Apollo”, khi loài người bước những bước đầu tiên lên mặt trăng. Đến ngày 3/1/2019, thế giới như bước vào “Thời đại Hằng Nga”, tập trung vào việc định cư ở hai cực của mặt trăng.

My - Trung trong cuoc dua 'xam luoc' mat trang
Tàu Hằng Nga 4 đem theo xe tự hành thám hiểm mặt trăng đã đáp thành công xuống mặt khuất của hành tinh đầu năm 2019

Giống như các nhiệm vụ Apollo của NASA, đặt theo tên của vị thần mặt trời Hy Lạp, chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc (CLEP) mang tên của nữ thần mặt trăng trong văn hóa phương Đông. Tuy nhiên, khác với Apollo, sứ mệnh Hằng Nga không dừng lại ở việc “đặt chân” hay “cắm cờ” lên hành tinh khác. Thay vào đó, giống như Hằng Nga chọn mặt trăng làm nơi ở, CLEP muốn thiết lập sự hiện diện vĩnh viễn của con người trên bề mặt mặt trăng vào năm 2036, nhằm sử dụng các nguồn tài nguyên mặt trăng như titan, uranium, cũng như quặng sắt và nước để xây dựng tên lửa và nhiên liệu đẩy.

Khả năng sản xuất trong không gian là một bước quan trọng để đạt được các kế hoạch khai thác không gian của Trung Quốc, bao gồm khai thác khoáng vật và xây dựng các trạm năng lượng mặt trời vào năm 2050. Nhiệm vụ Hằng Nga 4 ở phía khuất của mặt trăng phát hiện rằng, các mảnh vỡ trên bề mặt tiểu hành tinh chứa khoáng chất gọi là pyroxene canxi thấp (ortho) và olivin. Nghiên cứu về các loại đá trên có thể giải mã thành phần khoáng vật học mặt trăng cũng như nguồn gốc và sự tiến hóa của hành tinh.

Nửa phía xa của mặt trăng khác với nửa gần, nơi tập trung phần vụn đá mà sứ mệnh Apollo đem về trái đất. Nó có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về các nhiệm vụ trong tương lai nhằm đảm bảo sự hiện diện bền vững của con người. Từ cuối năm 2019, Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai sứ mệnh Hằng Nga 5 đến mặt trăng, nhằm đưa các mẫu đất đá về lại trái đất phục vụ nghiên cứu.

Ngày 24/4/2019, nhân Ngày Hàng không vũ trụ Trung Quốc, người đứng đầu Cơ quan quản lý không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA), Zhang Kejian, đã công bố kế hoạch của Trung Quốc trong việc thành lập một cơ sở nghiên cứu tại cực Nam mặt trăng trong vòng 10 năm tới. Trung Quốc sẽ gửi hai tàu thăm dò robot đến các cực trước năm 2030, để xác định sự tồn tại của nước đóng băng và các tài nguyên khác.

Mỹ lên kế hoạch lập căn cứ trên mặt trăng

Bên kia Thái Bình Dương, khai thác tài nguyên mặt trăng cũng trở thành ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Cơ sở NASA Swamp Works ở Florida đưa ra hình mẫu robot vận hành hệ thống bề mặt tiên tiến Regolith, có thể trích xuất, tạo khuôn và phân tách đất mặt trăng để lấy tài nguyên. NASA đang lên kế hoạch thành lập căn cứ mặt trăng vào năm 2028. Chương trình có tên là Artemis, đặt theo tên của nữ thần mặt trăng Hy Lạp, chị em sinh đôi của Apollo. Jeff Bezos, Giám đốc điều hành Amazon và người sáng lập Blue Origin, tiết lộ: công ty vũ trụ tư nhân này đã hoàn thành mẫu thiết kế tàu đổ bộ mặt trăng mang theo robot tự hành Blue Moon. Thậm chí, tỷ phú Jeff Bezos còn có kế hoạch dài hạn để chuyển tất cả ngành công nghiệp nặng trên trái đất lên vũ trụ.

Cả ông Bezos lẫn Trung Quốc dường như đều bị thúc đẩy bởi những mối quan tâm tương tự nhau. Đối với Trung Quốc, lệ thuộc vào nguồn tài nguyên không thể tái tạo nhằm thúc đẩy nền kinh tế là lựa chọn không khôn ngoan; do đó, phát triển khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên khổng lồ của không gian trở thành một bước tiến về phía trước. Còn Jeff Bezos cũng tin chắc rằng, nhân loại phải phát triển khả năng sống và làm việc trong không gian, vì tài nguyên trái đất là hữu hạn.

Cách đây hơn 17 năm, năm 2002, Ouyang Ziyuan, nhà khoa học trưởng trong chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc, đã tuyên bố: “Người bạn song hành với trái đất có thể đóng vai trò là nhà cung cấp năng lượng và tài nguyên mới cho con người. Bất kỳ ai chinh phục mặt trăng đầu tiên, chắc chắn sẽ có lợi thế”. 5 năm sau đó, Hằng Nga 1 chính thức được triển khai và Trung Quốc trở thành đấu thủ mạnh trong cuộc đua lên cung trăng. 

Ngày 5/6 vừa qua, Trung Quốc đã phóng thử tên lửa không gian từ biển, đánh dấu bước đi mới nhất trong nỗ lực trở thành một cường quốc vũ trụ của Bắc Kinh.

Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc cho biết, một tên lửa Long March 11 đã được phóng từ tàu ở biển Hoàng Hải vào trưa 5/6. Tên lửa mang theo hai vệ tinh thử nghiệm và năm vệ tinh thương mại. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV ca ngợi cuộc thử nghiệm là "bệ phóng mới để Trung Quốc tiến nhanh vào không gian".
Đầu năm nay, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu thám hiểm trên phần khuất của mặt trăng. Quốc gia cũng tiết lộ các kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng một cơ sở nghiên cứu trên bề mặt mặt trăng, gửi tàu thăm dò lên sao hỏa và xây dựng một trạm không gian trên quỹ đạo trái đất.
Năm 2003, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba có khả năng đưa con người lên vũ trụ. Với giàn phóng trên biển, Trung Quốc hiện có khả năng triển khai các vệ tinh từ một bệ phóng di động. Gần đây nhất, công ty Sea Launch do Nga hậu thuẫn đã sử dụng bệ phóng nổi để phóng hàng chục tên lửa trong giai đoạn từ năm 1999 đến 2014.

Tấn Vĩ (theo The Diplomat)

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI