Mỹ - Trung khó 'ngừng bắn' trong cuộc chiến thương mại

03/12/2018 - 05:57

PNO - Trong bữa ăn tối bên lề cuộc họp G20 ngày 1/12 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ - Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã có cuộc gặp mà truyền thông thế giới mong đợi.

My - Trung kho 'ngung ban' trong cuoc chien thuong mai
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp ngày 1/12

Tín hiệu tích cực đã được đưa ra, nhưng dường như không mấy ai dám đặt nhiều kỳ vọng vào đó.

Sức ép đến tận giờ chót

Trong buổi gặp gỡ có cả Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cùng nhiều quan chức cấp cao của Mỹ, cho thấy phía Mỹ thật sự muốn Trung Quốc hiểu họ nghiêm túc với những chính sách kinh tế hướng đến quốc gia châu Á này. Vài ngày trước khi diễn ra cuộc gặp lịch sử, các quan chức Nhà Trắng không ngừng đưa ra những ý kiến gây áp lực với Trung Quốc. Đúng như những gì giới phân tích dự báo, sẽ khó có kỳ tích ở cuộc gặp tại G20 lần này.

Tối 1/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể hiện thái độ rõ ràng, chỉ đưa ra thông điệp: “Vào một lúc nào đó, sẽ có những nỗ lực cho một tiến trình tốt hơn, cho cả Trung Quốc và Mỹ”. Câu nói này của ông Trump xem như không chắc chắn được điều gì, vì trước đó ông không ngừng đưa ra những lời công kích thẳng thừng về phía Trung Quốc, khẳng định Mỹ sẽ không nhượng bộ.

Câu nói của ông Trump được cho là chỉ mang tính thăm dò, vì chỉ mới hơn 3 tháng trước, tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính G20 tại Buenos Aires, Mỹ vẫn không hề cho thấy bất kỳ thái độ nào là sẵn sàng bắt tay với Trung Quốc. Bộ trưởng Steven Mnuchin lúc ấy đã tìm cách lôi kéo Nhật Bản và Liên minh châu Âu trong cuộc đọ sức với Trung Quốc, nhưng bất thành trước sự phản kháng cứng rắn từ các nước.

Các quốc gia châu Âu nói, họ không muốn đưa ra quyết định bất lợi cho bên thứ ba là Trung Quốc trong tình cảnh bị “gí súng vào đầu”. Khi ấy, Mỹ vẫn duy trì việc áp thuế nhắm vào nhôm và thép nhập khẩu từ châu Âu, Canada và Mexico. Họ yêu cầu Mỹ hãy bàn về vấn đề này trước khi đưa ra bất cứ yêu cầu nào với họ.

Dù có mối quan hệ, xét về cá nhân, “ổn thỏa” đến đâu trên truyền thông, đối diện với quyền lợi quốc gia, ông Trump sẵn sàng “làm khó” ông Tập Cận Bình. Tại các cuộc họp quốc tế quan trọng, chính quyền Mỹ không ngừng chỉ trích thẳng chính quyền Bắc Kinh. Tại hội nghị thượng đỉnh APEC mới đây, Phó tổng thống Mỹ - Mike Pence nói “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc sẽ khiến các quốc gia “chết” trong nợ nần nhiều hơn.

Không cần dùng bất cứ ngôn từ hoa mỹ nào, Mỹ gọi đây là “vành đai thắt chặt một chiều”. Chưa hết, Mỹ không ngừng nhắm thẳng vào Trung Quốc khi Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow, ngay trước thềm G20, khẳng định sẽ không có bất cứ thỏa thuận nào trừ khi các vấn đề như đánh cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc... được giải quyết.

Nước cờ của Trung Quốc

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu leo thang với những đòn đánh thuế nặng vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà Tổng thống Donald Trump khởi xướng, cam kết từ chiến dịch vận động tranh cử vào Nhà Trắng. Đến nay, Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đã tăng thuế đối với 110 tỷ USD hàng Mỹ. Chưa hết, ông Trump còn dọa áp thuế lên thêm 267 tỷ USD với nhiều hàng hóa khác của Trung Quốc, nghĩa là tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25%.

Sẽ khó có một màn “làm hòa” trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vì theo giới quan sát, đây không thuần túy là cuộc chiến thương mại mà còn là cách Mỹ muốn chuyển thông điệp đến Trung Quốc rằng, Washington vẫn đang dõi theo những hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhưng dường như Trung Quốc cũng không mặn mà lắm với chuyện có “làm hòa” hay không, vì họ không ngồi đó đợi quyết định từ Washington.

Trên đường đến Argentina, ông Tập Cận Bình đã kịp ghé Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Trung Quốc thể hiện rõ mong muốn mang đầu tư đến hai quốc gia này, nhắm vào các lĩnh vực công nghệ, củng cố thương hiệu các doanh nghiệp và xây dựng môi trường hợp tác thân thiện giữa hai chính phủ. Mục tiêu của Trung Quốc là thắt chặt quan hệ đối tác đầu tư với các quốc gia Nam Âu, vốn cần thời gian ổn định sau cú trượt dài vì khủng hoảng nợ công.

Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre của Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, thuộc Trường đại học Harvard - tác giả quyển sách Sự tấn công của Trung Quốc vào châu Âu - nhận định: “Đây là bước đi chiến lược của Trung Quốc về lâu dài. Họ muốn những quốc gia Nam Âu ủng hộ họ trên trường quốc tế và đây là cách họ từng bước chiếm lấy lợi thế”. 

Anh Thông (theo USA Today, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI