Nghiên cứu của Trung Quốc công bố vào tháng Bảy là kết quả hợp tác giữa Đại học Thanh Hoa và Viện Tài nguyên nước Trung Quốc. Trong đó lập luận rằng trên thực tế, các con đập giúp giảm bớt vấn đề hạn hán bằng cách lưu trữ nước trong mùa mưa và giải phóng nó vào mùa khô.
|
Dòng sông Mê Kông là nơi sinh sống của 60 triệu người dân khu vực Đông Á. |
Chặn đường nước nhỏ
Mê Kông, nguồn sống của 60 triệu người, bắt nguồn từ Trung Quốc (đoạn Lan Thương) trước khi chảy qua Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.
Báo cáo phương tiện truyền thông ở các quốc gia hạ nguồn đều chỉ ra mối quan hệ của tình trạng hạn hán với các đập Trung Quốc, sử dụng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông cho thủy điện hoặc thủy lợi. Những tuyên bố này được củng cố vào tháng 4/2020 khi một báo cáo của công ty tư vấn Eyes on Earth kết luận rằng các đập nước Trung Quốc đã giữ lại 47 tỷ mét khối nước.
Báo cáo trên được ủy quyền bởi Hiệp định đối tác cơ sở hạ tầng bền vững do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn và Sáng kiến hạ lưu sông Mê Kông - một thỏa thuận quan hệ đối tác giữa Mỹ và tất cả các quốc gia Mê Kông, trừ Trung Quốc.
Ngược lại, nghiên cứu của Trung Quốc, dựa trên công trình của tám nhà nghiên cứu do Giáo sư Tian Fuqiang dẫn đầu, đã vẽ một bức tranh rất khác, cho rằng hạn hán là do các yếu tố môi trường, bao gồm nhiệt độ cao và lượng mưa giảm. Họ lập luận rằng các hồ chứa nhân tạo lưu trữ nước vào mùa mưa và giải phóng nó vào mùa khô đã giúp giảm hạn hán dọc theo toàn bộ sông Mê Kông và không chỉ vùng thượng lưu của nó.
Nghiên cứu của Trung Quốc cũng lập luận rằng chính Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ hạn hán cao nhất trong tất cả các quốc gia sông Mê Kông; chỉ ra rằng tần suất hạn hán nghiêm trọng ở sông Mê Kông là khoảng 7% nhưng con số này lên tới 12% ở khu vực phía thượng nguồn, nơi có đập nước của Trung Quốc.
|
Tháng 2/2020, Thái Lan ngừng kế hoạch cùng Trung Quốc mở rộng sông Mê Kông, động thái này được người dân Thái Lan và các nước láng giềng ủng hộ. |
Lập luận thiếu căn cứ
Nhiều chuyên gia và các nhóm môi trường hiện đang đặt câu hỏi về những phát hiện nêu trong báo cáo của Trung Quốc.
Marc Goichot - người lãnh đạo Sáng kiến Nước khu vực Mê Kông của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) - đồng ý với khẳng định của Trung Quốc rằng lượng mưa bất thường là một lý do cho hạn hán. Tuy nhiên, ông cho biết các hoạt động của con người cũng đóng một vai trò quan trọng.
Brian Eyler - Giám đốc chương trình của Stimson Center Đông Nam Á, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Washington - chỉ ra rằng hạn hán đã xảy ra ngay cả trong mùa mưa và cho biết báo cáo của Trung Quốc không giải thích được hiện tượng này.
Eyler trích dẫn một cuộc điều tra của Stimson Center rằng hai đập thượng nguồn Nọa Trát Độ (Nuozhadu) và Tiểu Loan (Xiaowan) của Trung Quốc đã hạn chế khoảng 20 tỷ mét khối nước từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2019. Cuộc điều tra dựa trên các hình ảnh vệ tinh và một thông báo công khai của China Southern Grid liên quan đến việc tối ưu hóa trên các con đập.
Ngày nay, ông Eyler tiết lộ hình ảnh vệ tinh cho thấy những con đập này một lần nữa bắt đầu hạn chế lượng nước tương tự từ tháng 7/2020 và dự kiến duy trì cho đến cuối năm nay, khiến một phần của dòng sông Mê Kông lại cạn đáy.
Chuyên gia nghiên cứu từ Đại học Goethe Frankfurt (Đức) - Sebastian Biba - cũng đồng ý rằng các yếu tố môi trường như biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đến khu vực, nhưng vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn bởi các con đập Trung Quốc.
Gary Lee, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của tổ chức phi lợi nhuận International Rivers, nói rằng trái với tuyên bố trong báo cáo của Trung Quốc, các con đập có những tác động tàn phá đối với hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản quan trọng đối với các cộng đồng sống ở các quốc gia hạ lưu sông Mê Kông
Một báo cáo chung của Hiệp hội Đối tác sông Mê Kông về Hệ thống năng lượng và tài nguyên môi trường (Amperes), và các nhà nghiên cứu của Đại học Aalto của Phần Lan cho biết đại học Thanh Hoa cần đưa thêm bằng chứng về việc hồ chứa giảm hạn hán và bảo vệ chống lũ lụt.
|
Bằng chứng thực tiễn cho thấy các con đập của Trung Quốc góp phần làm trầm trọng thêm hạn hán ở phía hạ lưu. |
Đảo lộn chu trình của tự nhiên
Các nhà phân tích cũng đặt câu hỏi về tuyên bố của Trung Quốc rằng các hồ chứa tích trữ nước vào mùa mưa và xả vào mùa khô là một hình thức “cứu trợ hạn hán” cho toàn bộ khu vực sông Mê Kông.
Eyler cho biết các mùa thay đổi đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái địa phương. Trong khi đó, Tổ chức mạng lưới dân cư sông Mê Kông của Thái Lan mô tả việc lưu trữ nước mùa mưa để giải phóng trong mùa khô là đi ngược lại với thiên nhiên, vì lũ lụt là điều xảy ra hằng năm trong mùa mưa.
Đó là lúc cá và các động vật thủy sinh khác bơi ngược dòng đến thượng nguồn sông Mê Kông và các nhánh của nó để sinh sản và phát triển. Tổ chức đã gửi báo cáo về ảnh hưởng xấu của đập nước đến thực tiễn đời sống của người dân ở tám tỉnh của Thái Lan, tới Đại sứ quán Trung Quốc vào tháng 7/2019.
Eyler cho biết lũ lụt trong lịch sử không được coi là sự kiện thảm khốc ở sông Mê Kông. Nhà nghiên cứu trích dẫn một nghiên cứu của Ủy ban sông Mê Kông (MRC) năm 2017 ước tính rằng lũ lụt mùa mưa đã mang lại 8 tỷ USD lợi ích kinh tế hàng năm, trong khi thiệt hại chưa đến 70 triệu USD. MRC là một nhóm liên chính phủ hoạt động để cùng quản lý các nguồn nước sông Mê Kông thay mặt cho Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Lưu trữ nước ở thượng nguồn gây ra nhiều vấn đề khác do lắng đọng trầm tích như cát và sỏi. MRC ước tính tải lượng trầm tích trong sông Mê Kông đã giảm gần 77%, so với điều kiện tự nhiên gần đầu những năm 1990.
Báo cáo còn lưu ý rằng ghềnh đá, bãi đá cuội và bãi cạn thường xuất hiện trong mùa khô phục vụ nhu cầu sinh thái quan trọng, chẳng hạn như cung cấp nơi ở cho hàng triệu con chim đẻ trứng. Những con vật này đã mất môi trường sống và chu kỳ sinh sản của chúng bị phá vỡ bởi các con đập xả nước.
Biến động bất thường đối với mực nước dòng sông do các con đập gây ra cũng dẫn đến suy thoái thảm thực vật, nguồn thức ăn và thu nhập cho cộng đồng địa phương.
|
Những đập nước làm đảo lộn chu trình tự nhiên, khiến các loài sinh vật mất môi trường sống, giảm lượng phù sa, tác động mạnh đến đời sống người dân. |
Trung Quốc cần minh bạch thông tin
Các báo cáo mâu thuẫn là một dấu hiệu cho thấy dòng sông đang biến thành chiến trường địa chính trị mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Tổ chức Amperes lưu ý những báo cáo về sự khan hiếm nước cung cấp các cơ hội chiến lược cho các bên liên quan sử dụng dữ liệu nhằm leo thang căng thẳng, trong nỗ lực đạt được mục đích chính trị của mình.
Trung Quốc luôn tỏ ra không sẵn sàng chia sẻ thông tin với các nước khác. Qua đó cho thấy rằng phía Trung Quốc muốn che giấu sự thật, bởi việc Trung Quốc thực sự trữ nước để điều tiết hay không không quan trọng, thiệt hại biểu hiện rất rõ ở các quốc gia vùng hạ lưu.
Các nước hạ nguồn, các nhóm hoạt động khu vực, cộng đồng ven sông,.. tất cả đều bắt đầu không tin tưởng vào Trung Quốc và ý định của Bắc Kinh.
Tại một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao khu vực sông Mê Kông vào tháng 2/2020, Trung Quốc cho biết họ sẽ xem xét chia sẻ thông tin thủy văn cả năm với các nước vùng Mê Kông và đảm bảo cái mà họ gọi là sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý và bền vững.
Vào tháng 4/2020, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cam kết Bắc Kinh sẽ chia sẻ thông tin và hợp tác với các nước dọc sông Mê Kông để đối phó với cả thảm họa biến đổi khí hậu và lũ lụt. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có thông tin chính thức nào được đưa ra.
|
Việc Trung Quốc ''úp mở" về dữ liệu nguồn nước sông Mê Kông và các động thái giữ nước khiến các quốc gia láng giềng ngày càng hoài nghi về mục tiêu hợp tác, khai thác bền vững của Bắc Kinh. |
Tấn Vĩ (theo SCMP)