Mỹ - Trung Quốc tìm thêm sức mạnh quốc tế để đối trọng lẫn nhau

19/11/2020 - 19:54

PNO - Trước khi nhiệm kỳ tổng thống Mỹ mới bắt đầu, Washington và Bắc Kinh đã có những bước đi ngoại giao quan trọng nhằm củng cố sức mạnh, chuẩn bị cho một cuộc đối đầu âm ỉ.

Ông Joe Biden phát biểu về nền kinh tế Hoa Kỳ sau cuộc họp ngắn với các cố vấn kinh tế ở Wilmington, Delaware - Ảnh: Reuters
Ông Joe Biden phát biểu về nền kinh tế Hoa Kỳ sau cuộc họp ngắn với các cố vấn kinh tế ở Wilmington, Delaware - Ảnh: Reuters

Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu Trung Quốc

Theo hãng tin Bloomberg, ông Donald Trump đang xem xét thêm một số động thái chống lại Bắc Kinh, bao gồm nhiều biện pháp trừng phạt nặng hơn đối với các quan chức và tổ chức chính quyền liên quan đến căng thẳng tại Hồng Kông và Tân Cương; chống đánh bắt cá bất hợp pháp và bảo vệ các công ty công nghệ Mỹ khỏi nguy cơ bị Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Các động thái của Tổng thống Trump, dự kiến ​​diễn ra trong vài tuần tới, được thực hiện nhằm buộc đối thủ Joe Biden tiếp tục hướng đi hiện tại trong mối quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh, nếu Nhà Trắng đón chủ nhân mới.

Một báo cáo của trang tin tức Axios cho thấy, chính quyền Mỹ cũng đang xem xét mở rộng danh sách đen của Bộ Quốc phòng về các công ty Trung Quốc bị Mỹ chặn đầu tư do có liên hệ với quân đội Trung Quốc, đồng thời chuẩn bị những hành động tiếp theo chống lại việc Bắc Kinh sử dụng lao động cưỡng bức trong ngành đánh bắt cá.

John Ullyot - người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ - nhận định: “Trừ phi Bắc Kinh đảo ngược đường lối và trở thành một người chơi có trách nhiệm trên toàn cầu, các tổng thống Mỹ tương lai sẽ không bao giờ đảo ngược nước cờ lịch sử của ông Trump”.

Mỹ cần hợp lực với các nền dân chủ khác

Hôm 16/11, ông Joe Biden khẳng định, Mỹ phải hợp lực với các nền dân chủ khác nhằm thực hiện mặt trận thống nhất trong thương mại toàn cầu như một đối trọng với Trung Quốc. “Chúng ta nắm giữ 25% nền kinh tế trên thế giới. Chúng ta cần phải hợp lực với các nền dân chủ khác để có thể đặt ra các quy tắc thay vì nhìn Trung Quốc và những nước khác quyết định kết quả” - ông Biden phát biểu sau cuộc họp với các cố vấn kinh tế ở bang Delaware.

Khi được hỏi liệu Mỹ có tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP, gồm 15 quốc gia) hay không, ông Joe Biden cho biết, ông vẫn chưa thể thảo luận về chính sách thương mại vì vẫn chưa nhậm chức và nước Mỹ không thể cùng lúc có hai tổng thống. Dù vậy, ông Joe Biden hứa đưa ra kế hoạch thương mại chi tiết vào ngày 21/1/2021, một ngày sau buổi tuyên thệ nhậm chức.

Trong khi đó, các thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm Nhật Bản bày tỏ hy vọng rằng, ông Biden sẽ đưa Mỹ gia nhập lại TPP. Nhưng cựu phó tổng thống Mỹ dường như rất hạn chế thảo luận chủ đề này và sẽ không dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trong ngắn hạn. 

Theo Reuters, ông Joe Biden dự kiến thúc đẩy thương mại bằng cách chú trọng đầu tư vào lực lượng nhân công của Mỹ, đảm bảo lợi ích về lao động và môi trường thay vì nhắm vào mục tiêu trừng phạt. 

Tấn Vĩ - Chung Thu Hương (theo Reuters, CNA, Quartz, Business Insider)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI